QĐND Online - Sáng 11-4, tiếp tục trong phiên họp thứ 17, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật Việc làm. Đây là lần thứ 2 UBTVQH cho ý kiến về Dự án luật này trước khi trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình về Dự án Luật Việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Luật Việc làm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội về việc làm, bao gồm việc làm của người lao động có quan hệ lao động; việc làm của người lao động không có quan hệ lao động. Dự thảo Luật Việc làm đã được rút gọn xuống còn 7 Chương 61 Điều, so với lần cho ý kiến đầu tiên tại UBTVQH là 9 Chương 112 Điều. Luật việc làm quy định về 5 nhóm nội dung chính: Hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp. Luật áp dụng đối với 2 nhóm đối tượng, đó là: Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến việc làm.

Trong phần thảo luận, đa số các đại biểu trong UBTVQH nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Tuy nhiên, cò nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật Việc làm cần nói rõ hơn tính khả thi, tính thực tiễn về việc làm cũng như thị trường lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ngày 9-4-2013, tại Hà Nội. Ảnh minh họa/Nhan Sáng/TTXVN.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển cho rằng: Dự án luật này sẽ giải quyết các vấn đề về cuộc sống, việc làm cho người dân, mang ý nghĩa xã hội, chính trị. Do đó, phải thể hiện tính thực tiễn nảy sinh trong quá trình thực hiện, phải tính đến tính khả thi của Luật. Trong dự thảo, một số điều có tính khả thi không cao, cần cụ thể hơn những thông tin về thị trường lao động hoặc các tác động của chính sách, liên quan đến ngân sách cũng như những chính sách tiền tệ phải nghiên cứu kỹ.

Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, trong Chương 5 về dịch vụ việc làm có 2 loại, dịch vụ công và dịch vụ cho xã hội; hình thành những trung tâm dịch vụ và đâu là đơn vị dịch vụ công, vì vậy cần nói rõ mô hình tổ chức, quy mô như thế nào? Những trung tâm này có trùng với các trung tâm đào tạo, giới thiệu việc làm hay không và nguồn lực, ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động những trung tâm này cũng cần phải được làm rõ, tránh trùng lắp về nghiệp vụ.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo, tiếp thu nghiêm túc từng vấn đề mà UBTVQH đã kết luận trong phiên họp ngày 5-10-2012, nhiều nội dung được thay đổi; đối tượng đã được xác định rõ và có sự tương thích, thống nhất với những luật khác như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội… Quyền làm việc, quyền lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc đã bám sát vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Điều 5 trong dự thảo phải rà soát thêm để bớt những điều mang tính nghị quyết, sát với chính sách hơn. Ngoài ra, nên xem xét lại Khoản 3 tại Điều 4 về các nguyên tắc việc làm. Theo đó, mỗi người lao động đều được đảm bảo cơ hội việc làm, vậy Nhà nước có đảm bảo được không? Trong chính sách của Nhà nước về tạo việc làm, nên nghiên cứu thêm chính sách tạo việc làm bền vững, việc làm xanh, nhất là khi Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Luật Việc làm có ý nghĩa nhân văn về quyền con người cũng như ý nghĩa quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Tuy nhiên, dự thảo luật cần hạn chế những điều liên quan đến nghị quyết, cần cụ thể hóa những chủ trương của Đảng và thu hẹp lại phạm vi, đối tượng.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải thể hiện rõ tình hình việc làm hiện nay, các đối tượng trong khu vực doanh nghiệp và Nhà nước là khác nhau, do đó biện pháp giải quyết cũng khác nhau. Những vấn đề cần giải quyết khi người lao động đã có việc làm thì có thể hỗ trợ doanh nghiệp để giữ việc làm cho người lao động, khi người lao động mất việc làm thì hỗ trợ để người lao động có việc làm. Cần phải có chính sách hỗ trợ nhiều mặt để nhanh chóng đưa lao động nông thôn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ để giảm lao động nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể có việc làm bền vững nếu không qua đào tạo. Tuy nhiên, thực trạng chung hiện nay ở nước ta là lao động đã qua đào tạo hầu hết không làm được việc và phải đào tạo lại.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo cần phải thiết kế chính sách, biện pháp phù hợp với từng đối tượng lao động, thống nhất đồng bộ với các văn bản luật khác, để đảm bảo tính thực tiễn, khả thi của luật này. Đồng thời cân đối nguồn lực để thực hiện.

UBTVQH yêu cầu ban soạn thảo cần phải có những cập nhật tình hình lao động để thấy được yêu cầu và tính cấp thiết để ban hành luật này, gắn với chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay. Giao cho Ban soạn thảo, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục có những phiên họp thêm, xin ý kiến các chuyên gia, sau đó thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

MINH MẠNH