29/03/2009 19:49

Những ngày này khi công trình đầu mối Hát Môn- đập Đáy đi vào giai đoạn kết thúc, thay vào niềm hy vọng lúc mới khởi công là nỗi thất vọng ê chề của nhiều hộ dân sinh sống thuộc lưu vực sông Đáy. Hình như thiết kế vẫn chỉ dừng… trên giấy!

Hy vọng…

Sông Đáy cùng với các sông Nhuệ, Tô Lịch... từ lâu được xem như một trong những dòng sông “chết” chảy qua địa bàn Hà Nội. Hàng năm cứ vào mùa khô, nước sông Hồng không tự chảy vào sông Đáy được do cửa cống Xuân Phú (Phúc Thọ) luôn cao hơn mực mước sông Hồng, mùa mưa thì cống đập Phùng phải đóng kín để chống lụt, nên dòng sông không còn chảy. Cùng với đó, nhiều đoạn sông từ địa phận huyện Đan Phượng kéo dài xuống đến Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức do đất bồi lắng nên dòng chảy chỉ bé như một con mương nhỏ, thậm chí có những đoạn gần như không còn dấu tích của dòng sông.

Người dân vẫn mặc sức lấn chiếm, thả rau càng khiến sông Đáy tắc nghẽn

 

Đã vậy, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề vẫn “vô tư” xả trực tiếp ra, khiến con sông Đáy quanh năm nước đen sánh một màu ô nhiễm. Nhưng chưa hết, người dân sống hai bên bờ sông không chỉ lấn chiếm, mà còn thả rau muống kín hết dòng sông, càng khiến dòng chảy tắc nghẽn. Còn đâu “dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa…”!

Vì thế, khi có dự án cải tạo, làm sống lại dòng sông Đáy đã khiến hàng nghìn con người lại nuôi hy vọng, nhất là khi cụm công trình đầu mối Hát Môn (Cẩm Đình)- đập Đáy (Hiệp Thuận) được bắt đầu khởi công năm 2004. Bởi, theo thiết kế, khi cụm công trình đầu mối Cẩm Đình- Hiệp Thuận đi vào hoạt động, mùa vụ khô hạn, nước sông Hồng sẽ tự chảy vào sông Đáy qua cống Cẩm Đình và hệ thống kênh dẫn tạo nguồn nước tưới phục vụ toàn bộ diện tích đồng đất trong lưu vực sông và các trạm bơm cấp nước tưới cho diện tích ngoài lưu vực sông Đáy.

Tại QĐ 3297/QĐ-BNN-XD của Bộ Nông nghiệp& PTNT cũng nêu rõ, mục tiêu của cụm công trình đầu mối Hát Môn- Hiệp Thuận, sẽ lấy nước từ sông Hồng vào sông Đáy cùng với các cửa lấy nước khác khôi phục lại dòng chảy về mùa kiệt của sông Đáy; cấp bổ sung nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cải tạo môi trường sinh thái, kết hợp giao thông thuỷ và đảm bảo nhiệm vụ phân lũ. Dự án bao gồm 3 hạng mục: cống lấy nước Cẩm Đình (Vân Cốc, Phúc Thọ), tuyến kênh dẫn nước dài 11,3km và cống lấy nước Hiệp Thuận (đập Đáy, Phúc Thọ). Cũng tại QĐ này nêu rõ, thời gian thực hiện dự án từ năm 2002 đến năm 2008.

… và rồi thất vọng!

Ông Đào Ngọc Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Phúc Thọ cho biết: Hơn 250ha đất của các hộ dân đã thu hồi để phục vụ dự án này. Tuy nhiên, thiết kế của cụm dự án đầu mối liên tiếp bị thay đổi, nên đến hết năm 2008 mới chỉ có 2 hạng mục cống lấy nước Cẩm Đình và Hiệp Thuận được bàn giao cho quản lý vận hành. Theo khẳng định từ phía Ban quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 1, tuyến kênh dẫn và công trình trên kênh dẫn đã thi công xong cơ bản và sẽ bàn giao trong tháng 4-2009. Nhưng đến nay, từ cống Cẩm Đình (đầu mối cấp nước từ sông Hồng vào sông Đáy) mới chỉ thấy một con kênh nhỏ, nhiều nơi nước quá nông, có thể lội qua được. Ngay cửa lấy nước dẫn vào cống Cẩm Đình cũng bị phù sa bồi lắng gần hết. Hình hài dòng sông chưa hề thấy đâu. Việc lấy nước từ kênh dẫn để làm nước tưới vào mùa khô và to lớn hơn là sống lại dòng sông Đáy vì thế gần như bất khả thi. Ông Sơn cho biết: “Thiết kế ban đầu họ đưa ra tiêu chí, về mùa cạn, nước trong kênh đảm bảo đủ khả năng cho tàu thuyền trọng tải 200 tấn vẫn đi lại được. Song, thực tế hiện tại lại hoàn toàn ngược lại, cống đang bị treo hoàn toàn, nước trong kênh hiện nay cũng chỉ là nước đọng, nước sông Hồng không thể chảy vào được”.

Tưởng đã thành hiện thực nhưng vẫn chỉ là ước mơ, khi công trình đầu mối Hát Môn- đập Đáy không mang lại hiệu quả như thiết kế

Theo ông Sơn, trạm bơm Xuân Phú nằm ngay cạnh cống Cẩm Đình do được thiết kế theo cống Cẩm Đình nên giờ cũng thường xuyên bị treo do kênh dẫn không có nước. Ông Sơn cho rằng, có thể do lúc thiết kế các nhà khoa học không tính toán hết được sự xuống thấp của mực nước sông Hồng trong những năm gần đây nên cửa cống Cẩm Đình và lòng kênh dẫn mới bị treo như vậy. “Muốn kênh dẫn Cẩm Đình phát huy được hiệu quả thì phải mở rộng thêm cống Cẩm Đình đồng thời hạ thấp thêm lòng kênh dẫn xuống, và tất nhiên, kinh phí cũng rất lớn”, ông Sơn dè dặt.

Ông Trịnh Nhật Thuỷ, Giám đốc Ban quản lý công trình phân lũ sông Đáy- nơi sẽ tiếp nhận và sử dụng công trình cho biết: “Kênh dẫn nước là kênh chìm, tải lưu lượng hạn chế, dẫn chỉ được 36m3/s vào sông Đáy. Với lưu lượng này không thể nói đến việc làm sống lại dòng sông Đáy”. Ông Thủy hy vọng mực nước sông Hồng sẽ lên cao khi thủy điện Sơn La đi vào hoạt động và thủy điện Hòa Bình phát hết công suất, khi đó sẽ có đủ nước vào sông Đáy.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Ánh, Trưởng phòng Quản lý thi công, BQL Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 1 cũng khẳng định, mực nước sông Hồng về mùa kiệt hiện nay thấp hơn mực nước thiết kế khá nhiều, nên lượng nước vào kênh dẫn không được bao nhiêu. Ông Ánh cho biết thêm: “Cụm công trình Hát Môn - đập Đáy là khởi đầu cho dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát lũ sông Đáy. Để dự án đồng bộ và phát huy tác dụng cần phải triển khai hợp phần cải tạo và chỉnh trị dòng sông Đáy, bởi, nước chỉ chảy về được đến đập Đáy là dừng, không chảy đi đâu được do đã bị bịt kín. Do đó, phải nạo vét từ đập Đáy về đến Ba Thá (Mỹ Đức) với chiều dài trên 30km, chi phí sẽ rất tốn kém, ước tính sơ bộ khoảng 1.000 tỷ đồng”.

Theo một số chuyên gia, công trình Hát Môn- đập Đáy là công trình đầu mối cho dự án cải tạo và làm sống lại sông Đáy. Đến thời điểm này còn chưa thấy tác dụng của công trình Hát Môn- đập Đáy, thì dòng sông Đáy sống lại liệu có phải chỉ là giấc mơ?

Hợp phần cụm công trình đầu mối Hát Môn - đập Đáy thuộc dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát lũ Sông Đáy đã được Bộ NN & PTNT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi số 514/ QĐ-BNN- BCNB ngày 18-2-2002, Quyết định số 3025/ QĐ-BNN-XD ngày 18-10-2006. Công trình có tổng kinh phí 536,8 tỷ đồng. Hệ thống này nằm trong 12 xã của huyện Phúc Thọ. Mùa kiệt lấy nước vào, mùa lũ (trên báo động III) thì đóng cửa cống lại, cơ bản lấy nước được quanh năm. Tất cả được thực hiện theo nguyên lý tự chảy.

 

Đức Hải

Theo: HNMO