QĐND - Báo QĐND vừa đăng loạt bài “Chăm lo đời sống công nhân: Nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ”, phản ánh những khó khăn trong đời sống công nhân và hoạt động công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Để có đánh giá khách quan về thực trạng này, chúng tôi đã có cuộc đối thoại với Tiến sĩ Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Chính sách-Pháp luật.
 |
Tiến sĩ Đặng Quang Điều.
|
- Xin đồng chí cho biết quan điểm của mình về những vấn đề Báo QĐND đề cập trong loạt bài “Chăm lo đời sống công nhân: Nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ”?
- Tôi và nhiều đồng chí cán bộ Tổng Liên đoàn Lao động đánh giá rất cao loạt bài của Báo QĐND. Các bài viết đó đã nêu được nhiều vấn đề “nóng”, phân tích, lý giải và kiến nghị những giải pháp hợp lý, thuyết phục, giúp công chúng và các cơ quan chức năng hiểu đúng thực trạng những khó khăn, bất cập trong bảo đảm đời sống công nhân và hoạt động công đoàn ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
- Bạn đọc mong đồng chí cung cấp thêm những vấn đề “nóng” trong đời sống công nhân mà Viện Công nhân và Công đoàn vừa tiến hành khảo sát, điều tra?
- Tháng 4 vừa qua, Viện Công nhân và Công đoàn đã tiến hành khảo sát, điều tra về đời sống công nhân và hoạt động công đoàn trên phạm vi cả nước. Ngoài những vấn đề “nóng” đã được Báo QĐND phản ánh thì “bức tranh” đời sống công nhân các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn một số “mảng tối” nữa, như: Nhiều nơi chi tiền ăn ca cho công nhân quá thấp, thậm chí có doanh nghiệp chỉ cho 7000-8000 đồng/bữa và mua thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh, không đủ dinh dưỡng cho công nhân tái tạo sức lao động. Không ít doanh nghiệp bắt người lao động (NLĐ) làm thêm giờ quá thời gian quy định, khống chế thời gian đi vệ sinh rất khắt khe. Đặc biệt, vào mùa hè công nhân phải thuê nhà ở rất chật chội, nóng bức. Rồi tình trạng thiếu nhà trẻ, trường tiểu học cho con công nhân là vấn đề rất bức xúc… Nhìn chung địa phương nào cũng thế!
- Chúng ta cần làm gì để giải quyết những khó khăn trong đời sống công nhân mà Báo QĐND đề cập và đồng chí vừa nêu?
- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước làm ăn kiểu “chụp giật”, không quan tâm chăm lo cho NLĐ nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Vì vậy đã đến lúc cần phải luật hóa một số nội dung nhằm bắt buộc người sử dụng lao động phải quan tâm chăm lo cho công nhân. Ví dụ như cần quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo đảm chỗ ở, nhà trẻ hoặc hỗ trợ khoản này cho công nhân; phải bảo đảm tiền ăn ca cho NLĐ ít nhất bằng 1% mức lương tối thiểu vùng/bữa… Nếu không đưa vào luật sẽ rất khó thực hiện. Tóm lại, để chăm lo đời sống công nhân, cần tháo gỡ từ cơ chế, chính sách.
- Theo đồng chí, để đời sống công nhân các doanh nghiệp ngoài nhà nước bớt khó khăn thì quan trọng nhất là phải làm gì?
- Tôi nghĩ, quan trọng nhất là phải giải quyết cho được vấn đề tiền lương. Lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng trên 60% nhu cầu tối thiểu của NLĐ, không đủ trang trải cuộc sống, không đủ tái tạo sức lao động cho chính NLĐ, nói gì đến việc tích lũy, nuôi con học hành và phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần! Khi còn làm Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng cần tăng lương tối thiểu đủ bảo đảm mức sống tối thiểu cho NLĐ. Nhưng một số ý kiến lo ngại tăng lương như vậy sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên theo tôi thì không hẳn thế, vì thực tế có khá nhiều doanh nghiệp giả lỗ, cố tình “kêu ca” chứ không phải quá khó khăn.
Cùng với điều chỉnh lương tối thiểu, cần có cơ chế bảo đảm cho công đoàn cơ sở phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nhất là tiến hành thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể để chủ doanh nghiệp trả mức lương cao hơn, tăng phúc lợi cho NLĐ.
- Nhiều người cho rằng, vai trò của công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước mờ nhạt, không bảo vệ được quyền lợi của công nhân. Đồng chí nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Đúng là khá nhiều cán bộ công đoàn cơ sở ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động mờ nhạt, ngại va chạm với người sử dụng lao động, sợ bị trù dập, ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân nên không quyết liệt bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và không chủ động đề xuất những chế độ, chính sách cho NLĐ.
- Theo đồng chí, có nên bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở những doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 500 công nhân trở lên?
- Việc này rất cần thiết. Nếu bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương ở những doanh nghiệp có 500 lao động trở lên sẽ tăng tính độc lập của cán bộ công đoàn, giảm phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động. Đây là yếu tố quan trọng để công đoàn cơ sở hoạt động tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công đoàn dám đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
- Bộ Chính trị đang chỉ đạo các tổ chức Đảng sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đại hội Công đoàn toàn quốc cũng sắp diễn ra. Đồng chí có kiến nghị gì không?
- Nghị quyết số 20 của Trung ương đã đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm chăm lo cho công nhân lao động với mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh để có thể làm chủ bản thân, làm chủ máy móc, thiết bị, công nghệ, làm chủ đất nước. Tuy nhiên, 5 năm đã trôi qua nhưng kết quả khảo sát cho thấy nghị quyết này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan đến giai cấp công nhân vẫn tồn tại. Vì vậy, tôi rất mong Trung ương chỉ đạo quyết liệt hơn, quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu nghị quyết đã đề ra.
- Xin cảm ơn đồng chí!
“Nếu không tăng mức lương tối thiểu đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu thì NLĐ vừa khó khăn trước mắt, vừa rất thiệt thòi khi nghỉ hưu, vì lương hưu quá thấp. Đây là bất cập lớn, gây hậu quả lâu dài cho xã hội, bởi khi đời sống người nghỉ hưu khó khăn thì Nhà nước lại phải oằn lưng giải quyết” - Tiến sĩ Đặng Quang Điều.
|
HUY QUANG (thực hiện)