Đất nông nghiệp đang bị thu hẹp quá nhanh, đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

QĐND Online - Hệ thống quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, tính khả thi thấp; quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa thực sự trở thành pháp lệnh trong các cơ quan tổ chức và ý thức của người quản lý; việc sử dụng diện tích đất lúa để phát triển công nghiệp, dịch vụ có nguy cơ gây tình trạng không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong thời gian tới…, đó là những tồn tại về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2003 đang dần được khắc phục tại Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai.

Nóng “quy hoạch”

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công Thương TP. Hà Nội đánh giá một trong những công cụ quản lý đất đai hiệu quả là quy hoạch. Nhưng tiếc rằng quy hoạch của chúng ta không xuất phát từ yêu cầu thúc đẩy phát triển đồng bộ nền kinh tế và đời sống của dân cư, mà xuất phát từ nhu cầu của sử dụng của 4 cấp theo địa giới hành chính. Vì vậy, khó tránh khỏi nhu cầu ảo vì lợi ích cục bộ riêng tư, kết cục là có quá nhiều quy hoạch thiếu tính thực tế, bị dư luận và cộng đồng phản đối. Vì vậy cần đổi mới tư duy về xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch thành một ngành khoa học tổng hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội dài hạn. Quy hoạch khác với kế hoạch, phải mang tính lâu dài ổn định và hàm chứa nhiều yếu tố về xã hội, môi trường. Đặc biệt, do các yếu tố đa ngành, liên vùng trong quy hoạch nên rất cần có sự tham gia từ đầu của cộng đồng, của ngành khoa học, chứ không phải ý muốn chủ quan của các nhà chính trị và kiến trúc.

Ngoài ra, việc lập quy hoạch theo 4 cấp hành chính không những thiếu đồng bộ giữa các cấp mà còn thiếu sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị. Vì vậy, lần sửa đổi bổ sung này có một chương riêng về quy hoạch đô thị, trong đó cần xác định các vấn đề: chỉ giới phát triển, chỉ giới đất lưu không... để quản lý và khai thác đất đô thị như một nguồn vốn khác trong nền kinh tế thị trường - ông Thái nói.

Ông Vũ Xuân Tiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam nhận định, trong Điều 20 về bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất, dự thảo dự kiến bỏ phần “ bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã phường thị trấn được lập trên bản đồ địa chính gọi là quy hoạch sử dụng đất chi tiết”. Nhưng quy hoạch đất càng chi tiết càng tốt. Nếu bỏ đi chắc chắn sẽ phát sinh nhiều tiêu cực hơn nữa ở cấp xã, phường, thị trấn, vì vậy sẽ là “cải lùi” so với Luật 2003. Đồng thời việc giao lập quy hoạch kế hoạch cho UBND xã phường là không khả thi về năng lực, và cả độ tin cậy để không xảy ra tiêu cực. Điều 24 Dự dự kiến rút từ 10 xuống 5 năm đối với quy hoạch, từ 5 năm xuống 1 năm đối với kế hoạch. Dự kiến như vậy cũng là một bước lùi vì quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cần đáp ứng yêu cầu ổn định trong một thời gian dài. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm một điều khoản: quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của kỳ sau không được phá vỡ quy hoạch kế hoạch của kỳ trước trên cùng một thửa đất, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng sự thay đổi của quy hoạch, kế hoạch để thôn tính đất đai của nhau, nhất là ở vị trí đắc địa.

Thiết kế phương án thống nhất thời hạn quy hoạch Trung ương và quy hoạch địa phương không nên quy định quy hoạch quốc gia là 20 năm, quy hoạch địa phương là 10 năm. Sau 10 năm đó quy hoạch địa phương trên phạm vi nhỏ có những điều chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng không phù hợp, thậm chí làm thay đổi quy hoạch quốc gia. Ngoài ra quy hoạch không nên đi từ địa phương lên Trung ương như Dự thảo, mà quy định quy hoach từ Trung ương xuống để đảm bảo tính thống nhất và ổn định của quy hoặch từ trên xuống.

Về vấn đề quy hoạch “treo”, Dự thảo và Điều 29 cũng chưa đưa ra và chỉ rõ cách thức giải quyết tình trạng quy hoạch “treo” hiện đang rất phổ biến trên cả nước. Vì vậy nên quy định thời hạn gia hạn đối với quy hoạch “treo”, nên có thời hạn để người sử dụng đất được phục hồi toàn quyền sử dụng đất nếu quy hoạch chưa thực thi. Ngoài ra, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan nếu để xảy ra tình trạng này trong Dự thảo Luật để ràng buộc về trách nhiệm pháp luật.

Sửa đổi Luật đất đai 2003 cần phù hợp với thực tế

Theo ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), Dự thảo đã có một số sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định định mức diện tích khống chế đối với một số loại đất có ý nghĩa chiến lược như đất trồng lúa nước, đất rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng... là rất cần thiết. Nhưng trong tình thế an ninh lương thực của thế giới đang bị đe doạ, chúng ta sẽ không kịp “trở tay” nếu không đặt vấn đề này lên hàng đầu trong lần sửa đổi bổ sung này. Bởi, hiện nay chúng ta có 4,13 triệu ha đất trồng lúa nước, trong khi đó để đảm bảo an ninh lương lực cho 120 triệu dân thì cần ít nhất phải có 4 triệu ha. Nhưng trên thực tế vẫn phải lấy đất nông nghiệp; 7 năm vừa qua chúng ta đã lấy 0,5 triệu ha lúa nước cho phát triển công nghiệp và để trở thành một nước công nghiệp thì những năm tới chúng ta cần phải lấy từ 1,5 đến 2 triệu ha nữa. Do đó, thay vì quy định định mức diện tích khống chế đối với đất nông nghiệp như trong dự thảo, cần phải quy định diện tích cụ thể mỗi tỉnh, mỗi huyện phải có bao nhiêu diện tích đất lúa nước phù hợp với diện tích tự nhiên đất nông nghiệp đang có và tổng diện tích hành chính của tỉnh, huyện. Tránh tình trạng thống kê diện tích đất nông nghiệp của từng huyện hiện nay vẫn chưa được thực hiện.

Bài, ảnh: Bảo Nguyên