QĐND - Một sinh viên Na Uy bỗng “giàu chỉ sau một đêm” khi phát hiện rằng 5.600 đồng bitcoin (BTC) được mua với giá 24USD hồi năm 2009, vốn tưởng đã bị lãng quên, nay lại trị giá tới 700.000USD. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn như vậy.

Miếng mồi “béo bở” của tin tặc

Chính vì giá trị của đồng BTC có những thời điểm tăng vọt với tốc độ khó tin nên nó đã trở thành miếng mồi ngon của tin tặc. Theo trang Technology Review, một trong những vụ trộm BTC đầu tiên xảy ra vào năm 2011 khi tin tặc xâm nhập máy vi tính của một nhà đầu tư có tên trên mạng là A-lin-vên (Allinvain), lấy đi 25.000 BTC. Lúc ấy, số tiền trên trị giá 500.000USD và nếu so với thời điểm hiện tại thì phải lên đến nhiều triệu USD. Tới tháng 4-2013, một nhà đầu tư tên Đ. Rai (Dave Wright) cho biết đã bị mất số BTC trị giá 16.500USD lúc bấy giờ khi tin tặc dùng mã độc tấn công một sàn giao dịch để cướp đi tiền ảo. Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 10 cùng năm, tin tặc tấn công sàn giao dịch Inputs.io, và rút đi 4.100 BTC trị giá 1,3 triệu USD lúc đó. Tương tự, hồi tháng 11 bọn tin tặc đã tổ chức một số đợt tấn công vào sàn giao dịch BIPS ở châu Âu, cướp đi 1.295 BTC, trị giá khoảng 1 triệu USD. Cũng trong thời gian này, trang web Sheep Marketplace thông báo đã bị tin tặc lấy đi 96.000 BTC, trị giá tổng cộng 107,8 triệu USD.

Tiền ảo bitcoin kéo theo nhiều hệ lụy. Ảnh: Bitcointrading.com

Hậu quả lớn nhất mà tin tặc gây ra cho cộng đồng sử dụng tiền BTC có lẽ phải kể đến sự kiện sàn giao dịch BTC lớn thứ ba thế giới Mt.Gox có trụ sở tại Nhật Bản đột nhiên “bốc hơi” hoàn toàn khỏi Internet sau khi bị đánh cắp 744.000 BTC và lâm vào cảnh vỡ nợ với khoản nợ lên đến 174 triệu USD. Ngày 25-2-2014, cộng đồng sử dụng đồng tiền điện tử BTC đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi sàn giao dịch BTC lớn thứ ba thế giới Mt.Gox có trụ sở tại Nhật Bản đột nhiên biến mất hoàn toàn khỏi Internet. Thiệt hại ước tính từ vụ Mt.Gox có thể lên đến hơn 300 triệu USD. Trước Mt.Gox, một sàn giao dịch BTC ở Trung Quốc cũng đã "lặn mất tăm" vào tháng 10-2013 khiến hơn 1000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngậm đắng nuốt cay mất trắng những khoản tiền lớn. Trước sự cố trên, nhiều chuyên gia nhận định việc Mt.Gox đóng cửa là một "sự thất bại lớn" đối với cộng đồng sử dụng BTC, đồng thời cho thấy sự tồn tại của đồng tiền điện tử này đang rất "mong manh". Theo họ, việc Mt.Gox phá sản không chỉ khiến giới đầu tư thất vọng mà còn khiến việc giao dịch trong thế giới tiền ảo có thể bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Công cụ rửa tiền

Các giao dịch bằng BTC có tính ẩn danh cao nên BTC có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp. Hồi tháng 10-2013, các nhà chức trách Mỹ đã đóng cửa trang web Silk Road khi phát hiện đây là một “siêu thị” ma túy trực tuyến. Theo Roi-tơ, các cuộc điều tra cho thấy Silk Road cho phép các tay buôn ma túy hiểu biết về công nghệ rao bán ma túy và các loại hàng hóa bất hợp pháp khác qua mạng. Chúng nhận thanh toán bằng BTC rồi gửi ma túy cho khách hàng qua đường bưu điện. Chỉ riêng lượng ma túy và hàng hóa bất hợp pháp trên Silk Road đã có giá trị lên đến hơn 9,5 triệu BTC, tương đương 1,2 tỷ USD lúc bấy giờ.

Trải qua những biến cố như vậy, cho đến nay câu chuyện về BTC vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Tờ New York Times cho rằng, đồng tiền này trước sau gì cũng sụp đổ, cơn sốt BTC được nuôi dưỡng bởi giới đầu cơ vì ai cũng nghĩ mình là “kẻ khôn ngoan”, cứ nắm BTC đợi giá lên thêm một chút và bán tống cho “kẻ khờ” đến sau. Vấn đề ở chỗ là người có thể chính là “kẻ khờ” đó mà không hề hay biết. Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cho rằng giao dịch bằng BTC không đáng tin cậy, đầy rủi ro và  “hệ thống này có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào nếu nhà đầu tư muốn thoát khỏi thị trường nhưng vẫn phải ôm nó vì thiếu thanh khoản”. Ngược lại, Bank of America tin rằng “BTC có thể trở thành một phương tiện thanh toán cho thương mại điện tử, cạnh tranh ngang ngửa với các phương cách chuyển tiền khác”.

Hiện nhiều quốc gia như Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a… đã ra thông báo không chấp nhận BTC là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo khác nhau cho người sử dụng.

Việt Nam không thừa nhận bitcoin

Ngày 27-2-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông cáo nêu rõ: Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

HOÀNG VŨ (tiếp theo và hết)
Kỳ I