QĐND - Tây Nguyên thuộc lưu vực các sông: Ba, Sê San, Sê-rê-pốk và Đồng Nai, nên có tiềm năng thủy điện rất lớn. Hiện toàn vùng đã quy hoạch 287 dự án thủy điện với tổng công suất 6.991MW, trong đó 84 công trình (tổng công suất 4.768MW) đã vận hành, 50 công trình đang xây dựng, 87 dự án đang được nghiên cứu đầu tư và 66 dự án chưa cho phép đầu tư. Với số công trình thủy điện đã vận hành, bình quân mỗi năm hệ thống thủy điện ở Tây Nguyên đã cung cấp khoảng 20% công suất cho hệ thống điện của cả nước, đóng góp vào ngân sách 1.920 tỷ đồng.
 |
Một nhánh Sông Sê-rê-pốk khô cạn do phía thượng nguồn gánh quá nhiều thủy điện.
|
Tuy nhiên, mới đây qua khảo sát của Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Chỉ với 163 dự án thủy điện đã và đang nghiên cứu đầu tư xây dựng đã ảnh hưởng đến đời sống của hơn 25.000 hộ dân, chiếm dụng hơn 65.000ha đất, trong đó có 472ha đất trồng lúa, 21.820ha đất trồng màu và 16.600ha rừng. Không chỉ phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái, suy kiệt nguồn tài nguyên nước trong các dòng sông chính, biến các thác nước vốn đẹp nổi tiếng (như thác Đray Sáp, Đray Nur, Trinh Nữ, Bảy Nhánh) thành “thác chết”, một số công trình còn gây ra những hệ lụy kéo dài về định canh, định cư, tác động tiêu cực đến đời sống của một bộ phận người dân như Thủy điện Đồng Nai 3, Thủy điện Buôn Tua Srah, Thủy điện An Khê-Ka Nak. Các thủy điện này trong quá trình vận hành đã xả lũ gây thiệt hại cho người dân phía hạ lưu. Chế độ phát điện theo yêu cầu phụ tải cũng làm thay đổi mực nước và lưu lượng nước trên sông, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng hạ du... Việc thực hiện các biện pháp giảm tác động tiêu cực chưa hoàn toàn tuân thủ đúng quy định đã phần nào gây ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực; việc quản lý, bảo vệ hồ chứa và hành lang thoát lũ chưa được quan tâm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến việc vận hành cũng như xả lũ của các nhà máy.
Đáng chú ý, một số công trình thủy điện nhỏ do tư nhân đầu tư xây dựng không phát huy hiệu quả như mong đợi. Nhiều công trình vào mùa khô những năm gần đây do thiếu nước nên chỉ vận hành được vài tháng trong năm, vài giờ trong ngày, dẫn tới thua lỗ... Dựa trên kết quả khảo sát, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ loại bỏ 108 dự án thủy điện nhỏ và tạm dừng chưa cho phép đầu tư 13 dự án khác thuộc địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Vẫn biết thủy điện được xác định là nguồn năng lượng giá thành rẻ và có khả năng tái tạo. Việc phát triển thủy điện sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây là phát triển thủy điện phải được tính toán kỹ lưỡng, so sánh giữa lợi ích kinh tế với những thiệt hại về môi trường sinh thái và những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Việc đánh giá đúng hiện trạng và mạnh dạn kiến nghị “loại bỏ” những công trình thủy điện kém hiệu quả, gây tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội trên địa bàn Tây Nguyên mà Bộ Công Thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã làm là rất cần thiết.
Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH