 |
Rau quả, món ăn không thể thiếu được trong các bữa ăn vẫn tiếp tục tăng giá. |
Cách đây gần hai tháng, ngày 1-8-2007, trước thực trạng giá cả hàng hóa tăng nhanh, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, tốc độ tăng giá đã chững lại, nhưng gần đây một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương) - Hoàng Thọ Xuân-thì điều khiến các cơ quan quản lý đau đầu nhất hiện nay chính là sự tăng giá chóng mặt của các mặt hàng liên quan tới đời sống hằng ngày của người dân và hiện tượng giá cả "té nước theo mưa". Người bán tự tiện tăng giá...
Giảm thuế, nhưng chưa giảm giá
Trong hai ngày nghỉ cuối tuần (22 và 23-9), chúng tôi đã đi khảo sát giá cả của nhiều mặt hàng đã được giảm thuế nhập khẩu theo Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ và thấy rằng, dù đã được giảm thuế, nhưng giá bán trong nước vẫn chưa giảm. Điển hình là mặt hàng sữa. So với thời điểm đầu tháng 8, đến thời điểm này, các loại sữa nói chung vẫn tăng từ 5 đến 10%. Trong đó, các loại sữa hiệu Enfa của Mead Johnson tăng bình quân 10.000-15.000 đồng/sản phẩm. Lactogen hộp thiếc 1 kg tăng từ 119.000 đồng lên 122.900 đồng/hộp, Lactogen hộp giấy loại 400g tăng thêm 9.000 đồng, ở mức 54.300 đồng/hộp... Đây là lần thứ tư giá sữa tăng từ đầu năm tới nay. Điều này trái với hy vọng của cơ quan quản lý Nhà nước về việc các doanh nghiệp sẽ chia sẻ gánh nặng với Chính phủ trong cuộc chiến chống lạm phát và gỡ bớt khó khăn cho người tiêu dùng.
Qua Tổng cục Hải quan, chúng tôi được biết các hợp đồng nhập khẩu sữa theo biểu thuế có mức hạ hồi đầu tháng tám vừa qua đã về Việt Nam, nhưng không hiểu vì sao, giá sữa bán trong nước vẫn chưa giảm.
Mặt hàng thép cũng đã được giảm thuế nhập khẩu khá lớn, nhưng mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất thép lại thông báo tăng giá bán thêm từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn. Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là nguyên liệu đầu vào tăng cao nên họ đành "vi phạm" cam kết với Bộ Tài chính. Hiện giá phôi nhập khẩu ở ngưỡng 570-580 USD/tấn, tăng hơn 50 USD/tấn so với thời điểm mà các doanh nghiệp hứa giảm giá và tăng 191 USD/tấn so với cùng thời điểm năm ngoái.
Giá thức ăn chăn nuôi cũng được giảm thuế nhập khẩu, nhưng cho đến ngày hôm qua (23-9), giá bán các loại thịt gia súc, gia cầm không những không giảm hơn so với hồi đầu tháng 8 mà vẫn tiếp tục "leo thang", khiến các bà nội trợ đắn đo hơn khi đi chợ.
Đã một tháng trôi đi sau lời hứa của một số thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) với Bộ Tài chính về phương án giảm giá bán xe, vậy mà cho đến ngày hôm qua vẫn chưa có hãng xe nội địa nào tiến hành giảm giá dù giá xe nhập khẩu về đã tăng khá nhiều so với trước.
"Ăn theo" giá vàng?
Một số loại hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như rau, quả, thịt, cá... lại tăng theo... "phong trào". Tôi hỏi một người bán rau ở chợ Kim Giang (Hà Nội), vì sao giá rau tăng, chị hồn nhiên trả lời: Vì các hàng hóa khác tăng, đặc biệt giá vàng đã tăng đến hơn 1,4 triệu đồng/chỉ, nên cũng phải tăng theo.
Cũng theo ông Hoàng Thọ Xuân, (Bộ Công thương) thì điều khiến các cơ quan quản lý e ngại và đau đầu nhất hiện nay chính là sự tăng giá chóng mặt của các mặt hàng lương thực, thực phẩm,các loại dịch vụ liên quan tới đời sống hằng ngày của người dân và hiện tượng "té nước theo mưa", tăng giá theo "phong trào". Người bán tự tiện tăng giá chẳng vì lý do gì, cứ thấy thiên hạ tăng thì mình cũng tăng.
Công bằng mà nói, sau gần hai tháng thực hiện Chỉ thị 18/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường, giá cả thị trường tuy có tăng nhưng không có đột biến xảy ra. Hàng hóa trên thị trường phong phú, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được giữ vững. Hiện nay thị trường hàng hóa, dịch vụ diễn ra sôi động; bán hàng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Cái giá phải trả cho những biện pháp giảm thuế nhập khẩu không phải là nhỏ. Giảm thuế suất thuế nhập khẩu đồng nghĩa với việc Nhà nước phải “hy sinh” hàng nghìn tỷ đồng thu ngân sách, trong khi thu chi ngân sách vẫn còn mất cân đối, mức bội chi vẫn còn chiếm tới 5% GDP. Mặt khác, giảm thuế nhập khẩu đồng thời cũng là hạ thấp hàng rào thuế quan đến hàng nhập khẩu tăng lên, trong khi nhập siêu mới qua 8 tháng đã cao nhất so với cùng kỳ, cao hơn cả mức nhập siêu trong cả năm 2006.
Tuy nhiên, tác động của việc giảm thuế nhập khẩu đến đời sống của người dân không nhiều. Giá cả nhiều loại hàng hóa liên quan trực tiếp đến người dân không những không giảm mà tiếp tục tăng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống, trong khi tiền lương không tăng .
Kiềm chế giá: Vẫn phải làm quyết liệt
Trên thị trường thế giới, giá cả của nhiều loại hàng hóa vẫn liên tục "leo thang" gây sức ép rất lớn đối với thị trường Việt Nam. Đặc biệt, gần đây, giá vàng và giá dầu đã tăng ở mức kỷ lục.
Việc Mỹcắt giảm lãi suất đồng USD lần đầu tiên sau 4 năm xuống 0,5% đãtácđộngmạnhđếnthị trường vàng và dầu thô thế giới. Giá vàng giao kỳ hạn tại Niu - Y-oóc cuối phiên giao dịchngày 18-9đã tăng lên mức 735,5 USD/oz, mức cao nhất trong 27 năm qua ngay sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong khi đó, thị trường dầu mỏ thế giới cũng liên tục thiết lập các mức giá kỷ lục mới trước sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư. Giá dầu đã có lúc chạm mức 82,38 USD/thùng, là mức giá cao nhất kể từ khi thiết lập sàn giao dịch dầu mỏ Niu - Y-oóc. Với mức giá này, giá dầu đã tăng đến 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vàng và giá dầu thế giới tăng đã và đang tác động đến thị trường Việt Nam. Theo nhận định của một số chuyên gia, nếu không có các giải pháp quyết liệt kiềm chế giá thì mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của ta sẽ không trở thành hiện thực vì CPI thường tăng mạnh những tháng cuối năm, khi thị trường vào mùa lễ, Tết.
Tại buổi làm việc với Bộ Công thương ngày 20-9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cơ quan quản lý phải bảo đảm nguồn cung cho thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong những tháng còn lại của năm, các bộ: Tài chính, Công thương và Kế hoạch và Đầu tư phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ về tình hình giá cả trên thị trường, chống đầu cơ đẩy giá lên cao.
Để góp phần kiềm chế giá, mới đây, Bộ Công thương cũng đã có Chỉ thị yêu cầu các ban quản lý chợ hướng dẫn các hộ kinh doanh niêm yết giá rõ ràng và thực hiện bán đúng giá niêm yết trong các chợ, đặc biệt là tại các chợ đầu mối. Việc làm này nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng việc lên giá của một số mặt hàng để tăng giá bán. Chỉ thị của Bộ Công thương đã nêu rõ việc niêm yết phải rõ ràng, trung thực, không gây nhầm lẫn cho khách hàng và dễ quan sát. Các lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên kiểm tra tình hình niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Chỉ thị này có tác dụng ngăn chặn việc lợi dụng tình hình lên giá của một số mặt hàng để nâng giá bán các mặt hàng khác.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia về thị trường giá cả thì việc hình thành giá và quản lý giá phải theo đúng quy luật cung cầu. Để kiềm chế giá, cần phải chấn chỉnh việc nâng giá theo kiểu "té nước theo mưa". Các địa phương cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về các yếu tố hình thành giá đối với các sản phẩm thiết yếu. Đối với người tiêu dùng cũng cần phải tự bảo vệ lợi ích của chính mình bằng cách chọn mua các sản phẩm với giá cả phù hợp. Chúng ta đã có Pháp lệnh giá, Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng. Điều quan trọng là phải đưa các văn bản pháp luật này vào cuộc sống.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ