QĐND - Tờ Điện tín hằng ngày đưa tin, Chính phủ Anh đang lên kế hoạch kiểm soát người nhập cư khẩn cấp để hạn chế nhập cư tràn lan của người Hy Lạp và cư dân các nước Liên minh châu Âu (EU) khác trong trường hợp khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sụp đổ. Điều này cho thấy, bất chấp những nỗ lực giải quyết khủng hoảng tài chính gần đây của các nhà lãnh đạo EU, tình trạng căng thẳng trong Eurozone đang leo thang và khối này đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
 |
Sinh viên Tây Ban Nha biểu tình phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ ở Bác-xê-lô-na. Ảnh: AFP
|
Bộ trưởng Nội vụ Anh Thê-rê-da Mây (Theresa May) thông báo về kế hoạch dự phòng trên khi cuộc khủng hoảng đồng ơ-rô có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn. Các số liệu mới công bố cho thấy triển vọng kinh tế khu vực này không mấy sáng sủa. Theo kết quả các cuộc điều tra về lòng tin kinh doanh hằng tháng vừa công bố, chỉ số lòng tin kinh doanh ở Eurozone trong tháng 5-2012 đã giảm ở mức mạnh nhất trong gần 3 năm qua, khi rớt từ 46,7 điểm trong tháng 4-2012 xuống 45,9 điểm (dưới 50 điểm là giảm). Tại Đức, chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua, trong khi chỉ số hoạt động chế tạo ở Pháp đã chạm mức thấp nhất trong 37 tháng trở lại đây.
Nhà kinh tế cao cấp của Anh, ông G.Mắc Ki-ôn (J. McKeown) cho rằng, số liệu trên cho thấy nguy cơ kinh tế suy giảm giờ đây thực sự "gõ cửa" kinh tế Đức và tình trạng kinh tế suy giảm lan rộng sẽ làm giảm hơn nữa cơ hội tồn tại của liên minh tiền tệ này. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) M.Drắc-ghi (M.Draghi) nhận định, EU đang ở trong thời khắc "gian nguy" nhất trong lịch sử và cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 3 năm qua càng làm trầm trọng thêm sự nguy kịch của lục địa già này. Một thành viên trong Hội đồng điều hành ECB, Nô-vốt-ni (Nowotny) cảnh báo, Eurozone sẽ trải qua một "cú sốc" lớn với hậu quả khôn lường nếu Hy Lạp rời khỏi liên minh tiền tệ này và quay lại với đồng nội tệ đrach-ma.
Trong khi đó, mặc dù phương án ưu tiên vẫn là giữ A-ten ở lại Eurozone, nhưng ít nhất một nửa trong số các chính phủ thành viên Eurozone cùng các ngân hàng trung ương và doanh nghiệp lớn vẫn phải lên kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản Hy Lạp quyết định rời khỏi liên minh tiền tệ này. Theo Roi-tơ, các quan chức cấp cao của EU đã thông báo với các nước thành viên chuẩn bị cho kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Hy Lạp rời Eurozone. Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU vẫn yêu cầu Hy Lạp tiếp tục thực thi các biện pháp khắc khổ và hoàn thành chương trình cải cách theo yêu cầu của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hiện chưa có kế hoạch khẩn cấp nào ở cấp EU hay cấp độ chính trị, mặc dù việc các chính phủ chuẩn bị cho các kịch bản có thể xảy ra là điều đương nhiên.
Thứ trưởng Kinh tế I-ta-li-a, ông V.Gri-li (V.Grilli) khẳng định, Rô-ma đã sẵn sàng cho kịch bản trên, nếu cử tri Hy Lạp bỏ phiếu cho các đảng không chấp nhận những biện pháp cải cách đã cam kết với EU và IMF để đổi lại các khoản vay khẩn cấp trong ngày 17-6 tới. Việc Hy Lạp thâm thủng ngân sách cũng có nghĩa nếu không nhận được thêm tiền từ EU/IMF do A-ten ngừng thực hiện thỏa thuận cải cách, nước này sẽ không thể trả lương và phải rời khỏi Eurozone.
Điều này - nếu xảy ra - sẽ tạo ra những rủi ro khôn lường cho các thành viên yếu hơn, đặc biệt là Tây Ban Nha.
Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả các cuộc bầu cử tại Pháp và Hy Lạp vừa qua đã cho thấy tâm lý bất bình chung của người dân châu Âu hiện nay và thể hiện sự quay lưng của các tầng lớp nhân dân đối với chính sách khắc khổ mà khu vực này đang áp dụng. Do đó, chính sách tài chính hiện nay khó có thể tiếp tục, nguy cơ vỡ nợ của EU đang hiển hiện. Tổng giám đốc Credit Suisse cũng cho rằng "nguy cơ nợ công EU đã bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất. Bởi trong năm tới, Đức - một kiến trúc sư khác của kế hoạch thắt lưng buộc bụng, sẽ bầu cử. Nếu cả Thủ tướng A.Méc-ken (A.Merkel) hiện nay phải ra đi, khả năng EU giải thể sẽ tăng cao".
Trong một động thái có liên quan, Báo Le Figaro dẫn nguồn tin từ Chính phủ I-ta-li-a cho biết lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha và I-ta-li-a sẽ nhóm họp tại Rô-ma, I-ta-li-a ngày 22-6 để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Eurozone. Cuộc gặp sẽ được tiến hành sau ngày 17-6 - thời điểm Hy Lạp và Pháp tiến hành bầu cử Quốc hội.
NGỌC HÀ