Tháng 7 năm 1994, Việt Nam được công nhận là quan sát viên của GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, tiền thân của WTO). Trong ngày làm việc đầu tiên của mình, 4-1-1995, WTO tiếp nhận đơn xin gia nhập của Việt Nam. Ngày 31-01-1995, Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO được thành lập.
Thời gian đầu, đàm phán tiến triển rất khó khăn vì mức độ “mở” của nền kinh tế còn thấp, bảo hộ còn cao, cơ chế quản lý còn chịu nhiều ảnh hưởng của thời bao cấp, phức tạp, cồng kềnh, nhiều chỗ không tương thích với chuẩn mực của WTO. Quá trình minh bạch hóa chính sách, vì vậy, bị kéo dài; đàm phán song phương chậm đi vào thực chất. Bên cạnh đó, ta còn có khó khăn về nguồn lực, thiếu chuyên gia về đàm phán thương mại trong khi các vấn đề WTO lại là những vấn đề mới, phức tạp. Đàm phán chỉ thực sự được đẩy mạnh trong 3 năm gần đây khi ta đã có sự chuyển biến mạnh về nhận thức của xã hội đối với hội nhập kinh tế quốc tế căn cứ trên các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, khi đội ngũ đàm phán dần được kiện toàn, năng lực xây dựng pháp luật được nâng cao.
Bộ văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam, được Ban Công tác thông qua vào ngày 26 tháng 10 năm 2006 và Đại hội đồng WTO thông qua vào ngày 7 tháng 11 năm 2006, bao gồm các tài liệu sau:
- Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Việt Nam;
- Quyết định của Đại hội đồng về việc gia nhập WTO của Việt Nam;
- Báo cáo của Ban công tác về việc gia nhập của Việt Nam;
- Biểu cam kết về thương mại hàng hóa (bao gồm cam kết về thuế nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan và trợ cấp nông nghiệp);
Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ.
Quá trình đàm phán kéo dài gần 12 năm, gặp nhiều khó khăn phức tạp, trải qua nhiều thời điểm cam go, nhưng cuối cùng Việt Nam và WTO đã đi đến thỏa thuận.
Ngày 28-11-2006, Quốc hội nước ta đã chính thức phê chuẩn Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đối với Việt Nam sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn.
Sau khi Nghị định thư có hiệu lực, nó không chỉ có tác động trực tiếp đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các thành viên WTO mà còn có tác động đến quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta với các nước trên thế giới, các tổ chức kinh tế và khu vực mà nước ta tham gia. Việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn, động lực để Việt Nam thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo nên năng lực sản xuất mới. Tuy nhiên, nó cũng sẽ tạo ra những thách thức mới cho nền kinh tế nước ta.
HẢI HÀ