QĐND - Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông, diễn ra trong hai ngày 10 và 11-7 tại Mỹ, các học giả và các chuyên gia nhận định: Trung Quốc đã trở thành một mối nguy đối với ổn định của khu vực Đông Nam á và nước này cần phải ngừng những hành động khiêu khích trên biển, theo trang tin Euronews (Pháp).

Luật sư P. Rây-chlơ, cố vấn pháp lý cho Phi-líp-pin về vụ kiện các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN

Ngày 11-7, Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Các xu hướng gần đây tại Biển Đông và chính sách của Mỹ” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tiếp tục diễn ra tại thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ). Ngày thứ hai của hội nghị đã thảo luận về triển vọng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và việc hợp tác, xây dựng lòng tin trong giải quyết tranh chấp.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chiến lược và đa phương Mai-cơn Phu-chơ (Michael Fuchs) đã nêu đề xuất của Mỹ về các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. ông Mai-cơn Phu-chơ bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông, tái khẳng định quan điểm của Mỹ rằng hành động “đơn phương và khiêu khích” của Trung Quốc làm dấy lên hoài nghi về sự sẵn sàng của nước này trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ông Phu-chơ cho biết, Mỹ mong muốn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN) và Trung Quốc có "một cuộc thảo luận thực sự" để thực hiện các cam kết kiềm chế trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo ông Phu-chơ, Mỹ đã kêu gọi các quốc gia tuyên bố chủ quyền cần làm rõ và tự nguyện dừng các hoạt động, hành vi làm leo thang căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Các cam kết đó sẽ giúp giảm căng thẳng và mở ra không gian cho các giải pháp hòa bình, đồng thời là một biện pháp xây dựng lòng tin mạnh mẽ trong bối cảnh có nhiều vấn đề khó khăn liên quan tới đàm phán COC.

Ông cho rằng, bước đi đầu tiên đã được thể hiện trong DOC là các bên tranh chấp tái cam kết không thiết lập các căn cứ quân sự mới. Quan trọng hơn, các bên tranh chấp có thể cam kết không chiếm đóng các thực thể địa chất mà bên tuyên bố chủ quyền khác đã chiếm giữ kể từ trước thời điểm DOC được ký kết tháng 11-2002. Về việc xây dựng và cải tạo đất, các bên liên quan có thể làm rõ những loại thay đổi nào là “khiêu khích” và loại nào chỉ đơn thuần là các nỗ lực nhằm duy trì sự hiện diện từ lâu, phù hợp với nguyên trạng năm 2002. ông hy vọng sẽ có tiến bộ thực sự về những nỗ lực của khu vực, nhằm thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Mi-an-ma vào tháng tới.

Tại hội thảo, phần trình bày của luật sư Pôn Rây-chlơ (Paul Reichler), cố vấn pháp lý cho Phi-líp-pin trong vụ kiện Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông, đã thu hút sự chú ý của đông đảo người tham dự. ông Pôn Rây-chlơ cho biết “đường 9 đoạn” chưa bao giờ được Trung Quốc mô tả cho tới năm 2009. Đường này mở rộng từ 400-800 hải lý ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc, vượt xa các giới hạn mà luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nói riêng cho phép. Với tư cách là luật sư cho Phi-líp-pin, ông hy vọng Trung Quốc tham gia vào vụ kiện nhằm phân định rõ các tuyên bố chủ quyền.

Chuyên gia cao cấp về luật Đông Á, Giáo sư J. Cô-hen (Jerome Cohen) cho biết, những gì mà Trung Quốc đang làm khiến người ta hoài nghi về tuyên bố “cường quốc trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh. Không chỉ sử dụng các biện pháp cưỡng ép trong đòi hỏi chủ quyền, Trung Quốc còn vi phạm cam kết đối với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, chẳng hạn như từ chối tham gia vụ kiện của Phi-líp-pin. Giáo sư Cô-hen, một người từng ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc trước đây, tỏ ý thất vọng với cách hành xử của Bắc Kinh: “Tôi rất buồn với quan điểm hiện nay của Trung Quốc. Tôi đã dành hết cả sự nghiệp của mình để thuyết trình quan điểm của Trung Quốc về luật pháp trong nước và quốc tế. Vào những năm 1960, một số nhà ngoại gia Mỹ thường trêu đùa, gọi tôi là luật sư của Trung Quốc. Nhưng bây giờ thì tôi thực sự thất vọng”. 

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động quyết hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Truyền hình Trung Quốc vừa công bố một bộ phim tài liệu gồm 8 phần, với nhiều hình ảnh chưa bao giờ được công bố. Bộ phim tài liệu dài hơn 3 tiếng cung cấp một cái nhìn hiếm có về những hoạt động bấy lâu của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có việc theo dõi các nước có tranh chấp và củng cố sự hiện diện quân sự để ngăn chặn những quốc gia này. Theo trang GMA News của Phi-líp-pin, phim này từng được phát sóng trên Kênh Truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV4 từ ngày 24 đến 31-12-2013. Mới đây, phim được trang web của CCTV đăng tải lại với phụ đề song ngữ Trung-Anh để truyền bá rộng rãi hơn.

Giáo sư Can Thay-ơ (Carl Thayer), một chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông người ô-xtrây-li-a, cho rằng: Đoạn phim trên được Trung Quốc chủ đích công chiếu cho nhiều đối tượng khán giả chứ không chỉ người dân trong nước. “Đây là một thông điệp rùng rợn đến các nước có tuyên bố chủ quyền rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực như đâm va để thực thi “quyền chủ quyền” của nước này”, giáo sư Thay-ơ nói. Còn giáo sư Đại học Quốc gia Xin-ga-po P. Kha-na (P. Khana) cho rằng, những hành động của Trung Quốc cho thấy nước này kiên quyết khai thác các tài nguyên của vùng biển này, bất chấp những tranh chấp pháp lý.

Hội đồng Nghị viện Tổ chức Pháp ngữ (APF) vừa thông qua Nghị quyết kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh tại Biển Đông.

Nghị quyết của APF bày tỏ lo ngại trước những căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực mà Việt Nam khẳng định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. APF cho rằng tình trạng căng thẳng này có thể đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và an ninh của các tuyến đường hàng hải và hàng không trên Biển Đông. APF ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc gia và quốc tế, ủng hộ đề nghị đàm phán của Việt Nam gửi đến Trung Quốc và kêu gọi các bên kiềm chế. APF kêu gọi các bên liên quan không làm phức tạp thêm tình hình, tránh việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc gia và quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia ký kết.

APF cũng ủng hộ Việt Nam và các quốc gia khác có liên quan trong việc hành xử một cách hòa bình và những sáng kiến của Cộng đồng Pháp ngữ nhằm khôi phục hòa bình và ổn định trong khu vực. APF cũng đề nghị Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN) đóng góp vào việc giải quyết toàn diện cuộc tranh cãi, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nghị quyết của APF kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Cộng đồng Pháp ngữ, thể hiện đoàn kết để đảm bảo rằng luật pháp quốc tế được tôn trọng và hòa bình, an ninh được đảm bảo, đồng thời khuyến khích các quốc gia thành viên của Tổ chức Pháp ngữ hành động phối hợp và đề xuất sáng kiến để góp phần giải quyết căng thẳng hiện nay tại Biển Đông.

TTXVN

NGỌC HÀ