Gạo ở siêu thị Coop Mart, Thành phố Hồ Chí Minh rất dồi dào nhưng sức mua đã giảm hẳn (chụp hồi 15 giờ ngày 2-5).

“Sau “cơn sốt” ảo, thị trường lúa, gạo đã được bình ổn. Xét về các giải pháp điều tiết thị trường sau sự cố thì chúng ta đã thực hiện thành công. Tuy nhiên, xâu chuỗi toàn bộ sự kiện, nhất là nguyên nhân dẫn đến "cơn sốt" ảo, rõ ràng công tác quản lý thị trường của chúng ta đang còn rất nhiều kẽ hở, bị động trước nạn đầu cơ”... Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói với phóng viên báo Quân đội nhân dân như vậy vào sáng hôm qua (2-5)...

Bình ổn không có nghĩa trở lại mức giá cũ

Sau "cơn sốt" ảo, thị trường lúa, gạo, từ hệ thống siêu thị, chợ đầu mối cho đến các quầy bán lẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã được cung cấp một số lượng hàng hóa rất dồi dào. Tuy nhiên, lượng người mua trong những ngày vừa qua đã giảm dần. Bà Huỳnh Thị Ánh, chủ quầy gạo ở chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu, quận 5 (chợ đầu mối gạo lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Mặc dù giá gạo đã được kéo xuống thấp rất nhiều so với thời điểm diễn ra “cơn sốt” ảo, song mức độ tiêu thụ gạo trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 khá chậm. Theo ghi nhận của phóng viên báo Quân đội nhân dân, tại chợ Trần Chánh Chiếu sáng 2-5, giá gạo thơm đặc sản vào thời điểm “sốt” được bán ở mức 25.000đồng/kg thì nay chỉ còn 17.000đ/kg. Các loại gạo chất lượng trung bình khi "sốt" lên tới 19.000 - 21.000 đồng/kg thì nay được bán ở mức 11.000 - 13.000đ/kg. Tại các đại lý bán lẻ và các khu chợ nhỏ ở các quận trung tâm giá gạo cũng đã giảm theo. Tại các siêu thị thuộc hệ thống Coop Mart, mức giá các loại gạo cũng tương tự. Qui định khống chế số lượng gạo bán ra (mỗi người chỉ được mua 20kg trong những ngày "sốt" giá) cho từng khách hàng cũng đã được các siêu thị xóa bỏ. Mặc dù vậy, các quầy gạo trong siêu thị người mua cũng thưa dần so với những ngày trước đó.

Sự bình ổn giá gạo sau "cơn sốt" ảo là kết quả của nhiều giải pháp đồng bộ của chính quyền, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, trong đó việc tăng nguồn cung kịp thời và siết chặt công tác quản lý thị trường là hai giải pháp trọng tâm. Tổng Công ty Lương thực miền Nam (LTMN) là một trong những doanh nghiệp chủ lực giải quyết tốt nguồn cung. Trong vòng hai ngày (28 và 29-4), hệ thống các công ty trong tổng công ty đã cung cấp hàng ngàn tấn gạo cho thị trường. Chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã kịp thời cung ứng 2.000 tấn gạo để bình ổn giá cả.

Hôm nay (3-5) là ngày cuối cùng trong chương trình đưa gạo đến tận nhà cung cấp cho người dân tại 20 xã và 5 khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của hệ thống Coop Mart. Mạng lưới siêu thị Big C cũng đã sử dụng ô tô vận chuyển gạo đến các khu dân cư ở ngoại thành và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương... Mặc dù được phục vụ tận nơi, nhưng người tiêu dùng vẫn được mua với mức giá đã niêm yết trong siêu thị. Đây là một trong những giải pháp góp phần nhanh chóng bình ổn thị trường gạo những ngày qua. Chỉ tính riêng Coop Mart, mỗi ngày có hơn 10 tấn gạo được tiêu thụ bằng hình thức này.

Tuy nhiên, so với thời điểm trước khi xảy ra "cơn sốt" ảo, giá gạo các loại hiện nay vẫn cao hơn từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg tùy loại.

Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định: Việc giá gạo đột ngột lên "cơn sốt" ảo không phải bắt nguồn từ nguyên nhân qui luật cung – cầu, mà do tin đồn thất thiệt của những kẻ đầu cơ. Sự bình ổn giá cả nhanh chóng sau đó đã chứng tỏ năng lực điều hành của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng "té nước theo mưa", lợi dụng cú "sốc" về giá gạo để đầu cơ của nhiều đầu mối cung cấp gạo vừa qua cho thấy, công tác quản lý thị trường của chúng ta còn bị động, ngăn chặn đầu cơ ở các địa phương chưa hiệu quả. Việc cần làm của các cơ quan chức năng hiện nay là phải xử lý thật nghiêm bằng hình thức đóng cửa đối với những đại lý có biểu hiện đầu cơ trong “cơn sốt" ảo vừa qua.

Ông Nguyễn Nam Vinh, Trưởng Văn phòng Hội Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam cho rằng: Một trong những nguyên nhân để nạn đầu cơ có “đất” tồn tại là người tiêu dùng biết quá ít thông tin về sản phẩm. Nếu được cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên, chắc chắn hiện tượng người dân đổ xô đi mua gạo, “sập bẫy” đầu cơ như vừa qua sẽ được hạn chế rất nhiều.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, sự bình ổn giá gạo sau "cơn sốt" không có nghĩa là nó sẽ trở lại mức giá như ban đầu, mà nó được điều chỉnh theo hướng nhích lên của qui luật thị trường. Giữ mức giá gạo như thị trường hiện nay là một thành công trong công tác quản lý, điều tiết thị trường của chúng ta.

Tiếp tục bình ổn theo qui luật thị trường

Hiện UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, xử lý nghiêm hiện tượng đầu cơ gạo trong những ngày vừa qua. Được biết, cơ quan điều tra đã xác định được một số cơ sở xay xát ở quận Bình Thạnh đầu cơ một lượng gạo khá lớn.

Tại cuộc họp bàn về các giải pháp bình ổn thị trường gạo tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty LTMN cho biết: Hệ thống các công ty trong Tổng công ty LTMN đang lưu trữ hơn 1,2 triệu tấn lúa. Tháng 6 tới, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 300.000 ha lúa hè – thu sớm và 1,5 triệu ha lúa hè - thu chính vụ vào đầu tháng 7. Dự tính trong năm 2008, nước ta đủ khả năng xuất khẩu từ 3,5 đến 4 triệu tấn gạo. Nguồn cung lúa, gạo cho thị trường sẽ rất dồi dào nên không thể có chuyện Việt Nam thiếu lúa, gạo trong giai đoạn hiện nay.

Theo nhận định của Tiến sĩ Trần Du Lịch, mặc dù nguồn cung lúa, gạo của nước ta đang rất dồi dào, nhưng khi giá gạo thế giới tăng thì chúng ta vẫn phải chấp nhận "luật chơi" chung. Trong bối cảnh hiện nay, bất cứ lĩnh vực kinh tế nào cũng có thể xảy ra đầu cơ. Chúng ta tăng cường kiểm soát và điều tiết thị trường để không xảy ra những cú “sốc” do nạn đầu cơ chứ không phải can thiệp để đi ngược lại qui luật thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện mức cung đã vượt cầu nên giá gạo sẽ tiếp tục giữ vững bình ổn theo qui luật thị trường. Tổng công ty LTMN và hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ mức giá bán gạo ổn định. Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm và nêu cao tinh thần cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, góp phần cùng Chính phủ và các cấp, các ngành chức năng ngăn chặn nạn đầu cơ, kiềm chế lạm phát có hiệu quả.

Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG