Quần quật lên xuống những con dốc dựng ngược, cả trăm "cửu vạn" ùn ùn gánh hàng vòng qua cổng B Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Trên đường, thi thoảng lại thấy 1 xe máy ào qua; hai thùng hàng to tướng hai bên; phía sau các tay lái "lụa" kèm thêm một bà sồn sồn lúc lắc trên vai đôi quang nặng trĩu.

Hàng lậu trên vai... Ảnh: Bảo Hạnh
Hàng lậu trên vai... Ảnh: Bảo Hạnh
Sáng ngày cuối năm trên vùng đất cửa khẩu này, PV VietNamNet theo chân Thành (người dẫn đường thuê) đi dọc sông Sê Pôn. Dù trên sông có trạm kiểm soát liên ngành, dân buôn lậu vẫn tấp nậptập kết hàng vào bất cứ lúc nào có thể.

Thấy PV VietNamNet căng mắt nhìn và có vẻ “nóng máy” muốn chụp ảnh khi thấy thuyền buôn lậu cập bến “ăn hàng”, Thành vội rỉ tai: “Anh cẩn thận. Cất máy ảnh đi, không thì đường về “xa xôi” lắm đấy. Chỉ nhìn lướt qua thôi nhé. Tuyệt đối không chụp ảnh...”.

Cách trạm kiểm soát đường sông liên ngành (Hải quan, biên phòng) chừng 300 mét, thuyền buôn lậu cập bến và ngang nhiên bốc hàng lên bờ... Lực lượng làm thuê, bốc hàng cứ thản nhiên vô tư làm việc như ở... nhà mình. Khoảng hơn chục chiếc xe thồ cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng để thồ hàng đến và chở hàng đi.

Một tay xe thồ dáng bặm trợn, nhấc chiếc mũ vải ra khỏi đầu, thò tay gãi cho tóc rối bù lên, giọng oang oác: “Thì toàn người làm thuê thôi, bắt làm gì cho tội. Mấy cha chủ hàng thì không bao giờ xuất hiện ở đây làm gì...”. Nói rồi anh nổ máy xe, nhấn ga chở một bao hàng chạy tuốt đến chiếc ô tô đang đỗ thấp thoáng phía xa.

...Trên xe thồ
...Trên xe thồ. Ảnh: Bảo Hạnh
Khoảng gần cuối giờ chiều, trên những lối mòn thâm u hun hút giữa cánh rừng Đakrông, cánh quân cửu vạn đông tới hàng trăm người lên xuống quần quật, bám vào những con dốc dựng ngược. Những lối mòn đều dẫn đến con đường độc đạo từ cổng B cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (khu miễn thuế), vòng qua cổng này rồi tập kết ở hai điểm - một ở phía trên Đội kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Quảng Trị, điểm còn lại ở dưới đội này, chỉ cách chừng 50 mét! Người gùi, người gánh, kẻ chạy bộ, người xe máy... nhộn nhịp như hội chợ! Họ đưa hàng lên những chiếc xe khách, xe tải... đậu sẵn bên đường.

“Ác chiến” hơn cả là những tay lái lụa chở một phụ nữ tuổi sồn sồn với đôi quang trên vai, hai bên là hai thùng hàng to tướng chạy như “xiếc" trên đường.

Sống nhờ hàng lậu

Chúng tôi ghé vào thôn Lương Lễ (xã Tân hợp, huyện Hướng Hóa), một thôn có nhiều người đi làm cửu vạn tại cửa khẩu. Ông Dương Quốc Trinh, trưởng thôn cho biết cả thôn có 220 hộ dân với 1200 nhân khẩu, định cư dọc 4 km, hai bên đường QL9, sát cổng B cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Lao động của thônchủ yếu gùi cõng hàng thuê!. “Mỗi người gùi cõng thuê 1 ngày cũng kiếm được khoảng năm chục ngàn đồng...”- ông Trinh cho biết.

Ở bản mới Lương Lễ, nhà của thanh niên Hồ Văn Lăng có đám rẫy khá “đắc địa”: mọi cửu vạn đi gùi hàng phải băng qua đây. Vậy là Lăng thu mỗi người ba ngàn đồng. Những tháng cuối năm, người đi đông quá, nên Lăng “thu thuế" được ngót 4 triệu đồng bỏ túi!

Hầu hết, những chuyến xe xuôi về thị xã Đông Hà được chất đầy thuốc lá Jet và nồi cơm điện. Vẫn “bài" rất cũ: thuốc được dân buôn xé lẻ để trong các túi xách, mang quanh người. Mặc dù trên xe chở đầy hàng lậu, nhưng suốt dọc đường lái xe luôn dừng lại đón khách, đón hàng; không thấy các lực lượng chức năng nào đón đợi để kiểm tra...

Đến tập kết tại nơi xe ô tô đang đỗ
Đến tập kết tại nơi xe ô tô đang đỗ. Ảnh: Bảo Hạnh
Tỉnh Quảng Trị đã thành lập nhiều lực lượng, bố trí chốt chặn trên suốt chiều dài 83 km của tuyến đường từ Lao Bảo về Đông Hà như: Trạm hải quan Làng Vây, đội kiểm soát liên ngành Tân Hợp, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, đội quản lý thị trường lưu động và trạm hải quan Cổng B…

Bình quân mỗi ngày có trên 140 xe khách chạy tuyến Đông Hà -Lao Bảo. Chỉ cần dừng đôi ba phút trước Trạm kiểm soát liên ngành (bên cầu Đakrông) hay Đội kiểm soát Hải quan... sẽ thấy các chủ buôn từ trên xe khách bước xuống mang theo nào là mực, thịt, cá, trái cây cho các anh ở trạm. Và mỗi lần như thế, các cán bộ chẳng cần quan tâm xe chở những hàng gì?

Thị xã Đông Hà từ trưa cho đến tối lấn sang sáng ngày hôm sau là thuộc giờ hàng từ Lao Bảo về tập kết. Những bến xe, nhà dân, chợ lớn đều là những điểm tập kết hàng của cánh quân buôn lậu. Chẳng cần mất công theo dõi hoạt động buôn lậu, ở đây chỉ cần ra khỏi ngõ là gặp ngay hàng lậu.

Trả lời câu hỏi về những kho hàng lậu ở Đông Hà, một lãnh đạo đơn vị chức năng ở đây nói rằng, các chủ hàng lậu sử dụng hoá đơn, chứng từ mua hàng đấu giá để đối phó nên rất khó xử lý.

Tuy nhiên, một thành viên trong lực lượng chống buôn lậu của thị xã Đông Hà lại cho biết: hoá đơn, chứng từ mua hàng đấu giá có ghi rõ ngày tháng sản xuất và nhãn hiệu hàng, kẻ buôn lậu không thể đối phó bằng cách này được!

Cả nhà cùng đi chuyển hàng...lậu.
Cả nhà cùng đi chuyển hàng...lậu. Ảnh: Bảo Hạnh
Từ đầu năm đến nay, Chi cục quản lý thị trường Quảng Trị phát hiện gần 1.000 vụ vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, số vụ này chỉ bằng vài phần trăm so với thực tế! Hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Quảng Trị không đạt hiệu quả do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Số vụ vận chuyển hàng lậu bị phát hiện, xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng.

Một chủ buôn lậu thuộc hàng “em út” ở thị xã Đông Hà cho chúng tôi biết: “Một số chủ hàng bị bắt thường xuyên là do chưa “mặn mà” với các lực lượng chức năng. Còn như những chủ buôn có máu mặt lâu lâu mới bị bị bắt một lần. Những lần bị bắt ấy đều được người của “chức năng” cho biết trước nên hàng ít, mất ít. Và mỗi lần vậy cũng chỉ để cho lực lượng chống buôn lậu ghi vào “thành tích” mà báo cáo...”.

Thực hư chưa rõ thế nào. Song le, cứ nhìn thấy hàng lậu “thản nhiên” xuôi QL9 về Đông Hà như thế thì ngẫm lại lời của chủ buôn lậu kia cũng có lý lắm. Lúc chia tay Thành, người bạn đồng hành “bất đắc dĩ” cứ hẹn: “Lần sau muốn lên Lao Bảo, “quan bác” cứ gọi em. Cái gì chứ buôn lậu ở đây thì chẳng bao giờ dứt. Nếu dứt thì đó là mới sự lạ...”.

Một cán bộ Hải quan Quảng Trị cho biết, hàng hoá từ biên giới được đánh về mua bán tại thị xã Đông Hà chủ yếu là... hàng giả. Chỉ tính riêng trong quý 4/2007, các mặt hàng vừa lậu vừa giả như thuốc Zet, rượu ngoại, linh kiện điện tử, mỹ phẩm, sữa, nước giải khát... lại sốt giá do cận Tết. Đáng chú ý là trong khoảng 1.000 két thuốc lá Zet do các lực lượng chống buôn lậu bắt giữ được, có tới 80% là hàng giả.
  • Theo : VNN-Bảo Hạnh