KASA được coi là phiên bản Hàn Quốc của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đặt tại thành phố Sacheon thuộc tỉnh Gyeongsangnam, cách Seoul khoảng 300km về phía Nam. KASA gồm 293 cơ quan thành viên sẽ dẫn đầu các chương trình không gian của Hàn Quốc, như thám hiểm mặt trăng và sao Hỏa, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty Hàn Quốc trong ngành vũ trụ toàn cầu. KASA đặt mục tiêu thúc đẩy hơn 2.000 công ty liên quan đến không gian và tạo ra khoảng 500.000 việc làm mới trong lĩnh vực này. Đây là một hướng tiếp cận mới bắt kịp xu thế của Hàn Quốc, trong bối cảnh ngành công nghiệp vũ trụ thế giới đang hướng tới kỷ nguyên “không gian mới”, nơi các công ty tư nhân đang tích cực dẫn đầu đổi mới công nghệ vũ trụ với tính khả thi về mặt kinh tế hơn. Từ trước đến nay, các dự án phát triển không gian của Hàn Quốc đều do chính phủ chỉ đạo.

leftcenterrightdel

Trụ sở của KASA tại thành phố Sacheon. Ảnh: Yonhap 

Theo ông Yoon Young-bin, Giám đốc KASA, sự ra đời của KASA là để tập trung thúc đẩy các công ty Hàn Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong các dự án phát triển không gian và giúp đất nước phát triển ngành công nghiệp vũ trụ và nền kinh tế vũ trụ cấp toàn cầu. Vì vậy, vai trò quan trọng nhất của KASA là hỗ trợ khu vực tư nhân dẫn đầu phát triển lĩnh vực khám phá không gian. Hay nói một cách khác, KASA được thành lập nhằm giúp công nghệ vũ trụ của Hàn Quốc được chuyển giao suôn sẻ sang lĩnh vực dân sự, bãi bỏ quy định trói buộc đối với lĩnh vực này và tạo ra những mảnh đất màu mỡ cho ngành vũ trụ phát triển theo cấp số nhân trước khi quá muộn.

Theo Đạo luật đặc biệt về việc thành lập KASA, cơ quan này sẽ nằm dưới quyền của Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông và chịu sự giám sát của Ủy ban Vũ trụ quốc gia trực tiếp dưới quyền tổng thống. Viện Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) và Viện Khoa học thiên văn và vũ trụ (KASI) sẽ được biên chế trực thuộc KASA. Như vậy, Viện Hàng không vũ trụ Hàn Quốc vẫn có thể tiếp tục các dự án nghiên cứu hiện nay, trong khi Cơ quan Hàng không vũ trụ sẽ đảm nhận cả nghiệp vụ về nghiên cứu và phát triển, giải tỏa được vấn đề tranh cãi lớn nhất về chức năng nghiên cứu và phát triển.

Dự án phát triển hàng không vũ trụ là một trong những cam kết tranh cử của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với tham vọng biến KASA thành một “tháp điều khiển” về phát triển vũ trụ quốc gia. Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết sẽ tăng ngân sách dành cho phát triển ngành vũ trụ lên hơn 1.500 tỷ won (1,14 tỷ USD) từ nay đến năm 2027. Hàn Quốc hồi tháng 3 đã tổ chức lễ ra mắt Cụm công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc tại trụ sở Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI). Cụm công nghiệp vũ trụ này là một dự án thiết lập “hệ thống tam giác công nghiệp vũ trụ”, trong đó tỉnh Nam Jeolla sẽ là đặc khu về phát triển tên lửa đẩy, tỉnh Nam Gyeongsang là đặc khu về vệ tinh, thành phố Daejeon sẽ là đặc khu về bồi dưỡng nhân tài, nhằm bồi dưỡng ngành công nghiệp vũ trụ do khối tư nhân đóng vai trò dẫn dắt.

Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng trọng tâm cho ngành công nghiệp vũ trụ mà khối tư nhân khó có thể tự thiết lập như cơ sở thử nghiệm môi trường vũ trụ. Chính phủ cũng sẽ mở rộng gấp đôi quy mô quỹ đầu tư công-tư cho ngành công nghiệp vũ trụ, được thiết lập vào năm 2023; hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể vươn lên thành doanh nghiệp toàn cầu.

Theo lộ trình phát triển lĩnh vực vũ trụ, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt ra các mục tiêu như hoàn thành sứ mệnh đổ bộ mặt trăng vào năm 2032 và sứ mệnh lên sao Hỏa vào năm 2045. Nước này cũng có kế hoạch phát triển tên lửa thế hệ tiếp theo, được đặt tên là KSLV-III và sẽ thực hiện 3 lần phóng vào các năm 2030, 2031 và 2032, với lần phóng thứ ba mang theo tàu vũ trụ mặt trăng. Nhắm tới những mục tiêu này, Hàn Quốc tham vọng lọt vào nhóm 5 cường quốc công nghệ vũ trụ hàng đầu thế giới.

Hàn Quốc là quốc gia đi sau trong ngành công nghiệp vũ trụ tiên tiến nhưng hiện được coi là cường quốc vũ trụ mạnh thứ 7 sau khi phát triển thành công tên lửa vũ trụ Nuri nặng 200 tấn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để nước này chinh phục thành công lĩnh vực không gian trong bối cảnh cuộc đua vào không gian giữa các nước trên thế giới ngày càng khốc liệt. 

MAI NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.