QĐND - Đó là quan điểm xuyên suốt của Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm này phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (ký giữa ASEAN và Trung Quốc, gọi tắt là DOC) đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển Việt Nam đã được khẳng định trong Điều 4 của Luật Biển Việt Nam: “1. Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
3. Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là văn bản pháp lý quan trọng thứ hai của thế giới (sau Hiến chương Liên hợp quốc) được phê chuẩn vào ngày 16 tháng 11 năm 1994. Việt Nam là nước thứ 63 trên thế giới phê chuẩn Công ước này thông qua Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 23 tháng 6 năm 1994 và nộp lưu chiểu văn bản phê chuẩn vào ngày 25 tháng 7 năm 1994.
Phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là bước đi tất yếu, khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý mới, công bằng trên biển, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của chính sách và pháp luật biển Việt Nam, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế biển bền vững kết hợp bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh và các quyền lợi trên biển của nước ta, là cơ sở để chúng ta xem xét ủng hộ và tham gia tiếp các văn bản pháp lý quốc tế phát triển sau Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Nghị quyết của Quốc hội nước ta phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã nhấn mạnh: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”. Cũng trong Nghị quyết quan trọng này, Quốc hội Việt Nam khẳng định chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế; yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tích cực xây dựng và thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông, được ký kết ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Mục đích của DOC nhằm thúc đẩy một môi trường hòa bình, ổn định và hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông và tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này một cách hòa bình và lâu dài.
Trong DOC, các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi khác của pháp luật quốc tế, coi đây là các quy phạm cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Các bên cam kết kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, trong đó kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở.
Quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông, chúng ta chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình.
Cuối năm ngoái, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Việt Nam khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất là từ thế kỷ XVII. Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình... Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.
Chủ trương này của chúng ta phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với Tuyên bố DOC”.
Hiện nay, trước tình hình phức tạp mới trên Biển Đông, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta vẫn là giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan đến biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố DOC, bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở Biển Đông. Lập trường này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Đỗ Phú Thọ