QĐND Online - Chúng tôi về Đông Anh trong dịp đầu năm, khi cây mạ đang hăm hở theo người nông dân xuống đồng thì ngược lại, trên gương mặt người dân lại không giấu được những băn khoăn, lo lắng. Đặt cây mạ xuống ruộng mới chỉ là bước đầu tiên, dưỡng lúa phát triển cho vụ mùa bội thu là cả một quá trình, trong đó nước đóng vai trò trọng yếu…Trong khi đó, thông tin thời tiết không mang tín hiệu lạc quan về nguồn nước cung cấp vụ đông xuân. Trên những thửa ruộng dọc hai bên xã Hải Bối, Kim Nỗ, huyện Đông Anh, cây lúa bắt đầu bén rễ, lên xanh nhưng cũng có biểu hiện thiếu nước…
Lực bất tòng tâm
Đứng trước thửa ruộng nước chỉ vừa săm sắp chân mạ, chị Nguyễn Thị Tần, thôn Đồng Nhân, xã Hải Bối, huyện Đông Anh lo lắng: “Nước thế này chỉ đủ cho chúng tôi đặt cây mạ xuống ruộng thôi. Muốn cho cây lúa phát triển, mực nước phải cao từ 15 đến 20cm. Thiếu nước, rễ mạ không ăn ra được, cây còi cọc dần, úa vàng và chuyện mất năng suất là cái hiển nhiên. Còn chuyện đủ hay thiếu nước, phụ thuộc vào Công ty công trình khai thác thuỷ lợi Đông Anh, “họ” mà không cho các trạm bơm dẫn nước về đồng, lúa chết là cái chắc”.
Tới Công ty công trình khai thác thuỷ lợi Đông Anh, chúng tôi được ông Nguyễn Phú Nhuận, phó giám đốc cho biết: Công ty quản lý các trạm đầu mối như: Ấp Bắc, Nam Hồng, Lại Đà…, trong đó Ấp Bắc là trạm đầu mối quan trọng, cung cấp nước cho toàn huyện Đông Anh, Sóc Sơn và một phần Mê Linh với tổng diện tích lên tới 16.000ha.
Trạm Ấp Bắc được chính thức đưa vào hoạt động từ năm 1963, gồm 6 tổ máy với công suất hoạt động 10.000giờ bơm/năm, mực nước thiết kế các tổ máy hoạt động +2,8 mét. Theo như lời ông Nguyễn Phú Nhuận, nếu đủ nước, trạm đầu mối Ấp Bắc chỉ cần hoạt động cả 6 tổ máy trong vòng 20 ngày là đủ nước dùng cho đổ ải và gieo cấy một vụ. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2007 này, trạm đã phải kéo dài thời gian vận hành máy lên tới 30ngày, trong điều kiện 2/3 thời gian không đủ mực nước theo thiết kế +2,8m.
Anh Nguyễn Đức Hậu, trạm trưởng trạm đầu mối Ấp Bắc nói rằng, có những thời điểm các tổ máy hoạt động ở tình trạng nước chỉ đạt +1,9m… so với mức thiết kế +2,8m. Lúc cao điểm nhất cung cấp nước cho đổ ải, gieo cấy vụ đông xuân trạm này cũng chỉ có 4 tổ máy hoạt động. Trong tháng đầu năm 2007, toàn công ty đã phát động đợt ra quân rầm rộ với hơn 200 cán bộ công nhân viên tiến hành nạo vét khơi thông luồng dẫn vào cửa khẩu Ấp Bắc. Đây là việc làm rất cần thiết xong cũng chỉ là một giải pháp giúp duy trì hoạt động của các tổ máy tại trạm Ấp Bắc ở mức tối thiểu.
Cho dù có nỗ lực, cố gắng của cán bộ, lãnh đạo Công ty công trình khai thác thuỷ lợi Đông Anh, nhưng nhiều khi “lực bất tòng tâm” bởi hoạt động của trạm đầu mối hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông Hồng, trong khi đó, mực nước sông Hồng lại phụ thuộc vào lượng mưa.
“Cả làng thiếu nước phải mình em đâu”
Có thể nói, thiếu nước vốn trở thành căn bệnh kinh niên nhiều năm nay trong canh tác nông nghiệp nội đồng không chỉ riêng Đông Anh, mà còn ở hầu khắp cả đồng bằng Bắc bộ. Đây là vụ đông xuân thứ ba liên tiếp, đồng bằng Bắc bộ bước vào sản xuất trong tình trạng khô hạn. Đáng lo ngại, mức độ khô hạn mỗi năm một trầm trọng hơn.Cùng thời điểm này, vụ đông xuân 2004-2005 - năm được coi là có mức hạn khốc liệt nhất trong vòng 40 năm qua ở miền Bắc - mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn còn ở mức 2,1-2,2m, đến vụ đông xuân 2005-2006 thời điểm chuẩn bị vào vụ sản xuất, mực nước sông Hồng còn được xấp xỉ 2m. Nhưng bước vào vụ đông xuân 2007, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có thời điểm xuống tới mức 1,47m (cuối tháng 12/2006). Lưu lượng nước các sông khác cũng ở mức thấp khiến các địa phương vất vả lo nguồn nước.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, vụ đông xuân 2007 có khoảng 140.000-240.000ha lúa tại các tỉnh miền Bắc sẽ gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tây cho biết, tỉnh này còn không lấy được nước để gieo mạ và có ít nhất 35.000ha lúa trong tình trạng thiếu nước. Mặc dù đã huy động 93 trạm bơm dã chiến, nạo vét trên 2 triệu m3 kênh mương, song, khô hạn đã buộc Hà Tây phải chuyển đổi 3.000ha sang trồng cây khác hoặc nuôi thuỷ sản.
Tỉnh Bắc Giang cũng không khá hơn khi 3 năm qua, các sông trên địa bàn tỉnh luôn thiếu hụt nguồn nước trầm trọng. Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Bắc Giang bức xúc, tỉnh có khả năng mất trắng 10.000ha do không thể trồng được lúa.
Theo dự báo của các Công ty khai thác công trình Thuỷ lợi, khả năng bị thiếu nước trên các diện tích canh tác nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Làm thế nào để giải quyết sự thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề cấp bách đặt ra với các cấp các ngành. Trước hết là phải tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng như người trực tiếp sử dụng nguồn nước. Chú trọng việc tổ chức tu bổ, sửa chữa hệ thống công trình chống hạn. Cần phải được phân cấp quản lý, phối hợp với các xã và đặc biệt hướng dẫn bà con nông dân trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát… cũng là điều cần thiết và nên làm.
Kim Anh – Phúc Thắng