QĐND - Trung Quốc chỉ nói suông…

- Được biết, ông đã gửi một báo cáo dài cho Hội thảo “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-khía cạnh lịch sử và pháp lý” tổ chức tại Quảng Ngãi năm 2013. Trong báo cáo này, về khía cạnh lịch sử có những điểm gì đáng chú ý? 

- Trong báo cáo này, tôi đã khẳng định Việt Nam có khoảng 30 tư liệu về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tính từ đời các Chúa Nguyễn tới đời Nhà Nguyễn. Trong khi đó, vào năm 1898, Tổng đốc Quảng Châu không nhận trách nhiệm xử lý về một vụ đắm và cướp tàu, lý do là quần đảo Hoàng Sa (khi đó Trung Quốc gọi là Tây Sa) là những đảo bị bỏ rơi, không sáp nhập vào quận nào của Hải Nam.

Về sự kiện này, chính một giáo sư người Trung Quốc đã bình luận rằng: “Không có cơ quan nào của Trung Quốc thời đó lo về Biển Đông. Viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với quan đứng đầu địa phương. Viên quan này trả lời thuyền trưởng Pháp rằng: “Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (nghĩa là chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được và cũng không muốn quản”. Sau đó, viên quan này đành phải cho tàu chạy vào địa phận cảng Hải Phòng của Việt Nam bây giờ. Quan chức địa phương ở đây rất có trách nhiệm, xác nhận cho viên thuyền trưởng và còn cho tàu ra chạy lòng vòng để truy bắt cướp. Sự kiện này chính là chứng cứ về quyền kiểm soát và quản lý thực tế của Việt Nam thời đó.

Chứng cứ này nói lên triều Thanh đã không thừa nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn Việt Nam khi đó, không những đã khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ của mình mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó.

- Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đưa ra các thư tịch cổ và nguồn sử liệu để khẳng định rõ chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy trong báo cáo của mình, ông đã đề cập việc này ra sao?

- Các thư tịch cổ và nguồn sử liệu mà Việt Nam có được cho tới nay đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, Thích Đại Sán viết “Hải ngoại ký sự” năm 1696 đã nhắc việc Chúa Nguyễn sai thuyền ra khai thác Vạn Lý Trường Sa. Ngoài ra, tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam biên giới phía Nam Trung Quốc và không hề vẽ Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau này, Trung Quốc chỉ nói suông mà không đưa ra được bằng chứng nào xác đáng, hoặc bịa đặt là họ đã khám phá các hải đảo, khi thì nói là vào đời Tống, khi thì nói là vào đời Hán.

Chưa hết, trong các cuốn chính sử hay địa dư rất dày và nhiều sách của Trung Quốc đều không nói gì về việc Trung Quốc khám phá hay quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, chẳng hạn trong “Khâm định Đại Thanh nhất thống chí” hay “Thanh sử cảo” hoặc “Đại Thanh nhất thống bản đồ”…

Thêm một chi tiết mới là trong bản đồ Trung Quốc cổ mà Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp ông này tới thăm Đức trong chuyến công du châu Âu hồi đầu tháng 4 vừa qua, không có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời vua Càn Long (1736-1795), do nhà bản đồ học người Pháp là Giăng Báp-tít-xtê An-vin (Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville) vẽ và được một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735.

Những chứng cứ lịch sử này một lần nữa khẳng định điều tôi đã khẳng định ở trên, đó là theo luật quốc tế, khám phá mà không kèm theo việc thực thi chủ quyền quản lý liên tục thì không tạo ra chủ quyền quốc gia.

Việt Nam đưa bằng chứng, học giả Trung Quốc né trả lời…

- Như vậy, cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để biến những cơ sở này thành lợi thế của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông?

- Theo tôi, ngoài việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế như chủ trương của Việt Nam hiện nay, Việt Nam rất cần chuẩn bị để gia tăng sức mạnh nội lực và thúc đẩy ngoại giao đa phương, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trong khu vực và các cường quốc trên thế giới.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của tôi tham dự nhiều hội thảo quốc tế, Việt Nam cần phải có sự phản bác liên tục, dồn dập tại các diễn đàn quốc tế để cho thấy Trung Quốc đuối lý ra sao trong vấn đề Biển Đông.

- Xin ông chia sẻ rõ hơn về những kinh nghiệm này?

- Chúng tôi đã có dịp chất vấn đại diện Trung Quốc về lòng tham đối với tài nguyên dầu khí của họ ở Biển Đông, trong một hội nghị về tranh chấp biên giới biển do các hãng dầu tổ chức cho các luật gia về Luật Biển quốc tế tổ chức vào tháng 4-2010, tại Hau-xtơn, Tếch-dát (Mỹ). Chúng tôi đã chất vấn với bằng chứng lịch sử của Việt Nam về xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng đại diện Trung Quốc đã tảng lờ không trả lời.

Cũng tại hội nghị này, sau khi ông Nguyễn Hồng Thao, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, thay mặt đoàn Việt Nam trình bày về quan điểm xác nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông bằng biện pháp hợp tác hòa bình và nêu cao luật pháp quốc tế, thì đoàn Trung Quốc nói lập trường của Trung Quốc về các hải đảo, rồi nói về "đường lưỡi bò". Họ cho biết, khi hai nhà địa dư Trung Quốc vẽ đường này không có ai phản đối và còn tuyên bố quá đáng là họ cảnh cáo các hãng dầu khí Mỹ khi tới Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) thì phải tuân theo “luật Trung Quốc”.

Chúng tôi phát hiện ra rằng, có vẻ đoàn Trung Quốc đã xin đổi thứ tự trình bày. Đáng lẽ họ phát biểu trước nhưng lại đổi thành phát biểu sau ông Nguyễn Hồng Thao. Có thể họ không để cho phái đoàn Việt Nam có cơ hội phản biện những lập luận thiếu thuyết phục của mình.

Với tư cách người Mỹ gốc Việt sinh sống ở nước ngoài (Mỹ), chúng tôi thấy mình có nghĩa vụ phải lên tiếng trước sự lấn lướt đó của Trung Quốc. Trước hết, chúng tôi yêu cầu ông Chủ tọa phiên họp là luật sư Thô-mát Giôn-xơn (Thomas Johnson) của văn phòng Covington&Burling ở Oa-sinh-tơn xác nhận ý kiến của đoàn Việt Nam là đúng. Sau đó, chúng tôi đã bác bỏ lập trường của phía Trung Quốc với các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở các hải đảo, theo luật quốc tế truyền thống. Nhưng ông chủ tọa và các luật sư, các hãng dầu Mỹ “không nỡ” phản bác huỵch toẹt những gì đại biểu Trung Quốc nói, vì họ đang đóng vai chủ nhà trong hội nghị và chắc cũng ngại làm mất mặt đại diện Trung Quốc để tránh ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của mình ở Trung Quốc.

Sau đó, chúng tôi hỏi thêm: “Liệu Hạm đội 7 của Mỹ có phải xin phép Trung Quốc mỗi lần đi qua khu vực "đường lưỡi bò" hay không và liệu Tổng thống Mỹ lại có thể nào không dám làm nhiệm vụ Hiến định là phải bênh vực quyền lợi và sinh mạng người Mỹ trên các giàn khoan dầu khí khi hợp tác khai thác chung với các nước Đông Nam Á trong khu vực "đường lưỡi bò" hay không?”. Nhưng rất tiếc, đại diện Trung Quốc đã không trả lời và nói lảng ra chuyện khác. Có luật gia người Mỹ trong hội nghị này còn nói hài hước rằng, nếu Trung Quốc đòi nhận tất cả các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa và gần hết vùng Biển Đông là của họ, rồi bắt mọi người qua các vùng đó phải tuân theo luật Trung Quốc, thì Mỹ cũng có thể tuyên bố Vịnh Mê-hi-cô là của mình và đòi các nước khác giao thương qua đó phải theo luật Mỹ(!).

Khi chúng tôi định hỏi câu nữa thì ông chủ tọa nói là đến giờ ăn trưa và ngưng thảo luận, chắc vì muốn làm đỡ mất mặt cho đại diện Trung Quốc. Tại bữa trưa hôm đó, có lẽ vì đã ngăn câu hỏi của chúng tôi nên ông đã ra ngồi ăn cùng bàn với chúng tôi với thái độ làm lành.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

----------

Kỳ 1: Việt Nam có đủ luận cứ công pháp quốc tế

Kỳ 2: Đối sách của Việt Nam là tối ưu

MỸ HẠNH (thực hiện)