Chiều nay (1-4-2008), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ họp với lãnh đạo các tập đoàn (TĐ) và tổng công ty (TCT) nhà nước về các giải pháp kiềm chế lạm phát. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước này đối với "sức khỏe" của nền kinh tế vĩ mô. Trên thực tế, cho đến thời điểm này các doanh nghiệp nhà nước (trong đó chủ yếu là TĐ và TCT) vẫn còn chiếm tới 50% vốn đầu tư của Nhà nước và 40% tín dụng ngân hàng.

Hạ thủy thành công tàu 20.000 DWT - Vinashin Bay của tập đoàn Vinashin (ảnh internet)

Bên cạnh đó, nhiều TĐ đã và đang thành lập ngân hàng, công ty tài chính, đầu tư bất động sản và chứng khoán - vốn là những hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến tính cân đối và ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Vì vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư, vay nợ (trong và ngoài nước), chấm dứt việc thành lập ngân hàng và các tổ chức tài chính của các TĐ và TCT thì một mặt sẽ không đảm bảo đồng vốn nhà nước được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, mặt khác sẽ tiếp tục làm công tác điều hành vĩ mô của các bộ ngành trở nên khó khăn hơn.

Theo trang tin điện tử của Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính soạn thảo qui định về đầu tư của các "ông lớn" này theo hướng "đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh chính không thấp hơn 70%; đối với các ngành nghề kinh doanh hỗ trợ khác phải là các ngành nghề liên quan, trên cơ sở điều kiện, lợi thế của ngành nghề kinh doanh chính và không vượt quá 30%". Đây là một chỉ đạo cần thiết, đúng thời điểm, thể hiện quyết tâm của Thủ tướng trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện năng lực cạnh tranh để nền kinh tế có thể tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, cần định nghĩa thế nào là "ngành nghề kinh doanh chính". Hiểu một cách đơn giản, ngành nghề kinh doanh chính của các TĐ và TCT nhà nước đã được thể hiện ngay trong tên gọi của chúng. Chẳng hạn như ngành nghề kinh doanh chính của TĐ Điện lực Việt Nam phải là sản xuất, truyền tải và phân phối điện, còn ngành nghề kinh doanh chính của TĐ Dầu khí phải liên quan trực tiếp tới dầu khí. Thế nhưng cả quyết định thành lập và điều lệ của các TĐ nhà nước đều qui định rằng những TĐ này (bất kể thuộc ngành nào) đều được phép kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, quảng cáo, bất động sản, cho thuê văn phòng và các ngành nghề khác theo qui định của pháp luật. Nhiệm vụ của Bộ Tài chính vì vậy sẽ là phải phân định một cách rạch ròi đâu là những ngành nghề kinh doanh chính của các TĐ và TCT căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, lợi thế so sánh và ưu thế về thị phần của chúng.

Việc xác định thế nào là "các ngành nghề kinh doanh hỗ trợ" sẽ trở nên dễ dàng hơn sau khi xác định được ngành nghề kinh doanh chính. Có thể hiểu những ngành nghề liên quan trực tiếp là những ngành cung cấp đầu vào hay sử dụng đầu ra của các ngành nghề kinh doanh chính với một tỉ trọng rất đáng kể.

Vậy đối với những TĐ và TCT nhà nước hiện đang có tỉ trọng đầu tư trong các ngành nghề kinh doanh chính thấp hơn 70% và (hoặc) có những ngành nghề kinh doanh hoàn toàn không ăn nhập gì với ngành nghề kinh doanh chính thì sẽ xử lý thế nào? Đây là một vấn đề hết sức khó khăn và đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn, vì nếu kiên quyết xử lý theo đúng chỉ thị chắc chắn sẽ động chạm tới lợi ích thiết thân của các "ông lớn" này.

Có lẽ qui chế và chính sách kiểm soát đầu tư cần được xây dựng sao cho tránh được trường hợp để giảm tỉ trọng vốn đầu tư vào các lĩnh vực không phải nghề kinh doanh chính xuống dưới 30%, các "ông lớn" không những không hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực này mà trái lại, tìm cách tăng tổng đầu tư. Điều này nếu xảy ra sẽ mâu thuẫn trực tiếp với chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ thông qua việc thắt chặt chi tiêu công và giãn tiến độ các dự án chưa hoặc mới khởi công.

Để thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng một cách rốt ráo, điều quan trọng là Bộ Tài chính phải được tiếp cận với số liệu tài chính, kế toán của các TĐ và TCT nhà nước. Đồng thời để thực hiện tốt chức năng giám sát của Quốc hội, của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan, Chính phủ cần yêu cầu các TĐ và TCT công bố kết quả kiểm toán, báo cáo tài chính hằng năm của mình.

Theo TTO