QĐND - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát tại Việt Nam vào khoảng 19% cuối năm nay và khoảng 10,5% trong năm 2012, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Đi-pắc Mi-sra (Deepak Mishra) nói với với báo giới.

Bức tranh kinh tế năm 2012 sẽ “sáng màu” hơn

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa được WB công bố sáng qua (22-11). So với các dự báo về kinh tế Việt Nam cũng được WB đưa ra hồi tháng 3 năm nay, nhiều điều chỉnh đáng chú ý đã được cập nhật tại báo cáo lần này. Cụ thể là tăng trưởng GDP cả năm 2011 đã được điều chỉnh rất sâu từ 6,3% xuống mức 5,8%; lạm phát thì từ ước tính khoảng 9,5% cho cả năm 2011, thì nay lên đến 19%.

Báo cáo của WB cho biết, lạm phát tại Việt Nam sẽ giảm mạnh vào năm 2012, một phần nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ đúng đắn của Chính phủ thời gian qua. Ảnh: Tiền Phong

Phân tích các tác động đến giảm tăng trưởng của năm nay, WB dẫn các điều chỉnh quan trọng về mặt chính sách đã tác động đến sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo, tăng trưởng đã chậm lại trong nửa đầu năm do chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát; lãi suất tăng cả chiều gửi và cho vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại; chính sách tài khóa thắt chặt hơn…

Liên quan đến các cân đối vĩ mô lớn, WB cho rằng, việc thu hẹp thâm hụt thương mại và Ngân hàng Nhà nước mua vào một lượng ngoại tệ lớn cũng đã giúp tăng dự trữ ngoại hối, đạt khoảng hai tháng nhập khẩu vào cuối tháng 7. Thâm hụt cán cân vãng lai dự kiến sẽ thấp hơn 4% GDP trong năm nay, ngang với mức thâm hụt của năm 2010. “Điều này có thể giúp giảm các khó khăn tức thời liên quan đến cán cân thanh toán, cũng như giảm sức ép mất giá tiền đồng”, báo cáo bình luận.

Từ những giải pháp chính sách tổng hợp, tốc độ lạm phát đã chậm lại kể từ tháng 6-2011. WB dự báo lạm phát Việt Nam sẽ giảm mạnh trong năm tới xuống 10,5%. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhìn nhận, trong tương lai gần lạm phát sẽ không giảm mạnh do các yếu tố như giá hàng hóa cao, lương tối thiểu được điều chỉnh, giá điện có thể tăng và kỳ vọng của thị trường chính sách tín dụng sẽ được nới lỏng trong quý cuối năm 2011. Đến quý I năm tới, theo đánh giá của ông Mi-sra, lạm phát vẫn còn cao. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. 

Đề cập đến triển vọng năm 2012, các nhìn nhận của WB cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ “sáng màu” hơn. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP năm tới sẽ đạt mức khoảng 6,1%, trong khi lạm phát sẽ giảm mạnh mặc dù vẫn khó đưa về ở mức một con số. Cụ thể, báo cáo cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm tới sẽ tăng khoảng 10,5%. Với các cân đối khác, WB cho rằng hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, tuy nhiên thâm hụt thương mại sẽ tăng lên, kéo theo thâm hụt cán cân vãng lai; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ khởi sắc hơn…

Chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ

Một trong những vấn đề đang nổi lên ở Việt Nam hiện nay là mối lo ngại về “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng. Theo báo cáo của WB, chính sách thắt chặt tiền tệ của Việt Nam giúp ích cho kiềm chế lạm phát nhưng đang bắt  đầu tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Để đối phó với tình hình khó khăn thanh khoản, một số ngân hàng nhỏ đã áp mức lãi suất huy động lên đến 18%, dù Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giữ ở mức 14%. Đồng thời, các ngân hàng cũng nâng lãi suất cho vay lên đến 22-27%. “Trong điều kiện nền kinh tế đang trên đà giảm, áp lực đối với phía vay sẽ lớn hơn nữa trong các tháng sắp tới, dẫn đến sự suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm 2011-2012”, báo cáo lưu ý thêm. Và, dù Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ thanh khoản, có “ám chỉ” khả năng phải sáp nhập, nhưng WB cho rằng, trong điều kiện vĩ mô yếu kém, các nhà quản lý ngân hàng còn lưỡng lự khi buộc các ngân hàng phải hợp nhất, hoặc để một số phá sản. “Những vấn đề chưa thể giải quyết trong ngành ngân hàng có thể sẽ vẫn là mối quan ngại đối với Việt Nam trong những năm tới”, WB nhận xét.

Trong bối cảnh đó, ông Mi-sra cho rằng, câu hỏi quan trọng là đã đến lúc nới lỏng chưa? Theo chuyên gia đến từ WB này, việc Chính phủ quyết tâm giảm lạm phát xuống dưới mức lãi suất hiện hành là quan điểm tốt, cần duy trì trong điều kiện hiện nay.

Trong báo cáo cập nhật sáng 22-11, WB cũng đánh giá về tình hình phát triển của khu vực. Theo đó, tốc độ tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Á vẫn đạt mức cao, tuy nhiên tốc độ này được dự báo sẽ chậm lại. Nguyên nhân chính do mức cầu ngoài khu vực suy giảm. Thực tế này yêu cầu các Chính phủ cần tái tập trung cải cách nhằm thúc đẩy mức cầu và nguồn cung trong nước.  Báo cáo năm nay dự đoán, trong bối cảnh bất ổn tại châu Âu và tăng trưởng toàn cầu suy giảm, GDP thực tế ở các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á sẽ tăng 8,2% vào năm 2011 (trừ Trung Quốc mức tăng ước tính chỉ đạt 5%) và 7,8% vào năm 2012.

Dự báo về  năm 2012, WB nhận định GDP của Việt Nam khả năng sẽ đạt 6,1%; CPI tăng 10,5%; nhập siêu khoảng 8 tỷ  USD; chỉ số công nghiệp tăng 12%; giải ngân vốn FDI khoảng 7,3 tỷ USD; thâm hụt tài khoản vãng lai 4,6 tỷ USD; tín dụng ước tăng 15%. 

 

Thu Trang - Ngọc Thư