Bài 3: Giải bài toán tốc độ và chất lượng tăng trưởng

QĐND - Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển 2011-2015 trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường. Hậu quả của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ 2007-2009, thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nợ công ở các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU và Nhật Bản… có thể đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái kép nếu không có các biện pháp phù hợp để khắc phục.

Các tổ chức tài chính quốc tế và các nước đều có chung nhận định tình hình kinh tế thế giới tới đây còn rất nhiều khó khăn. Các dự báo của các tổ chức quốc tế cũng như trong nước cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian tới đều chậm lại và sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng. Những rủi ro đối với tiến trình phục hồi kinh tế thế giới còn tiềm ẩn khá lớn. Năm 2012, tăng trưởng kinh tế thế giới có nhích lên hơn năm 2011 nhưng thấp hơn so với trước khủng hoảng. Năm 2013 có thể khá hơn, nhưng cũng không nhiều.

Trong tình hình chung đó, khu vực các nước đang phát triển và mới nổi có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển và mức tăng trưởng chung của thế giới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động hơn và đang hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng hơn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 của  kinh tế Việt Nam là tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước. Trong ảnh là toàn cảnh Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: CTV

Thương mại thế giới dự báo sẽ phục hồi chậm. Bảo hộ thương mại và các tranh chấp thương mại có xu hướng ngày càng gia tăng. Hoạt động thương mại thế giới sẽ đổi chiều về nhóm các nền kinh tế mới nổi với mức tăng trưởng thương mại lớn nhất.

Tại Việt Nam, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, diễn biến xấu của kinh tế thế giới do khủng hoảng nợ công và lạm phát cao trong thời gian gần đây và những yếu kém nội tại của nền kinh tế đã tích tụ trong nhiều năm qua sẽ tác động đến sự phát triển của đất nước. Những yếu tố cơ bản gây bất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa được giải quyết. Cơ cấu kinh tế bất hợp lý; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém… Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị chậm lại. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn của sự phát triển.

Cả 5 năm 2011-2015, các năm 2013-2015, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển, nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo chung là phải nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong quản lý, điều hành, cần phấn đấu để đạt kết quả toàn diện, song tùy tình hình mà xếp thứ tự ưu tiên cho hợp lý nhất. Trong năm 2013-2015, ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.

Để ứng phó với tình hình trong nước, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đi đôi với việc nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của Nhà nước trong kiến tạo, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên cơ sở tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển; đồng thời có biện pháp tích cực ngăn ngừa và khắc phục những hạn chế, mặt trái của cơ chế thị trường.

Mục tiêu là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trước hết, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa đồng bộ, chặt chẽ; thực hiện nghiêm việc cắt giảm và quản lý tốt đầu tư công; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ có chọn lọc cho những ngành, lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh. Trong những năm tới, cần đặc biệt tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt các định hướng giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phải thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở trong nhiều năm. Cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

- Về tái cơ cấu đầu tư với trọng điểm là đầu tư công, cần tiếp tục đổi mới tư duy và phương pháp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất, theo thứ tự ưu tiên hợp lý nhất các nguồn của Nhà nước và xã hội, nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển theo quy hoạch. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm" chi phối. Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và 5 năm phải cụ thể hóa được những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ do Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đề ra và gắn kết chặt chẽ với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và vùng lãnh thổ phù hợp với tình hình đất nước và thế giới trong từng thời kỳ. Trên cơ sở đó, cần khẩn trương soát xét, điều chỉnh luật pháp, chính sách và cơ chế quản lý đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng; đặc biệt là vấn đề phân cấp thứ tự ưu tiên về thu chi ngân sách và đầu tư. Khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để phê duyệt hay từ chối hoặc cắt giảm các dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư công. Khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản; tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công, nợ xây dựng cơ bản, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp.

Nội dung của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phải tính toán đầy đủ đến kế hoạch huy động vốn, phát triển nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ; đồng thời phải bao gồm đồng bộ các chính sách, biện pháp cụ thể, có tính khả thi, bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

- Để cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng và ngoại tệ, khắc phục tình trạng đô-la hóa; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, vay trả nợ nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán và các nguồn vốn nóng khác. Từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ ngân hàng. Cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng giảm số lượng; giảm nhanh số lượng ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính yếu kém; sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ… để có số lượng phù hợp các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.

- Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã được xác định. Kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015. Tập trung phát triển doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính. Đổi mới quản trị và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo hướng chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Đối với mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần xây dựng đề án tái cấu trúc và phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt phù hợp, có tính đến việc thuê tổng giám đốc là người nước ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết và có hiệu quả.

TS PHẠM VIẾT MUÔN, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp