QĐND  - Khẳng định việc Trung Quốc mới đây cố tình đâm chìm tàu cá của Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu công nghệ sinh học, sinh vật phân tử ứng dụng trong y dược học ở Mỹ và là người đồng sáng lập Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng Việt Nam cần thiết phải đưa vụ việc nghiêm trọng này ra tòa án quốc tế...

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình. nh: Phương Linh

Ngày 26-5-2014, tại ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm. Hành động này như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến tình hình ở Biển Đông càng thêm “nóng”. Theo ông Nguyễn Trọng Bình, dù tàu Trung Quốc là loại nào, tàu đánh cá, tàu chấp pháp hay tàu quân sự, thì đây là hành động vi phạm luật biển nghiêm trọng, cần phải lên án mạnh mẽ. “Việt Nam cần tố cáo hành động sai trái trên của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế mạnh mẽ hơn nữa, thậm chí phải đưa vụ việc này lên tòa án quốc tế. Đây là việc làm hết sức cần thiết. Nếu không, Trung Quốc sẽ có thêm những hành động nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, trước khi đưa ra tòa án quốc tế, Việt Nam cần phải nghiên cứu chặt chẽ luật cũng như thủ tục pháp lý”, ông Bình chia sẻ.

Tham vọng chiến lược "chuỗi ngọc trai" trên biển của Trung Quốc

Nhận định việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan sang một vị trí mới, cách vị trí ban đầu 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc (vẫn nằm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình cho rằng, đây là bước đi chiến thuật của Trung Quốc. Theo ông Bình, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được thực hiện  theo chiến thuật "rau bắp cải" (nhiều lớp lá cuộn chặt với nhau); tiến công xâm phạm lãnh hải Việt Nam bằng nhiều loại tàu như tàu dân sự (giàn khoan, kết hợp với tàu đánh cá của "ngư dân" Trung Quốc có mang theo hung khí hoặc/và vũ trang), kết hợp với tàu bán quân sự (tàu hải giám, tuần tra biển...) cho đến các tàu quân sự của Hải quân Trung Quốc. Việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là một bước trong kế hoạch của Trung Quốc thực hiện chủ trương "đường lưỡi bò" chiếm hơn 80% diện tích Biển Ðông. "Ðường lưỡi bò" này chồng lên thềm lục địa của các nước có bờ biển với Biển Ðông, trong đó Việt Nam là nước bị thiệt hại nhiều nhất vì có bờ biển dài. Đây là một bước trong kế hoạch tổng thể xa hơn của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng chiếm lĩnh nguồn tài nguyên biển và dầu khí, kiểm soát con đường hàng hải lớn của quốc tế qua lại trên Biển Đông và là con đường vận chuyển chính năng lượng và hàng hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều quốc gia khác. “Ðể thực hiện tham vọng chiến lược "chuỗi ngọc trai" trên biển trải dài từ Trung Quốc cho đến vùng dầu mỏ tại Trung Ðông nơi có các quốc gia cung cấp dầu hỏa, năng lượng) thì Biển Ðông là một mắt xích quan trọng đối với Bắc Kinh”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình nhấn mạnh.

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là chủ trương đúng đắn

Mặc dù luôn bị tàu Trung Quốc khiêu khích, liên tục tiến hành các vụ va chạm trên biển, song các tàu thực thi pháp luật, tàu cá của Việt Nam đều cố gắng tránh sử dụng vũ lực, đúng theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam. Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình cho rằng, trong thế giới ngày nay, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực là khuynh hướng chung được nhiều nước ủng hộ. Vì vậy, chủ trương tránh sử dụng vũ lực của Chính phủ Việt Nam là đúng đắn, hợp với xu thế của thời đại. “Việt Nam đã cho thế giới thấy rõ hành vi sai trái của Trung Quốc, song cần phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để thu hút dư luận quốc tế, gây sức ép buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc không thể nào phớt lờ áp lực của dư luận quốc tế và các phán xét của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc. Nếu Trung Quốc chủ trương phiêu lưu quân sự và nổ súng trước, thế giới sẽ ủng hộ những ai ở thế phải tự vệ. Tôi tin rằng, Việt Nam có đủ chính nghĩa và sức mạnh để tự vệ trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử Việt Nam và thế giới đã chứng minh rằng, kẻ xâm lược, gian tham luôn bị đánh bại”, Tiến sĩ Bình khẳng định. 

Không lạc quan việc Trung Quốc sẽ sớm rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Bình cho rằng, tình hình chỉ có thể thay đổi khi bản thân Trung Quốc nhận thức ra rằng, trong thời đại ngày nay, Bắc Kinh cần phải có cách ứng xử văn minh của một nước lớn. Đó là triệt thoái giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình nhấn mạnh, “sự chọn lựa đi theo con đường phát triển văn minh hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào Trung Quốc”. 

Linh Oanh (ghi)