QĐND - Tờ China Daily phiên bản tiếng Anh ngày 18-5 đưa tin, Pa-ki-xtan chuẩn bị trở thành nước thứ 5 tại châu Á sử dụng hệ thống vệ tinh dẫn đường "Bắc Đẩu" của Trung Quốc, vốn được phát triển để trở thành đối trọng với Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ. Cuộc chạy đua trong lĩnh vực GPS giữa các ông lớn đang hứa hẹn nóng bỏng hơn bao giờ hết, sau khi Mỹ quyết tâm nâng cấp hệ thống và EU quyết không kém cạnh...
“Tham vọng” Bắc Đẩu của Bắc Kinh
Trả lời phỏng vấn của báo trên, Giám đốc thương mại quốc tế của BDStar Navigation (công ty quảng bá hệ thống Bắc Đẩu), ông Hoàng Lỗi (Huang Lei) cho biết, công ty sẽ xây dựng mạng lưới các trạm ở Pa-ki-xtan để tăng cường khả năng định vị chính xác của Bắc Đẩu. Theo ông, chi phí xây dựng mạng lưới này sẽ tốn hàng chục triệu USD.
Trung Quốc chính thức khai trương dịch vụ cung cấp liên lạc viễn thông và định vị bằng vệ tinh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TBD) mang tên Bắc Đẩu 2 (còn gọi là COMPASS), nhưng hay được gọi tắt là Bắc Đẩu, vào ngày 27-12 năm ngoái. Đây là hệ thống định vị hoạt động giống như GPS của Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ mới đưa 16 vệ tinh thuộc Bắc Đẩu lên quỹ đạo nên tầm hoạt động giới hạn trong khu vực châu Á - TBD. Dự kiến, Trung Quốc sẽ mở rộng tầm phủ sóng toàn cầu vào năm 2020, khi số vệ tinh đạt mức 35 cái. Hệ thống này đang phủ sóng từ Nga đến Ô-xtrây-li-a, từ một phần Thái Bình Dương đến Tân Cương.
Theo China Daily, Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Bru-nây đã sử dụng hệ thống trên. Cũng theo tờ này, Bắc Đẩu tương thích với hệ thống định vị GPS của Mỹ, Galileo của EU và GLONASS của Nga. Nó có thể xác định vị trí người dùng chính xác trong phạm vi 10m, đo tốc độ từ 0,2m/giây trở lên và cung cấp tín hiệu đồng bộ về thời gian với sai số trong vòng 2 phần trăm triệu giây.
 |
Mô hình hệ thống định vị Bắc Đẩu trong một cuộc triển lãm ở Trung Quốc. Ảnh: china.org.cn. |
Hiện Trung Quốc đang đầu tư 810 triệu USD vào việc phát triển Bắc Đẩu. Ngân sách này sẽ được sử dụng để xây dựng một khu công nghiệp có 30-50 công ty tập trung phát triển một hệ sinh thái cho hệ thống Bắc Đẩu. Đặt trụ sở tại Thiên Tân, khu công nghiệp này được dự kiến sẽ chào đón 20 công ty đầu tiên vào tháng 6-2013.
Bước đi trên đánh dấu sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một thế lực không gian độc lập, thách thức địa vị đứng đầu của Mỹ, Nga, châu Âu và Nhật Bản. Bắc Kinh ước tính thị trường dịch vụ về giao thông, thời tiết và viễn thông của Bắc Đẩu có thể trị giá đến 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 32 tỷ USD) vào năm 2015. Tuy nhiên, điều gây chú ý nhất không phải là khả năng của hệ thống trên, mà là mục tiêu thúc đẩy triển khai hệ thống độc lập, không dựa vào các dịch vụ của phương Tây. Theo giới phân tích, Trung Quốc quyết định xây dựng Bắc Đẩu để đề phòng trường hợp bị từ chối cung cấp dịch vụ GPS khi xảy ra xung đột quân sự. Trên thực tế, tầm hoạt động được khuếch trương của Bắc Đẩu cũng phản ánh việc Trung Quốc gia tăng số vệ tinh phục vụ mục đích quốc phòng. Chúng được dùng cho công tác thu thập tình báo, giám sát, do thám và liên lạc.
Bùng nổ GPS
Hiện các hệ thống GPS đã lan tỏa gần như vào mọi ngóc ngách trong đời sống, được ứng dụng rộng rãi trong giao thông, cứu trợ thiên tai… Về quân sự, nó giúp theo dõi, xác định vị trí mục tiêu và dẫn đường cho máy bay cũng như các loại tên lửa hành trình.
Mỹ là một trong những nước đi đầu về công nghệ này. Kể từ khi vệ tinh GPS đầu tiên của Mỹ được phóng lên quỹ đạo vào năm 1978, phải mất 16 năm sau, nước này mới hoàn chỉnh đủ 24 vệ tinh để bao phủ toàn bộ bầu trời. Đến nay, dịch vụ GPS của Mỹ vẫn được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.
Sau nhiều năm “dùng ké” Mỹ, EU cũng quyết định phát triển hệ thống riêng, được đặt tên theo nhà thiên văn học người Ý Galileo Galilei và vệ tinh thử nghiệm đầu tiên đã được phóng lên vào năm 2005. Với tổng chi phí khoảng 1,5 tỷ ơ-rô, hiện toàn bộ 30 vệ tinh của hệ thống này đang được triển khai vào các vị trí trên quỹ đạo, theo website insidegnss.com. Dự kiến, hệ thống Galileo sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ từ năm 2014.
Cùng với động thái của EU, việc Trung Quốc gia nhập đường đua trong lĩnh vực GPS khiến ngôi vị dẫn đầu của Mỹ bị đe dọa. Trang web defensenews.com của Mỹ hồi đầu tháng 5 đưa tin các chuyên gia quân sự Pa-ki-xtan ưa thích hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc vì “không tin tưởng vào hiệu quả hệ thống GPS của Mỹ trong một cuộc xung đột có dấu hiệu của leo thang hạt nhân".
Chính vì thế, Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho đợt nâng cấp hệ thống GPS. Sau hơn 3 thập niên thống lĩnh với 30 vệ tinh có khả năng lan tỏa trên toàn cầu, Bộ tư lệnh Không gian Mỹ đang xúc tiến kế hoạch triển khai hệ thống định vị thế hệ kế tiếp mạnh mẽ và chính xác hơn. Theo Fox News, các vệ tinh mới tên Block III do Lockheed Martin chế tạo được đánh giá sẽ cải thiện hiệu quả của các thiết bị nhận tín hiệu GPS dân sự lẫn quân sự trong vòng 90cm thay vì đến 3m như hiện nay. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch mua khoảng 32 chiếc Block III và toàn bộ chi phí sẽ lên đến 5,5 tỷ USD. Dự kiến, các vệ tinh Block III sẽ bắt đầu thay thế các vệ tinh cũ vào năm 2014. Và Lầu Năm Góc phải đợi đến năm 2018 hoặc 2020 nếu muốn khai thác toàn bộ công suất của hệ thống mới cho các hoạt động quân sự.
Trong bối cảnh đó, một số nước khác trong khu vực không thể nào đứng yên. Ấn Độ đã lên kế hoạch phát triển hệ thống vệ tinh định vị khu vực (viết tắt IRNSS) gồm 7 vệ tinh chủ lực sẽ hoạt động vào cuối năm 2014. Nhật Bản cũng trình làng hệ thống định vị riêng trong lúc vẫn tận dụng công nghệ hiện có của Mỹ và EU.
Dù vậy, các chuyên gia quân sự nhận định cuộc đua GPS chỉ thực sự “nóng” giữa hai đối thủ truyền kỳ là Mỹ và Trung Quốc với những mục đích riêng của mỗi bên.
Báo Mỹ Wall Street Journal dẫn lời một số chuyên gia quân sự phương Tây khẳng định, hệ thống Bắc Đẩu sẽ giúp quân đội Trung Quốc dò tìm, phát hiện và tấn công tàu chiến Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tình huống xung đột nổ ra. “Việc đưa một hệ thống định vị toàn cầu độc lập sẽ cung cấp cho Trung Quốc một lợi thế chiến lược quân sự đáng kể trong trường hợp nếu có những tình huống thù nghịch xảy ra trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đáng chú ý nhất là một lợi thế như vậy có thể hữu ích trong việc chống lại lực lượng hải quân nước ngoài và đặc biệt chống lại hải quân Mỹ", trang web defense policy bình luận.
Trong khi đó, Japan Times dẫn lời chuyên gia Ma-thiu Đơ-nin (Matthew Durnin) thuộc Viện An ninh thế giới có trụ sở tại Bắc Kinh cho hay Trung Quốc, từ năm 1999 đến nay, phóng hơn 30 vệ tinh có thể dùng để do thám. Đến giữa năm 2012, khoảng 17 vệ tinh vẫn còn hoạt động và chưa kể những vệ tinh được bổ sung sau đó. Về phía Mỹ, ông Đơ-nin ước tính Oa-sinh-tơn có từ 12 đến 15 vệ tinh do thám trên quỹ đạo. Theo giới quan sát, với thực tế trên, nếu xung đột giữa hai cường quốc vệ tinh này nổ ra thì không gian quanh Trái Đất sẽ trở thành chiến trường mới.
Ngoài Bắc Đẩu đang được triển khai với hy vọng thay thế được GPS của Mỹ, hiện nay, Nga đang tăng cường phát triển hệ thống GLONASS cho mục tiêu dân sự lẫn quân sự với 23 vệ tinh được đưa vào quỹ đạo. EU đang nỗ lực triển khai hệ thống Galileo trong khi nhà thầu quân sự Anh BAE Systems cho hay đang nghiên cứu hệ thống định vị Navsop. |
NGỌC HÀ