QĐND - Một quân đội chỉ dựa vào quân số đông, có thể sẽ không còn là phương thức phù hợp nhất giúp Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ các lợi ích của mình cũng như tự vệ trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Bài viết có nhan đề How Conscription Reform Will Change the Military (Tạm dịch: Rút ngắn thời hạn nghĩa vụ quân sự sẽ thay đổi quân đội thế nào?) của chuyên trang phân tích các vấn đề quốc tế Stratfor mới đây đã nhận xét như vậy khi bàn đến nguyên nhân Thổ Nhĩ Kỳ quyết định rút ngắn thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu nội dung chính của bài viết.
Quân số chủ yếu là lực lượng thực hiện nghĩa vụ
Ngày 21-10 vừa qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức bỏ phiếu thông qua đề xuất rút ngắn thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014 và quân số của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm đi một lượng đáng kể là khoảng 70.000 người. Rõ ràng, đây không phải là con số nhỏ mặc dù quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lớn thứ hai trong khối NATO với lực lượng 750.000 quân nhân. Toan tính về kinh tế và chính trị có thể là nguyên nhân khiến An-ca-ra quyết định như vậy, tuy nhiên, điều cốt yếu là động thái này phản ánh những thay đổi về địa chính trị mà giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ đã tự ý thức được.
Nghĩa vụ quân sự bắt buộc được quy định trong Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Quốc hội mới là cơ quan có quyền xác định cách thực hiện. Theo quy định hiện hành, thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc là 15 tháng đối với nam giới có đủ điều kiện sức khỏe và bắt đầu từ năm sau sẽ giảm xuống còn 12 tháng. Trong khi đó, trước năm 2003 thời gian phục vụ tối thiểu là 18 tháng. Tất nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Đối với nam thanh niên đang học đại học thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự ngắn hơn, trong khoảng từ 6 đến 12 tháng và nam giới trên 30 tuổi có thể đóng tiền để được “miễn”.
 |
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tuần hành trong dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng (30-8). Ảnh: AFP. |
Mặc dù có những ngoại lệ như vậy, nhưng quân số của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại chủ yếu là lực lượng thực hiện nghĩa vụ quân sự, với khoảng 500.000 binh lính. Với khoảng thời gian phục vụ trong quân đội ngắn như vậy, nhiều binh lính không có nhiều kinh nghiệm tác chiến, cho dù được trải qua các lớp huấn luyện tân binh cơ bản.
Cơ cấu tổ chức cũ trước mối đe dọa mới
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cơ cấu tổ chức kể trên là điều dễ hiểu khi Thổ Nhĩ Kỳ phải đối chọi với quân đội các nước được Liên Xô hậu thuẫn. Trong trường hợp cần thiết, việc huy động toàn bộ quân đội, kể cả những binh lính không được huấn luyện bài bản, chắc chắn có lợi thế riêng của nó. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi và các mối đe dọa chiến lược với An-ca-ra cũng vậy. Nếu như trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với khả năng xảy ra một cuộc tấn công trên bộ của Liên Xô, thì giờ đây chủ nghĩa khủng bố trong nước, lực lượng nổi dậy của người Cuốc và gần đây là các vấn đề biên giới với nước láng giềng Xy-ri đang chìm trong nội chiến, chính là những mối đe dọa mới. Cùng với lực lượng bán quân sự, một quân đội tinh gọn và tinh nhuệ hơn mới thực sự là giải pháp phù hợp để ứng phó trước những nguy cơ an ninh mới.
Tuy nhiên, việc rút ngắn thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị chi phối không phải chỉ bởi các mối đe dọa mới mà còn có cả nhân tố chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống vào năm 2014 và tổng tuyển cử vào năm 2015. Quyết định ngày 21-10 vừa qua nhiều khả năng sẽ giúp đảng Công lý và Phát triển cầm quyền “mua” thêm lá phiếu cử tri, nhất là từ bộ phận vẫn phản đối chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Bên cạnh đó, quá trình hiện đại hóa quân đội cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật quân sự đặt ra yêu cầu cần phải có đội ngũ quân nhân có đủ trình độ để đảm đương vận hành và sử dụng các trang thiết bị. Do đó, quân đội đang được cải cách theo hướng “3 hơn”: Tinh gọn hơn, tinh nhuệ hơn và “đắt đỏ” hơn dưới sự hỗ trợ của công nghệ đắt tiền. Xu hướng này chắc chắn còn tiếp tục trong tương lai ngắn hạn.
LÂM TOÀN (lược dịch)