Hàng nghìn hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày ngày chứng kiến vườn cà phê cuả mình sắp đến ngày thu hoạch, bỗng rụng quả nhiều đến bất thường. Và nguy cơ mất mùa, trắng tay đang là nỗi ám ảnh đối với họ. Lòng buồn, khi đứng nhìn những vườn cà phê quả rụng đen mốc dưới gốc cây mà ngẩn ngơ tiếc rẻ...

"Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"

Cây cà phê lá xanh nhưng trái rụng gần hết.

Nghe nói bà con một số địa bàn của tỉnh Gia Lai phản ánh về nỗi buồn của “mùa cà phê rụng lá”, chúng tôi cùng nhau đến Ia Sao" tâm điểm” cà phê của tỉnh Gia Lai để tận mắt chứng kiến những vườn cà phê rụng quả. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê của mình, anh Lê Văn Tiến - người có thâm niên trồng cà phê hơn 20 năm ở Ia Sao thở dài tâm sự: "Gia đình mình từ Quảng Trị vào đây lập nghiệp trồng cà phê từ năm 1984 đến nay, nếm bao nhiêu “giọt đắng” vui buồn, nhưng năm nay thì thất vọng quá, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ ra chăm chút cho vườn cà phê hơn 2.000 cây, đang xanh tốt, trái nhiều lắm, thì đột nhiên bị rụng quả, ban đầu rụng ít, càng ngày càng nhiều. Hầu như cây nào cũng bị. Cứ đà này không biết có còn cà phê để thu hoạch nữa hay không?".

Bỏ qua mấy ngọn đồi đến vườn cà phê của chị Trần Thị Thái, quang cảnh cũng chẳng khác vườn cà phê của anh Tiến là mấy, cây lá thì xanh mà trái không còn trên cành nữa. Chị Thái cho biết: “Lúc đầu thấy rụng, cứ tưởng chỉ có những quả bói, nhưng sau thấy rụng nhiều quá, gia đình lo lắng đã lùng mua nhiều loại thuốc đắt tiền về ưu tiên chăm sóc cho vườn cà phê của mình nhưng cũng không hiệu quả, giá cà phê thì ngày một lên cao, tiền ngân hàng vay mượn cũng tăng theo thời gian, mà cứ đà này chắc gia đình mình bỏ vườn đi "ăn xin” chắc”.

Quan sát những vườn cà phê, chúng tôi thấy trên cành giữa những chùm quả xanh căng mọng còn sót lại là những vết cuống thâm đen - dấu vết của hiện tượng rụng quả để lại. Nhiều cây quả đã rụng sạch sành sanh chỉ còn trơ lại cành và lá. Phía dưới bồn cà phê chỗ nào cũng thấy lổn nhổn quả rụng, có quả mới rụng còn xanh, có quả rụng lâu đã úa vàng, thối đen.

Hiện tượng cà phê rụng quả như vườn nhà anh Tiến, chị Thái đã không còn là cá biệt, mà trở thành một hiện tượng phổ biến ở các vườn cà phê trên địa bàn huyện Ia Sao. Chúng tôi đến Xí nghiệp Nông - Công nghiệp chè Bầu Cạn, cũng trong nỗi buồn cà phê rụng trái, ông Phạm Văn Trường - Phó giám đốc cho biết: hầu hết trong số 207ha cà phê của xí nghiệp đã và đang… ngày ngày rụng quả. Hơn 300ha cà phê của Nông trường cà phê Ia Phin (thuộc Công ty Cà phê tỉnh) cũng đang ở trong tình trạng tương tự.

Gặp chúng tôi tại vườn cây cà phê nhà mình, ông Ksor Nham ở Chư Sê cho biết: "Hơn tháng nay, không hiểu lý do gì mà hơn 2ha cà phê của gia đình ông quả đang rụng dần, có cây rụng gần hết. Những gia đình khác ở đây cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tôi định mua thuốc về phun nhưng thú thật chả biết phun thuốc gì cho hợp. Trời lại mưa nắng thất thường nên cũng khó phun thuốc”.

Những lời khuyên của “bác sĩ” chuyên khoa

Trước tình trạng cà phê rụng quả nói trên, muốn có câu trả lời của cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã tìm gặp tiến sĩ Trương Hồng-giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thực nghiệm Thủy lợi Nông-Lâm nghiệp Gia Lai.

Theo ông Hồng: "Trong điều kiện bình thường từ tháng 5 đến tháng 8, tỷ lệ cà phê rụng quả dao động ở mức 20-30%. Hiện tượng này có thể do các nguyên nhân sau: Cây cà phê mang quá nhiều quả sẽ tự điều chỉnh sinh lý bằng cách rụng bớt quả; do bón phân thiếu cân đối, thiếu hợp lý; do mưa nhiều và kéo dài, trời nhiều mây nên cây không hút được dinh dưỡng cung cấp cho quả đặc biệt là trong giai đoạn quả cần dinh dưỡng để tăng thể tích và hình thành hạt từ tháng 6 đến tháng 8. Tuy nhiên cà phê rụng quả, nhiều trên diện rộng là một hiện tượng không bình thường".

Để giúp nông dân biết và hạn chế thiệt hại do cà phê rụng quả, Trung tâm đã tổ chức tư vấn cho hàng trăm lượt người từ các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh… Và để khắc phục hiện tượng này, tiến sĩ Trương Hồng cho rằng: "Trong thời gian tới, người dân cần bón phân đầy đủ và cân đối cho cà phê, tốt nhất là bón theo độ phì của đất và năng suất cà phê đạt được. Ngoài ra, khi trời dứt mưa, cần phun ngay phân bón lá chuyên dùng cho cà phê NUCFE để hạn chế rụng quả".

Bên cạnh những nguyên nhân trên, tiếp xúc với những người trồng cà phê, chúng tôi được biết, việc nắng hạn kéo dài đến tận cuối tháng 6 năm nay đã khiến cho việc bón phân cho cây gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nắng hạn cũng tạo điều kiện để rệp sáp phát triển mạnh trên cây cà phê. Đây được xem là nguyên nhân quan trọng góp phần làm cà phê rụng quả bất thường trong thời gian qua.

Hiện tượng cà phê rụng quả đã diễn ra ở nhiều huyện trong tỉnh Gia Lai với diện tích lớn. Thời gian tới là lúc giao thời giữa hai mùa mưa, nắng của các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Mưa, nắng, gió thất thường trong một thời gian ngắn, thì khả năng cà phê tiếp tục rụng quả, thậm chí rụng nhiều hơn là hoàn toàn có thể xảy ra. Và như thế, nguy cơ mất mùa như niên vụ 2005 là khó có thể tránh khỏi. Thực tế này các cấp chính quyền, các ngành có liên quan cần quan tâm vừa tuyên truyền cho người nông dân hiểu biết để phòng chống, vừa nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và bài thuốc chữa trị phù hợp, giúp cho đồng bào bớt thiệt hại bởi hậu quả của “mùa cà phê rụng quả”.

Bài và ảnh: Lê Quang Hồi