QĐND Online - Đến nay, Việt Nam đã trải qua hơn bốn năm liên tục đối diện với bất ổn vĩ mô. Bối cảnh bất lợi của nền kinh tế toàn cầu cũng như những khó khăn trong nội bộ nền kinh tế đã làm bộc lộ những khiếm khuyết về mô hình tăng trưởng và cấu trúc kinh tế của Việt Nam. Nhiều nghiên cứu và thảo luận chính sách trong thời gian qua đã chỉ ra mối quan hệ qua lại giữa tình trạng bất ổn vĩ mô với cấu trúc kém hiệu quả của nền kinh tế…

Nguyên nhân bất ổn của nền kinh tế

Thực trạng kinh tế Việt Nam đang đặt ra một thách thức lớn, đó là kiên trì ổn định vĩ mô để mở rộng không gian chính sách và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đồng thời khởi động các chương trình cải cách cơ cấu hữu hiệu nhằm nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi giới nghiên cứu và hoạch định chính sách phải tư duy một cách nghiêm túc và sâu sắc về việc định hình một khuôn khổ chính sách vĩ mô cho phép Việt Nam đạt được môi trường ổn định đi liền với tăng trưởng kinh tế cao trong trung và dài hạn.

Trước khi có các chính sách đúng, cần hiểu rõ nguyên nhân của thực trạng kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua. Nhiều người cho rằng, đó là do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những yếu tố bên ngoài. Cũng có nhà nghiên cứu nói, vì chính sách tiền tệ chưa thật đúng đắn vào năm 2007 đã kích hoạt sự bất ổn. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu trong buổi tọa đàm đối thoại chính sách “Hướng tới một khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong trung và dài hạn” do VEPR tổ chức dưới sự hỗ trợ của Bộ Phát triển Hải ngoại Vương Quốc Anh (DFID) thì khủng hoảng toàn cầu và những yếu tố bên ngoài chỉ có tác động một phần. Cùng với đó, ý kiến chính sách tiền tệ chưa tốt vào năm 2007 đã kích hoạt sự bất ổn cũng cho thấy chưa có cơ sở vững chắc. Vì, nếu chính sách sai năm 2007 sao lại kéo dài đến tận bây giờ khi chúng ta có nhiều điều kiện và thời gian để sửa đổi.

TS Nguyễn Đức Thành phát biểu tại buổi tọa đàm

Theo TS Nguyễn Đức Thành, phân tích ở mức độ sâu hơn cho thấy, thực trạng kinh tế Việt Nam bắt nguồn từ sự mất cân đối vĩ mô dai dẳng, giữa tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư luôn có khoảng cách lớn. Theo một nghiên cứu cho thấy, khoảng cách tiết kiệm và đầu tư (trong giai đoạn 2005-2010) luôn chiếm tới hơn 10% GDP, thậm chí có năm gần 20% GDP. Đầu tư luôn nhiều hơn tiết kiệm kéo dài đã dẫn đến những bất ổn và khó khăn cho nền kinh tế.

Chứng minh cho vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thành chỉ ra, mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta thời gian qua là dựa trên mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, chất lượng đầu tư lại ngày càng giảm, năng suất của nền kinh tế không được cải thiện. Việc này dẫn đến vòng luẩn quẩn, để tăng trưởng thì ngày càng phải mở rộng đầu tư.

Theo kết quả nghiên cứu của TS Vũ Thành Tự Anh, tỷ lệ doanh số trên GDP của 10 tập đoàn kinh tế lớn nhất ở Việt Nam vào loại lớn nhất thế giới, chiếm tới 37,3% GDP. Trong khi đó mức độ phân tán của các tập đoàn nhà nước của Việt Nam cũng lại là nước đứng đầu. Điều này cho thấy tỷ trọng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn rất lớn trong khi đó lại đầu tư rộng. Đây chính là thực trạng của đầu tư nhiều, đầu tư dàn trải, DNNN lấn án khu vự doanh nghiệp tư nhân.

Cần những giải pháp thiết thực

Trong buổi tọa đàm, nhóm nghiên cứu của VERP đã đưa ra giải pháp cho cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và cải cách khu vực DNNN. Về chính sách tiền tệ, nhóm nghiên cứu đề xuất, cần đưa dần về một vùng lạm phát, ổn định trong trung hạn (10 năm) 4-6%/năm và để làm được việc này đòi hỏi sự thiết kế về thể chế chứ không phải chỉ là mong muốn và công cụ chính sách; sử dụng các công cụ để giảm mức linh hoạt của dòng vốn gián tiếp. Với chính sách tài khóa, không nên coi chi tiêu Chính phủ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nên định hướng giảm quy mô chi tiêu Chính phủ về mức 20% GDP; nhanh chóng thu hẹp thâm hụt ngân sách nhằm tránh sự gia tăng nhanh của nợ công và những rủi ro đi kèm; giảm dần gánh nặng thuế khóa cho doanh nghiệp và người dân, tăng thu ngân sách thông qua nâng cao tỷ lệ tuân thủ và cơ sở đánh thuế hơn là nâng thuế suất và đánh thuế chồng lên thuế. Với cải cách DNNN, TS Nguyễn Đức Thành đề xuất cần xác định vai trò của DNNN từ “chủ đạo” sang “hỗ trợ” trong nền kinh tế. Đặc biệt là cần thu gọn lại DNNN và tập trung vào một số lĩnh vực nhất định để có thể quản lý và hoạt động hiệu quả.

Tham gia hội thảo, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia Trương Đình Tuyển nhấn mạnh đến việc đầu tư còn kém hiệu quả với DNNN. Một tiêu chí quan trọng và cần được làm tốt với DNNN đó là hỗ trợ và phát triển DN tư nhân chứ không phải là chèn lấn DN tư nhân.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chủ trương chính sách của chúng ta hiện nay đã có tuy nhiên việc thực thi nó như thế nào cho hiệu quả còn chưa được làm tốt. Thực tế cho thấy có chủ trương, chính sách ở mức khá nhưng việc thực thi tốt lại cho kết quả tích cực hơn nhiều với việc có chủ trương chính sách tốt mà thực thi không tốt.

Bài và ảnh: Xuân Dũng