QĐND - Khác với nhiều năm, sau Tết Nguyên đán năm nay, thị trường hàng hóa tiêu dùng trong nước khá ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, “sốt” giá.  Thậm chí có một số sản phẩm như rau, củ, quả còn giảm giá nhẹ so với thời điểm những ngày cuối tháng Chạp. Tuy nhiên một số dịch vụ như trông giữ xe, rửa xe, làm đẹp… vẫn có giá cao ngất ngưởng.

Giá lương thực, thực phẩm ổn định

Theo khảo sát của phóng viên và các cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân trong ngày 7-2 (tức mồng 5 Tết Tân Mão), hầu hết các chợ thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã hoạt động khá nhộn nhịp.  Hàng hóa tương đối dồi dào. Giá nhiều loại thực phẩm tươi sống vẫn khá ổn định. Tại Hà Nội, một số mặt hàng phù hợp với tâm lý tiêu dùng sau Tết như cá, tôm, cua… tăng nhẹ. Riêng rau, củ, quả tươi "hạ nhiệt" so với những ngày cuối tháng Chạp.

Chị Thúy Hồng, bán rau ở chợ Kim Giang (Thanh Xuân,  Hà Nội) cho biết: Giá bán một mớ rau cần loại nhỏ sáng 7-2 là 5000 đồng, chỉ bằng một nửa so với ngày 30 Tết. Cà chua có giá 14.000 đồng/kg, trong khi giáp Tết giá là 18.000 đồng/kg. Theo chị Hồng thì đây là điểm khác biệt so với mọi năm vì các năm trước, sau Tết, giá các loại rau, củ, quả thường rất đắt đỏ do người dân chán thịt và có nhu cầu ăn rau. Nhưng năm nay, có lẽ do hàng hóa cung ứng nhiều, thời tiết thuận lợi cho rau phát triển nên giá rau đã giảm.

Thị trường rau quả của Hà Nội khá ổn định. Ảnh chụp tại chợ Châu Long (Hà Nội) chiều 7-2. Ảnh: Trọng Hải.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các mặt hàng thực phẩm của các chợ Hà Nội không tăng so với thời điểm trước Tết là do sự tác động của việc dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp lớn, các siêu thị. Tại Big C do ký được các hợp đồng với người sản xuất với giá ổn định nên giá bán tại siêu thị này luôn ổn định và bảo đảm chất lượng.

Theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, thị trường Tết Tân Mão sôi động hơn một vài năm trở lại đây do phục hồi của nền kinh tế. Sức mua trên thị trường tăng khoảng 20-25% so với năm 2010. Tuy nhiên, do các địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm nên cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là tại các thành phố lớn. Việc bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, đặc biệt đối với các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng được thực hiện tương đối tốt. Vì vậy trong những  ngày Tết Tân Mão, giá cả trên phạm vi cả nước tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá.

Một số loại dịch vụ có giá quá cao

Trong khi nhiều loại hàng hóa có giá bán ổn định và hạ hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán thì một số dịch vụ vẫn giữ giá cao ngất ngưởng, gây bức xúc cho người dân.

Theo khảo sát của phóng viên và các cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, giá dịch vụ rửa xe máy, ô tô vào ngày mồng 4, mồng 5 Tết vẫn tăng gấp từ 2 đến 3 lần so với ngày thường. Đặc biệt, giá dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy tại các điểm vui chơi giải trí, khu vực đình chùa, lễ hội tăng đến 10 lần so với ngày thường. Điều đáng quan tâm là tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ này không thấy bóng dáng của các đội quản lý thị trường, cơ quan quản lý giá.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương trong cả nước đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu qua biên giới và lưu thông trên thị trường, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.  Vì vậy, việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu đã giảm, riêng các loại pháo không còn bày bán và sử dụng công khai; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng, hàng hóa phong phú, bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, trên thực tế,  theo khảo sát của chúng tôi tại các địa phương, tình trạng đốt pháo vẫn xảy ra.

Thực phẩm sau Tết vẫn dồi dào. Ảnh chụp tại Trung tâm triển lãm Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh:  Trọng Hải.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 sẽ tăng từ 1,8 đến 2%

Đó là dự báo mới đây của Tổ điều hành thị trường trong nước. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm nay nghỉ Tết kéo dài, sau Tết lại có nhiều lễ hội, nhu cầu tiêu dùng sẽ còn tiếp tục tăng.

Trong dịp Tết âm lịch, sức mua của các tầng lớp dân cư tăng mạnh do tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1, và tiền thưởng Tết về túi người tiêu dùng. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Việt kiều về quê ăn Tết tăng làm cho quỹ tiêu dùng xã hội tăng, gây sức ép đẩy giá lên. Mặt khác, giá hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục ở mức cao do nhu cầu mùa vụ và ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, tác động vào sản xuất và giá cả trong nước. Tuy nhiên so với tháng sau Tết của năm trước, giá cả hàng hóa của tháng 2 năm nay sẽ không tăng quá cao do lượng cung hàng hóa khá dồi dào. Các địa phương đều đã chủ động được nguồn hàng, vì thế tình trạng “sốt” giá chắc chắn không xảy ra.

Để bảo đảm thị trường trong nước sau Tết ổn định, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều có các công điện yêu cầu các địa phương bảo đảm nguồn hàng, đẩy mạnh sản xuất sau Tết và kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá, xử lý các vi phạm về quản lý giá. 

 Đỗ Phú Thọ