QĐND - Bắc Kinh, thủ đô nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đón đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 22 trong cái lạnh trên dưới 10 độ C. Đến đây mới hiểu gió thu ở Bắc Kinh lạnh đến thế nào và thấm thía câu thơ: “Nghênh diện thu phong trận trận hàn!”. Trên Đại lộ Trường An chạy ngang Quảng trường Thiên An Môn, những người dân Bắc Kinh áo dày lụ xụ trong cái lạnh cuối thu. Thế nhưng, những cơn thu phong lạnh giá vẫn không làm ảnh hưởng đến quá trình Bắc Kinh ráo riết chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22, một hội nghị có tính lịch sử nhân kỷ niệm 25 năm hình thành APEC, 20 năm thực hiện các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Những biện pháp khác thường
Bắc Kinh đã cố gắng hết sức mình, thậm chí có những biện pháp khác thường, để Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 diễn ra một cách tốt đẹp. Chính quyền thành phố 20 triệu dân này khuyến khích người dân đi du lịch đến những nơi khác trong thời gian diễn ra hội nghị để giảm bớt áp lực giao thông cho thành phố. Cũng với mục đích này, các trường học, nhiều cơ sở quốc doanh tạm thời đóng cửa. Thậm chí, dịch vụ đăng ký kết hôn ở Bắc Kinh cũng tạm dừng trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 12-11!
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các doanh nghiệp APEC. Ảnh: Yên Ba
|
Nhưng ưu tiên của mọi ưu tiên chính là việc chính quyền Trung ương Trung Quốc quyết tâm phải hạ mức độ ô nhiễm không khí xuống từ 30% đến 40% cho thành phố Bắc Kinh cũng như hai địa phương lân cận là tỉnh Hồ Bắc và Thiên Tân trong thời gian diễn ra các Hội nghị APEC. Kể từ hồi tháng 6, có nghĩa là từ 4 tháng trước khi diễn ra hội nghị, Bắc Kinh đã đóng cửa một số nhà máy năng lượng, loại bỏ những xe ô tô cũ kỹ, cho đóng cửa hơn 300 nhà máy gây ô nhiễm không khí.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng hạn chế số ô tô lưu thông trên đường bằng cách thực thi luật cho xe số chẵn-lẻ hoạt động so le nhau trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC và các hội nghị liên quan. Bởi thế mà Bắc Kinh với gần 4 triệu xe ô tô, trong những ngày APEC, lưu lượng xe giảm xuống chỉ còn phân nửa.
Những biện pháp quyết liệt đó đã mang lại bầu không khí thoáng đãng cho Bắc Kinh trong những ngày này, trái ngược hẳn với những thông tin trước hội nghị, lo ngại về bầu không khí bị ô nhiễm hay tắc nghẽn giao thông.
Từ bước đi nhỏ cho một hành trình dài
Diễn đàn APEC thành lập ngày 6-11-1989, tại Can-bê-ra, theo sáng kiến của Thủ tướng Ô-xtrây-li-a khi ấy là Bốp Hốc-cơ (Bob Hawke). Khởi đầu với 12 thành viên, một nửa từ khối ASEAN, một nửa từ bên ngoài khối này. Ngay từ khi mới thành lập, APEC đã có một tầm nhìn bao trùm toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lấy sự hợp tác kinh tế làm nền tảng để phát triển với 3 trụ cột căn bản: Tự do hóa thương mại đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, hợp tác kinh tế kỹ thuật.
Năm 1969, khi bước những bước đi đầu tiên trên Mặt Trăng, phi hành gia Mỹ N. Am-xtroong (Neil Armstrong) đã có câu nói nổi tiếng: “Đây là bước đi nhỏ bé của một con người nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại”. Cũng có thể nói điều tương tự về hành trình phát triển của APEC cho dù nó không diễn ra trên Mặt Trăng. 25 năm trước, APEC đã đi bước đi nhỏ đầu tiên với việc thành lập một diễn đàn kinh tế, để rồi có những bước đi khổng lồ cho toàn vùng châu Á-Thái Bình Dương trên hành trình dài hợp tác, biến sự hợp tác kinh tế này thành động lực cho phát triển, tiến bộ và thịnh vượng. Đấy là một câu chuyện của tầm nhìn xa vượt thời gian, để hoạch định và phấn đấu đạt được những mục tiêu tăng trưởng đầy ấn tượng.
Sau một phần tư thế kỷ, APEC giờ đây với 21 nền kinh tế thành viên đã là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới, là ngôi nhà chung của hơn 3 tỷ dân, chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu. Từ năm 1989 đến nay, GDP của APEC đã tăng gấp đôi, từ 15.000 tỷ USD lên 30.000 tỷ USD, trong khi cán cân thương mại nội khối tăng gấp 6 lần, chiếm gần một nửa thương mại thế giới. Thu nhập bình quân đầu người trong các nền kinh tế thành viên APEC tăng 36%, giúp giảm một cách đáng kể hiểm họa đói nghèo.
APEC ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới. Hiếm có một cơ chế hợp tác nào như APEC, có mặt cả ba siêu cường lớn nhất trên thế giới là Mỹ, Nga, Trung Quốc, thêm sự góp mặt của một siêu cường kinh tế nữa là Nhật Bản.
Mặc dù là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế năng động và lớn nhất thế giới, nhưng trước làn sóng khủng hoảng mang tính toàn cầu cùng với những thách thức mới xuất hiện, APEC đang đứng trước nhiều nguy cơ mà một trong số đó là đà phục hồi kinh tế có những dấu hiệu chậm chạp. Nếu như nửa cuối năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân của các thành viên APEC là 4,3% thì trong nửa đầu năm 2014, con số đó chỉ đạt 3,9%.
Hội nghị APEC lần thứ 22 năm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC bàn thảo những quyết sách nhằm đối phó một cách hữu hiệu với các thách thức đang đặt ra, lấy lại động lực tăng trưởng. Những nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC một lần nữa khẳng định lại quyết tâm thực hiện những mục tiêu lớn đã đặt ra ở Bô-go, In-đô-nê-xi-a, năm 1994, thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực, cải cách kinh tế và tăng trưởng, hướng tới thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương.
Những cánh nhạn tìm về nơi nắng ấm
Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao APEC lần thứ 22 với những đóng góp nổi bật. Mà những đóng góp đó không phải đến hội nghị lần này mới nảy sinh; chúng đã có từ trước đây rất lâu. 16 năm tham gia APEC là 16 năm Việt Nam tích cực đóng góp vào hợp tác APEC.
Chẳng nói đâu xa, chính tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 năm 2006 được tổ chức tại Hà Nội, ý tưởng về Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) đã hình thành, để rồi đến hội nghị ở Bắc Kinh lần này, nó mới trở thành một “lộ trình”…
Tại Hội nghị Thượng đỉnh các doanh nghiệp APEC trong khuôn khổ các hoạt động liên quan đến Thượng đỉnh APEC lần thứ 22 ngày 10-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhấn mạnh, coi kết nối khu vực là một nội hàm then chốt của công cuộc đổi mới sâu rộng và hội nhập quốc tế toàn diện, gắn triển khai kết nối với tái cơ cấu kinh tế.
Chủ tịch nước thông báo cho các thành viên APEC ưu tiên của Việt Nam là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây của tiểu vùng Mê Công mở rộng, Khu vực tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam, Hành lang kinh tế phía Nam, Hành lang kinh tế Bắc-Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu, điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu. Trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực, Việt Nam cần sự hỗ trợ và đồng hành của các thành viên APEC khác.
Và rồi sáng 11-11, tại khu du lịch tuyệt đẹp Hồ Nhạn Thê ở ngoại vi thành phố Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đĩnh đạc cùng lãnh đạo của các thành viên APEC khác khẳng định cam kết tiếp tục đẩy mạnh quá trình kết nối sâu rộng để hình thành một thị trường chung, một không gian kinh tế chung trong toàn khu vực. Đó chính là cơ hội để APEC đối mặt với những thách thức, bước sang một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới của cơ chế hợp tác khu vực năng động và đầy sức mạnh này.
Chủ đề của hội nghị năm nay là "Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương". Tương lai của toàn vùng châu Á-Thái Bình Dương đúng là tiếp tục được định hình ở Hội nghị Cấp cao APEC năm nay tổ chức bên hồ Nhạn Thê. Nhạn Thê, có nghĩa là nơi trú của những con chim nhạn. Từ Thượng đỉnh APEC bên hồ Nhạn Thê, 21 nền kinh tế APEC-21 cánh nhạn-đang lấy lại đội hình, cất cánh tìm về nơi nắng ấm.
Văn Yên (từ Bắc Kinh, Trung Quốc)
(Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)