Siêu thị Vinaconex đã sẵn sàng các loại hàng hoá phục vụ Tết

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Đinh Hợi nhưng sức mua trên thị trường Hà Nội đã bắt đầu tăng mạnh. Không chỉ ở các chợ, mà tại các siêu thị, lượng khách cũng bắt đầu tăng dần. Đây được coi là mùa làm ăn sôi động nhất trong năm của giới kinh doanh, và như đã thành quy luật, không ít cửa hàng lợi dụng nhu cầu tăng lên của khách để tăng giá bán ra. Thành phố Hà Nội sẽ áp dụng biện pháp nào để ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết ?

Hàng Tết vào mùa

Không khí Tết dường như đã bắt đầu trên tất cả các phố phường Hà Nội, thể hiện rất rõ trên những tấm băng rôn quảng cáo chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi. Đặc biệt là tại các điểm mua bán, từ những chợ cóc, chợ tạm cho đến các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn cả nội và ngoại vi thành phố như Hào Nam Intimex, Citimart, Metro, Big C…đều đầy ắp hàng hoá phục vụ Tết. Các cơ sở sản xuất hàng đặc trưng của Tết như giò chả, bánh chưng, hoa, rau củ quả…cũng đã chăng biển hiệu nhận hàng đặt sẵn.

Khảo sát một số mặt hàng cần thiết trên thị trường Hà Nội vào trưa ngày 9-1, chúng tôi nhận thấy nhiều mặt hàng đã bắt đầu tăng giá dần dần từ dịp Tết dương lịch đến nay. Tại chợ Cầu Đông, giá lương thực, thực phẩm nhìn chung đều tăng. Thịt bò thăn loại một tăng từ 75 nghìn đồng lên 80-85 nghìn đồng/kg, thịt bò bắp tăng từ 70 nghìn đồng lên 75-80 nghìn đồng/kg, thịt lợn loại một tăng từ 40 nghìn đồng lên 45 nghìn đồng/kg. Giá thịt gà ta tăng từ 42 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/kg. Các loại rau, củ, quả cũng tăng giá từ 500-1000 đồng/kg. Hỏi giá một số loại hàng như bánh kẹo, rượu, bia…chủ hàng đều đòi tăng từ 5 đến 10% mặc dù các doanh nghiệp rượu bia, bánh kẹo trên địa bàn Hà Nội không hề tăng giá bán ra…

Ðể bình ổn giá thị trường dịp Tết và trong quý I, Bộ Tài chính vừa ra công văn yêu cầu Sở tài chính các tỉnh có kế hoạch cụ thể, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố thực hiện có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu... Kiểm soát sự độc quyền, liên minh độc quyền về giá, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết và chủ trương điều chỉnh giá bán điện của Nhà nước để tùy tiện nâng giá không hợp lý, trái pháp luật, làm phương hại lợi ích của Nhà nước và của người tiêu dùng.

Chúng tôi đã gặp ông Hồ Quốc Khánh, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Thương mại Hà Nội) để tìm hiểu tình hình biến động giá cả. Ông Khánh cho biết, từ trước đến nay, chỉ số giá các mặt hàng tiêu dùng trong tháng Tết tăng mạnh đã trở thành quy luật và trên thực tế thì quý đầu năm bao giờ cũng là quý có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cao nhất.

Nguyên nhân của việc tăng giá vào thời điểm Tết xuất phát từ nhu cầu mua bán của người dân tăng mạnh do người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung rất coi trọng Tết cổ truyền. Đây cũng là dịp các cơ quan, doanh nghiệp thưởng tiền cho công nhân, viên chức, tạo ra động lực thúc đẩy sức mua trong xã hội. Mấy năm gần đây, người Hà Nội không chỉ chú trọng “ăn Tết” mà còn xem trọng “chơi Tết”, điều đó càng khiến giá cả nhiều loại hình du lịch, giải trí và các mặt hàng phục vụ vui chơi tăng lên.

Những biện pháp bình ổn giá của Hà Nội

Theo dự báo của Sở Thương mại Hà Nội, trong dịp Tết Đinh Hợi tới đây, một số mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ tăng giá. Các mặt hàng thực phẩm và rau củ quả sẽ tăng 1000-2000 đồng/kg, giá lương thực tăng 9-10%, thịt lợn tăng 12-14%, thịt bò tăng khoảng 10%, giá hải sản tăng khoảng 20%. Riêng thịt gia cầm, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm nên có thể khan hiếm, mức tăng có thể lên đến 20%. Ngoài ra, do nhu cầu xây dựng cuối năm nên giá cả một số hàng hoá sẽ tăng theo như vật liệu xây dựng, điện máy, vải, quần áo…nhưng mức tăng không đáng kể. Sức mua của toàn thành phố sẽ tăng khoảng 30% so với thời điểm bình thường và tăng hơn 10% so với Tết cổ truyền năm 2006.

Dự báo trước được tình trạng tăng giá trong dịp Tết, từ giữa năm 2006, Sở Thương mại Hà Nội đã xúc tiến các biện pháp bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá. Các cơ quan chức năng của Sở cùng với các doanh nghiệp đã tăng cường đi khai thác nguồn hàng. Các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tập đoàn Phú Thái (tập đoàn bán lẻ lớn nhất cả nước) và các trung tâm thương mại như Metro, Big C, ban điều hành các chợ Đồng Tâm, Long Biên, Đền Lừ…đi khai thác nguồn hàng tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc để phục vụ Tết. Hiện tại, mọi con đường đưa hàng phục vụ Tết từ các tỉnh về Hà Nội đã được làm thông thoáng, nhiều thủ tục hành chính được dỡ bỏ.

Theo đánh giá của ông Hồ Quốc Khánh thì hiện tại, các chợ lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị đã gom đủ số hàng cần thiết, phục vụ đủ nhu cầu cho Tết. Nếu biến động giá cả có xảy ra thì cũng chỉ mang tính cục bộ do việc luân chuyển hàng hoá giữa khu vực này đến khu vực khác chứ không có tình trạng biến động đột ngột và lớn. Sở Thương mại Hà Nội và các ban ngành có liên quan đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác định nguồn gốc, chất lượng hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân.

Một vấn đề đáng quan tâm hơn là việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nếu công tác này tiến hành có hiệu quả sẽ góp phần giúp các nhà sản xuất, kinh doanh yên tâm thực hiện cam kết không tăng giá trong dịp tết. Đầu năm nay, mặc dù giá điện, than tăng lên nhưng các nhà sản xuất, cung ứng rượu, bia, bánh kẹo đều đã ký cam kết giá cả với các doanh nghiệp từ trước đó 2-3 tháng, đây là cơ sở quan trọng để tin tưởng vào sự bình ổn giá cả trong dịp Tết tại thị trường Hà Nội.

Bên cạnh các biện pháp tích cực trên, hiện Sở Thương mại Hà Nội đang tăng cường thêm một số biện pháp chống tăng giá một số loại hàng thường khan hiếm cục bộ do tình hình thời tiết và dịch bệnh năm nay như: khuyến khích các doanh nghiệp hoa Đà Lạt và địa phương lân cận cung cấp hoa và cây cảnh cho thị trường Hà Nội, làm việc với các công ty du lịch, giải trí nhằm mở rộng dịch vụ, đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi cho nhân dân trong dịp Tết; mở rộng đường tiểu ngạch cho một số hoa quả Trung Quốc (đã qua kiểm dịch chặt chẽ) nhập vào thị trường. Những biện pháp đồng bộ như vậy sẽ góp phần bảo đảm cho người Hà Nội có một cái Tết vui vẻ, đầy đủ mà không phải băn khoăn nỗi lo tăng giá.

Bài và ảnh: Hồng Hải