QĐND Online - Đó là dự báo của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011, trong Hội thảo “Nền kinh tế trước ngã ba đường” tổ chức sáng 17- 5, tại Hà Nội, do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, kết hợp với Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện.

Nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi theo đà năm 2009 và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước. Tuy nhiên mặt trái của chính sách kích cầu cũng đã làm cho nền kinh tế đứng trước nhiều nguy cơ mất ổn định.

“Đau đầu” lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam

Những năm cuối 1980 và đầu năm 1990, Việt Nam rơi vào tình trạng siêu lạm phát. Tuy nhiên, những chính sách vĩ mô thận trọng quản lý tỷ giá chặt chẽ trong những năm 1990 cộng với tác động của khủng hoảng châu Á năm 1997 – 1998 đã giúp làm giảm lạm phát. Trong giai đoạn 2000 – 2003, dù tốc độ tăng cung tiền và tín dụng cao cùng nhiều đợt phá giá lớn nhưng lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, từ năm 2004 trở lại đây, lạm phát bắt đầu tăng mạnh trở lại, đạt đỉnh điểm trong năm 2008 ở mức 20%, giảm xuống 7% trong năm 2009, tăng trở lại gần 12 % trong năm 2010 và vẫn tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2011.

Lạm phát tăng cao, kéo theo nhiều bất lợi cho nền kinh tế; lãi suất gia tăng có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bắt đầu xuất hiện những méo mó trong hệ thống giá, khi giá cả các mặt hàng chiến lược được duy trì ổn định ở mức thấp trước mắt sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, về dài hạn sẽ có nguy cơ định hướng sai đầu tư và tiêu dùng. Thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao, chi thường xuyên tăng và đang ở mức cao, trong khi đó chi đầu tư phát triển đang trong xu hướng giảm, sẽ có ảnh hưởng nhất định tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thâm hụt thương mại kéo dài, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Hội thảo Nền kinh tế Việt Nam trước ngã ba đường

 

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên nhân khiến lạm phát trở lại và tăng cao ở Việt Nam là do: độ trì trệ của lạm phát Việt Nam (hay còn gọi là ký ức về lạm phát) cao, là một nhân tố quan trọng quyết định lạm phát của Việt Nam trong hiện tại khiến lạm phát thường xuyên ở mức cao, tốc độ điều chỉnh lại rất thấp nên cả thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát một cách có hiệu quả rất khó. Khi lạm phát đã bắt đầu tăng lên, mức chuyển tỷ giá vào lạm phát là đáng kể trong ngắn hạn với việc phá giá, dẫn đến giá cả tăng lên trong khi thâm hụt ngân sách cộng dồn không có ảnh hưởng nhiều đến lạm phát do tác động ngược chiều nhau của việc tăng lãi suất và tăng cung tiền. Cung tiền và lãi suất có tác động đến lạm phát nhưng với độ trễ khiến việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn. Mức chuyển trong ngắn hạn của giá quốc tế đến giá nội địa cũng có vai trò nhưng không quan trọng như các nhân tố nội địa.

“Tăng trưởng GDP luôn chứa đựng nguy cơ lạm phát, do phân bố nguồn lực cho khu vực công quá lớn. Chính sách tiền tệ điều hành giật cục, thiếu nhất quán. 6 tháng đầu năm thắt chặt tăng trưởng cung tiền 7 %, 6 tháng cuối năm nới lỏng lên đến 28%, sự méo mó không minh bạch trong hệ thống ngân hàng đang khiến nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ tụt hậu cao.”, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết.

Ngoài vấn đề lạm phát, các vấn đề về chính sách tiền tệ tài khóa, nợ công, chính sách lao động cũng được đề cập đến trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011: “Nền kinh tế trước ngã ba đường”

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công thương) cho rằng báo cáo đã thực sự chạm đến được những vấn đề nóng, vấn đề tích tụ trong nền kinh tế Việt Nam từ năm 2008 trở lại đây.

Dự đoán kinh tế Việt Nam 2011

Việt Nam đang đứng trước nhiều rủi ro trong kinh tế vĩ mô như: mô hình tăng trưởng hiện thời dẫn tới mất cân đối tiết kiệm đầu tư; nguyên nhân của thâm hụt kép (cán cân vãng lai và ngân sách); hệ thống tài chính, thông tin không cân xứng, rủi ro đạo đức, cho vay quá nhiều, giám sát yếu, khả năng thực thi chính sách không cao. Tình trạng Đô la hóa cao, dẫn đến rủi ro tỷ giá cao, đặc biệt liên quan đến khủng hoảng tiền tệ.

Rủi ro đạo đức trong hệ thống doanh nghiệp có khuynh hướng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong hệ thống doanh nghiệp Nhà nước được bảo trợ và sử dụng tín dụng dễ dãi. Thị trường tài sản mỏng, chịu tác động của luồng vốn bên ngoài và trong nước, tích tụ rủi ro lên hệ thống ngân hàng và qua đó toàn bộ nền kinh tế…

Có hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011. Thứ nhất, với chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách kiên nhẫn (có thể kéo dài hết năm) đi liền với cắt giảm đầu tư công một cách nghiêm khắc (như tinh thần của Nghị quyết 11) thì lạm phát vẫn có thể giữ ở mức cao là 15,5 % trong khi tăng trưởng đạt khoảng 6,2 %.

Với kịch bản thứ hai, mức lạm phát có thể cao hơn, khoảng trên 18%, nếu Chính phủ không đủ quyết liệt trong việc chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Động thái này hoàn toàn có thể xảy ra như kinh nghiệm những năm trước, khi chúng ta chứng kiến sự nới lỏng kinh tế thường diễn ra ở quý 3, dưới sức ép của khu vực doanh nghiệp hoặc sự thiếu kiên nhẫn trong thắt chặt tiền tệ. Mặc dù nới lỏng có thể giúp cho tăng trưởng khoảng 6,5% nhưng so với các năm trước, hiệu ứng tăng trưởng không đáng kể vì sự bất ổn trong năm 2011 tác động trực tiếp đến chất lượng tăng trưởng. Cần lưu ý rằng, mức lạm phát cao như trong kịch bản này hàm chứa những rủi ro vĩ mô to lớn, khả năng lạm phát vượt ra khỏi tầm kiểm soát là rất lớn.

Để ổn định kinh tế, năm 2011n ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là cần phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, tính toán lại các chỉ tiêu tiền tệ cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay và điều hành một cách nhất quán, dứt khoát bằng các công cụ mang tính chất thị trường

Đối với chính sách tài khóa cũng cần thắt chặt một cách kiên quyết nhưng trên cơ sở tính toán đến khả năng tăng trưởng dài hạn. Việc cắt giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản từ Ngân sách nhà nước cần phải thực hiện đồng thời với việc đa dạng hóa hay xã hội hóa các khoản đầu tư xây dựng cơ bản như các hình thức đầu tư theo dạng BOT, BT… hay đầu tư hợp tác công tư (PPP) để đảm bảo nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Không thể cắt giảm chi đầu tư phát triển một cách tràn lan vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong dài hạn

“Nền kinh tế Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường với những sự lựa chọn khác nhau”, TS Nguyễn Đức Thành đánh giá.

Bài, ảnh: Thu Thủy