QĐND- Ngày 14-12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 1 pháp lệnh, 9 luật và 3 nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20-10-2012 vừa qua, thì 9 luật gồm: Luật Xuất bản; Luật Hợp tác xã; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; và 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đều được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư.

Thêm gần 20.000 trường hợp được truy tặng, xét tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"

Tại buổi họp báo, đề cập đến sự cần thiết ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Đại tá Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho biết: Sau gần 18 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (bắt đầu thực hiện năm 1994), đã có 49.609 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tuy nhiên, Pháp lệnh năm 1994, chủ yếu mới xem xét áp dụng cho các bà mẹ có 3 con là liệt sĩ trở lên; hoặc có 2 con và chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; hoặc chỉ có 1 con hoặc 2 con nhưng đều là liệt sĩ. Còn những bà mẹ có nhiều cống hiến hy sinh, nhưng chưa được tôn vinh… “Việc ban hành Pháp lệnh (sửa đổi) có ý nghĩa to lớn nhằm tiếp tục khẳng định công lao và tôn vinh những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; đáp ứng mong mỏi của quần chúng nhân dân; thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” - Đại tá Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (sửa đổi, bổ sung) gồm 3 điều. Trong đó, đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” gồm 5 nhóm: Nhóm đối tượng có 2 con trở lên là liệt sĩ; nhóm đối tượng chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; nhóm đối tượng chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; nhóm đối tượng có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; nhóm đối tượng có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Pháp lệnh cũng quy định rõ, người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng huy hiệu, bằng danh hiệu và hưởng các chế độ ưu đãi như sau: Được tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng; được hưởng khoản tiền một lần và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần, được tổ chức lễ tang trang trọng. Kinh phí tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng, tổ chức lễ tang do Nhà nước bảo đảm.

Theo Đại tá Trần Văn Minh, quy chiếu với 5 nhóm đối tượng trên, qua khảo sát ban đầu, sẽ có thêm gần 20.000 trường hợp được truy tặng, xét tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", trong đó có 6.800 bà mẹ còn sống (chiếm khoảng 34%). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Dự kiến cuối tháng 12-2012, Chính phủ xem xét, quyết định ban hành.

Tạo lập khung pháp lý mới trong thực hiện phòng, chống tham nhũng

Trong số 9 luật vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thủ đô thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Theo đại diện Thanh tra Chính phủ, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua sơ kết 5 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập… Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng có bổ sung thêm 9 điều mới; sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 1 điều.

Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung trước hết liên quan đến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã bỏ cụm từ “Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” tại khoản 4, Điều 55 và bãi bỏ Điều 73 của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. Như vậy, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.

Một trong những điểm mới trong Luật là quy định cụ thể những điều khoản về sự công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đáng chú ý, Luật đã bổ sung “danh mục các dự án chỉ định thầu, lý do chỉ định thầu, thông tin về nhà thầu được chỉ định; danh mục các dự án đấu thầu hạn chế” vào nội dung quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 13 về công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2013.

 

Từ ngày 1-7-2013, Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực thi hành

 

Liên quan đến Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, luật này gồm 4 chương với 27 điều. Các nội dung luật đã đề cập toàn diện các lĩnh vực như: Quy hoạch và kiến trúc; Bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ; Quản lý và bảo vệ môi trường; Quản lý đất đai; Phát triển và quản lý nhà ở; Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Phát triển, quản lý giao thong vận tải; Quản lý dân cư; Bảo vệ Thủ đô và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; Chính sách, cơ chế về tài chính; Trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

Đáng chú ý, nội dung về phát triển và quản lý nhà ở đã được quy định rõ trong Điều 16 của luật. Theo đó, trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới ở Thủ đô, phải dành tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở cao hơn so với quy định chung của cả nước để phát triển nhà ở xã hội. Các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp được cải tạo, xây dựng lại nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, luật cũng quy định tiêu chí nhằm điều hòa số lượng dân cư tại các khu chung cư cũ sau khi được cải tạo là phải bảo đảm mật độ dân cư theo quy hoạch,

Tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh ở nội thành trong những năm gần đây là một trong những vấn đề nan giải nhất của Thủ đô do cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện nay không thể đáp ứng được. Nhằm tháo gỡ phần khó khăn này, Luật Thủ đô đưa ra một số quy định về đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật Cư trú. Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 19 cũng quy định các biện pháp về kinh tế -kỹ thuật bên cạnh biện pháp hành chính nhằm giảm tải việc tập trung dân cư quá đông trong nội thành. Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan hữu quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Luật Thủ đô trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành. Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.

49 người thuộc diện được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm       

Ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn với tỷ lệ cao (95,18%).

Theo ông Ngô Tử Nam, Phó trưởng ban Công tác đại biểu của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết quy định về 2 hình thức lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là 2 hình thức có mối liên quan chặt chẽ, mật thiết với nhau. Đối tượng lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được quy định rõ trong Nghị quyết. Theo đó, đối với Quốc hội, tổng số người lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là 49 người gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Đối với Hội đồng nhân dân, số người lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tùy theo từng cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã, gồm: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch ủy ban nhân dân, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân, các thành viên khác của ủy ban nhân dân.

Theo Nghị quyết, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ hằng năm, đồng thời để bảo đảm thời gian cần thiết cho việc thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý của người giữ chức vụ, đánh giá một cách toàn diện kết quả công tác, trong mỗi nhiệm kỳ, việc lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013. Việc bỏ phiếu tín nhiệm không được tiến hành thường xuyên mà phải có căn cứ, 2 trong số các căn cứ dựa trên kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Ông Ngô Tử Nam cho hay, Nghị quyết quy định 3 mức độ tín nhiệm là: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Việc quy định 3 mức tín nhiệm này là phù hợp, đảm bảo đánh giá một cách toàn diện, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2013.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Hiến pháp mới trong 3 tháng       

Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 8 điều, quy định về mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian lấy ý kiến nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Nghị quyết xác định, thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.

 

LÊ THIẾT HÙNG