Dự án ngọt hóa Ba Lai là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long nhằm ngọt hóa vùng phía bắc tỉnh Bến Tre. Năm 2000, dự án khởi công và đến tháng 4-2002, cống đập Ba Lai - hạng mục đầu tiên của dự án hoàn thành và được đánh giá cao hiệu quả ban đầu. Thế nhưng, đến nay các hạng mục tiếp theo đã bị ngưng trệ với hàng loạt vướng mắc.
Cây đã cho quả ngọt...
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hệ thống thuỷ lợi bắc Bến Tre được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/CP-NN ngày 9-6-2000. Đây là công trình có tổng kinh phí đầu tư gần 900 tỉ đồng, gồm có 5 hạng mục chính: Cống đập Ba Lai, đê sông Tiền, nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai, hai âu thuyền và hệ thống cống dưới đê, hệ thống kênh cấp II và nội đồng phục vụ cho 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm, một phần Châu Thành và thị xã. Tháng 7-2000, hạng mục đầu tiên - cống đập Ba Lai (dài gần 600 mét, khẩu độ cống rộng 10 cửa, kinh phí đầu tư hơn 60 tỉ đồng) - nằm gần cuối dòng Ba Lai được đầu tư xây dựng. Tháng 4-2002, hạng mục này hoàn thành trong niềm vui chung của cả xứ dừa Bến Tre và được giới chuyên môn và người dân đánh giá cao hiệu quả bước đầu. Ông Huỳnh Kim Mười – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre - cho biết: “Tuy chỉ mới đầu tư chừng đó nhưng hiện đã bảo đảm ngăn mặn cho khoảng 40.000ha đất nông nghiệp của ba huyện: Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm. Đoạn sông Ba Lai từ cống Ba Lai đến kênh Giao Hòa trở thành hồ chứa nước ngọt trong mùa nước mặn xâm nhập vào nội đồng”.
Không chỉ cung cấp nước ngọt, trên dòng Ba Lai, từ khi được chặn dòng đã tạo điều kiện phát triển nhiều ngành nghề, mở hướng làm ăn mới cho người dân địa phương. Dựa vào mặt nước ven bờ trên sông Ba Lai, người dân đã phát triển phong trào nuôi cá nước ngọt. Chủ trang trại nuôi thủy sản Phan Thị Vân, ở ấp Bình Thành 3, xã Thạnh Trị, Bình Đại cho biết:
- Cho đến khi cống đập Ba Lai hoàn thành, khát khao nuôi thủy sản nước ngọt của bà con và gia đình tôi mới thành hiện thực. Đến nay, nhờ nguồn nước ngọt và mặt nước sông, tôi đã gây dựng trang trại, nuôi thành công nhiều loại cá nước ngọt và thả nuôi hàng nghìn con cá sấu thương phẩm.
Tại khu vực xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, nhiều tổ chức, cá nhân cũng xuất lứa cá tra hầm đầu tiên, thu lợi hàng tỉ đồng. “Đây là điều mà cách nay vài năm, trên vùng đất 6 tháng nước lợ, 6 tháng nước mặn chát này, người ta chỉ có mơ tới” - một kỹ sư của Sở Thủy sản Bến Tre bộc bạch với chúng tôi như vậy. Anh cho biết thêm, cũng nhờ nguồn nước ngọt dưới sông Ba Lai, tại Ba Tri, một hệ thống thủy lợi đang được đầu tư thi công. Theo đó, hệ thống này sẽ cấp nước ngọt nuôi trồng thủy sản cho khoảng 2.400ha đất nuôi trồng thủy sản. Tại Bình Đại, công trình Nhà máy cấp nước ngọt thô, phục vụ cho khoảng 3.500ha đất nuôi thủy sản (trong đó có 1.800ha đất nuôi tôm thâm canh), cũng đang sắp được khởi động.
Ngược dòng Ba Lai, chúng tôi đến thăm Nhà máy nước Ba Tri, công suất 3.880m3/ngày, tổng kinh phí đầu tư 18 tỉ đồng nằm ở xã Tân Mỹ (huyện Ba Tri). Nhà máy này đã đi vào hoạt động được 3 năm, phục vụ nước ngọt, sạch đạt tiêu chuẩn cho gần 8.000 hộ dân của 14 xã và một thị trấn của huyện Ba Tri. Theo ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết:
- Bến Tre là tỉnh cuối nguồn sông Mê Kông, giáp biển Đông nên mùa khô, nước mặn xâm thực sâu, chiếm 3/4 diện tích toàn tỉnh. Trước đây, riêng huyện Ba Tri, nguồn nước sông luôn bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm không có nên đời sống người dân luôn gặp khó khăn. Vào mùa khô, nước ngọt thiếu trầm trọng, người dân phải mua nước ngọt với giá lên tới 30.000 đồng/m3 để sinh hoạt. Hiện nay, dù mục tiêu ngọt hóa của dự án bắc Bến Tre chưa hoàn chỉnh nhưng sau khi cống đập Ba Lai hoàn thành, đã trữ ngọt, giảm mặn cho nhu cầu nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô. Năm 2007 này, Nhà máy nước phấn đấu nâng công suất phục vụ lên 83% nhu cầu thông qua việc lắp đặt mới đồng hồ nước cho khoảng 2.000 hộ dân...
Những khó khăn cần... gỡ
Hiệu quả của dự án Ba Lai được đánh giá rất cao, mặc dù chỉ mới hoàn thành hạng mục đầu tiên, đạt 10% tổng khối lượng dự án. Tuy nhiên, Dự án còn có hàng loạt khó khăn. Trong một cuộc họp bàn về thực hiện dự án Ba Lai, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết:
- Sau hạng mục cống đập Ba Lai, Dự án bắc Bến Tre còn có các hạng mục quan trọng khác chưa được xây dựng, gồm: Đập - âu thuyền sông Bến Tre và sông Giao Hòa; các cống tiếp nước Bến Rớ, Tân Phú; nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai; xây dựng hơn 50km đê gồm tả sông Hàm Luông và đê hữu sông Cửa Đại… Để dòng Ba Lai thật sự trở thành hồ nước ngọt với sức chứa 90 tỉ mét khối nước, phục vụ tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo 115.000ha đất tự nhiên, 88.500ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và phục vụ sinh hoạt cho hơn 2/3 dân số của xứ dừa Bến Tre, các hạng mục còn lại cần được đầu tư xây dựng một cách khẩn trương và đồng bộ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai đập – âu thuyền sông Bến Tre và sông Giao Hòa (cách cống đập Ba Lai về phía thượng nguồn khoảng 30km) được xem như hai cái “nút” ngăn không cho nước mặn từ hai dòng sông của hạ nguồn Mê Kông là Hàm Luông và Cửa Đại đổ vào. Do hai cái “nút” này và hệ thống đê chưa được xây dựng nên mỗi khi mùa khô đến, nước trên dòng Ba Lai bị nhiễm mặn hoàn toàn…
Cùng rơi vào hiện trạng trên, người dân nhiều vùng còn lại đang ngóng chờ dự án Ba Lai tiếp tục thực hiện để giúp ổn định sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy một thực tế hiện nay khiến cho dự án còn gặp nhiều khó khăn, đứng chân một chỗ là do thiếu nguồn vốn, các đơn vị liên quan chưa có quyết tâm và nỗ lực đồng bộ để thực hiện dự án.
Đầu năm 2007, lãnh đạo Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã có cuộc khảo sát dự án Ba Lai. Kết thúc khảo sát, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho chúng tôi biết:
- Nếu dự án thủy lợi Ba Lai hoàn thành, sẽ đạt được đa mục tiêu, đặc biệt là giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của nông nghiệp, nông dân và nông thôn của một vùng rộng lớn phía bắc tỉnh Bến Tre. Sau khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông hoàn thành, dự án này chắc chắn sẽ góp phần đưa xứ dừa Bến Tre vươn lên. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo của dự án (dự kiến kết thúc vào năm 2010, chậm nhất là vào năm 2012), các đơn vị liên quan cần lưu ý khi tiến hành lập thủ tục đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại, cần cân nhắc, ưu tiên hạng mục nào làm trước, hạng mục nào làm sau. Các hạng mục phải được xây dựng bảo đảm chất lượng và sớm hoàn tất, tránh kéo dài, gây lãng phí.
Địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của môi trường, dòng chảy, độ bồi lắng… trên dòng Ba Lai để có những kiến nghị phù hợp. Về phía Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bến Tre sẽ sớm có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành chức năng tiếp tục phân bổ nguồn vốn hợp lý để tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại của dự án, sớm biến điều mong ước của hàng triệu người dân xứ dừa Bến Tre thành hiện thực.
TRUNG KIÊN, THÁI BÌNH