Ảnh minh họa/Internet

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ASEAN và 17 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Báo Quân đội nhân dân xin trích giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Mục tiêu hợp tác kinh tế cốt lõi của ASEAN

Thành lập từ năm 1967 và qua 45 năm phát triển, ASEAN đang khẳng định là một trong những hình mẫu hợp tác khu vực thành công trên thế giới. Có thể nói, hợp tác kinh tế là lĩnh vực mà ASEAN đã đạt được mức độ hội nhập sâu, rộng nhất. Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là sự tiếp nối của các chương trình hợp tác kinh tế nội khối ASEAN. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS) cùng với hàng trăm biện pháp trong Kế hoạch Tổng thể Thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2015 đã từng bước tạo nên một cộng đồng kinh tế phát triển năng động hàng đầu trên thế giới. 

Trọng tâm của AEC là phát triển kinh tế khu vực dựa trên sự kết nối sức mạnh của thị trường 10 nước ASEAN với khoảng 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP hơn 1.850 tỷ USD. Với việc thực hiện AEC, ASEAN muốn xây dựng một cấu trúc liên kết kinh tế ở mức cao, dựa trên sự hội tụ mạnh mẽ chính sách, luật lệ và quy định liên quan đến thương mại và đầu tư. AEC được kỳ vọng sẽ đưa ASEAN thành một khu vực kinh tế liên kết chặt chẽ, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển năng động, ổn định, tăng cường khả năng cạnh tranh, qua đó đem lại sự thịnh vượng kinh tế cho các nước thành viên.

Với những mục tiêu đã đặt ra nhằm hiện thực hóa AEC, các nước thành viên ASEAN sẽ có những lợi ích như tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, và kết quả là tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh, đạt tính kinh tế theo quy mô và nền sản xuất gắn kết hơn. AEC cũng đặc biệt chú trọng thúc đẩy mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển, là lĩnh vực mà Việt Nam đặc biệt chú trọng. Thông qua “tiếng nói ASEAN”, mỗi nước thành viên sẽ có vị thế lớn hơn trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Đến nay, ASEAN đã thực hiện được gần 70% số biện pháp đề ra trong Lộ trình tổng thể. Cả 12 lĩnh vực thuộc AEC do các cơ quan chuyên ngành triển khai đều đã đạt được các kết quả quan trọng. Các kết quả nổi bật là thực hiện đầy đủ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS), triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, hợp tác giao thông-vận tải, thuận lợi hóa thương mại (kể cả cơ chế một cửa ASEAN)...

Điểm đặc biệt trong nội dung xây dựng AEC là ASEAN sẽ không chỉ chú trọng vào các biện pháp liên kết nội khối mà còn bao gồm cả Nhóm các biện pháp hội nhập ASEAN với nền kinh tế toàn cầu. AEC là tâm điểm giao thoa của hàng chục thỏa thuận thương mại song phương và đa phương khác mà ASEAN đang triển khai hoặc tham gia đàm phán. AEC đang xác lập vị trí “trung tâm của ASEAN” trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu.

Với những thực tế trên, AEC đã trở thành mục tiêu hợp tác kinh tế cốt lõi của ASEAN, đóng vai trò xương sống trong nỗ lực liên kết ASEAN.

Đối tác thương mại lớn của Việt Nam

Đối với Việt Nam, ASEAN là một trong những trụ cột quan trọng trong tiến trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế. Với lợi thế là một khu vực phát triển năng động, gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN có mức tăng trưởng cao. So với năm 2003, thương mại hai chiều ASEAN và Việt Nam đã tăng gần 4 lần, đạt  35,3 tỷ USD vào năm 2011. Trong nhiều năm, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vượt trên cả EU, Nhật Bản, hay Hoa Kỳ.

Cơ cấu xuất khẩu của nước ta sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, được nâng cao cả về chất lượng và giá trị. Trong quan hệ về đầu tư trực tiếp nước ngoài, ASEAN là nguồn FDI lớn cho Việt Nam, đồng thời cũng là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN.

Những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng AEC một cách  chủ động và tích cực. Cho tới nay, nước ta đã giảm thuế nhập khẩu cho trên 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Ta cũng tham gia hợp tác một cách toàn diện cùng các nước ASEAN khác trong các lĩnh vực truyền thống. Trong năm 2010, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt trong việc thúc đẩy tiến trình thực hiện AEC. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra “Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững” khẳng định quyết tâm củng cố và xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Việt Nam là một trong những nước ASEAN đi đầu trong việc nâng cao quảng bá và thực thi một cách chủ động Chương trình truyền thông của ASEAN về AEC cả trên cấp độ quốc gia và khu vực. Theo sáng kiến của Việt Nam, các nước ASEAN đã lần lượt tổ chức các diễn đàn thảo luận về hiệu quả của AEC đối với 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập. Trong thời gian tới, ta sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế, coi đây là ưu tiên cao nhằm tạo lập nền tảng vững chắc, góp phần phát huy vai trò, vị thế  của ASEAN.

AEC đang tạo ra những cơ hội và cả thách thức đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân nước ta. Với sự chung sức của cộng đồng, sự quan tâm thỏa đáng của nhà nước, AEC chắc chắn sẽ mang lại lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam.