58 nghìn đồng/chỉ là con số biên độ dao động của giá vàng Việt Nam trong khoảng 72 giờ đồng hồ qua. Giá vàng đã liên tục lên xuống qua từng giờ khiến cho rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân quan tâm, lo lắng. Đã đến lúc chúng ta phải tăng “sức đề kháng” của thị trường “kim loại” đắt giá này.

Thị trường chưa đủ mạnh!

Trong 3 ngày qua tại một loạt cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên các con phố nổi tiếng như Hà Trung, Hàng Bông hay phố Huế hoặc tại các cửa hàng lớn như PNJ, Bảo Tín- Minh Châu, Chi nhánh vàng bạc, đá quý Hà Nội… lượng người đến giao dịch tăng lên rất nhiều. Nhiều người đến để mua, bán nhưng cũng không ít người đến chỉ để xem, tham khảo hay kiểm tra giá vàng đã ở mức nào.

Giá vàng liên tục tăng cao trong khi đồng USD và nội tệ lại trượt giá, thị trường chứng khoán và bất động sản thì có tỷ lệ rủi ro cao hơn nên nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ đã chuyển sang dùng vàng cho việc tích trữ tài sản cá nhân. Trên thực tế trong những năm qua, giá vàng đã tăng tới vài trăm phần trăm gây ảnh hưởng không ít tới các chính sách tài chính và hoạt động của nhiều đơn vị, cá nhân. Việc giá vàng tăng, giảm phụ thuộc chính vào giá của thế giới, tuy nhiên cũng nhận thấy một điều rõ ràng rằng nội lực của thị trường vàng trong nước không đủ mạnh và còn nhiều điểm yếu.

Người dân náo nức đổ đến “khu phố vàng bạc” Hà Trung, Hà Nội

Ông Nguyễn Thế Lựu, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Chi nhánh vàng bạc, đá quý Hà Nội cho biết: “Giá vàng trong tuần qua liên tục tăng nhưng giá trong nước vẫn luôn thấp hơn giá thế giới trên dưới 10 nghìn đồng/chỉ, có lúc có thể cao hơn. Giá vàng trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến của giá vàng thế giới. Trong đó giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng của diễn biến kinh tế, chính trị của một số quốc gia lớn, giá trị đồng USD và giá dầu mỏ...”. Sự biến động của giá vàng thế giới và những nhân tố bên ngoài có thể tác động dễ dàng đối với thị trường vàng nước ta. Phần lớn lượng vàng giao dịch trên thị trường của Việt Nam là vàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi năm nước ta có thể nhập tới ngót trăm tấn vàng nhưng lượng xuất ra không đáng kể. Vì vậy lũy tích tăng dần của vàng sẽ lưu chuyển chủ yếu trong dân mà không thể bù đắp lại dòng tiền hàng trăm triệu USD chảy ra nước ngoài để nhập khẩu vàng. Lượng vàng các doanh nghiệp có thể chủ động được tung ra điều chỉnh thị trường là không nhiều. Hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty lớn như PNJ, SJC là có kho ngoại quan để dự trữ vàng. Các kho này giúp doanh nghiệp chủ động về nguồn và giảm đáng kể chi phí trong nhập khẩu, vận chuyển và lưu giữ vàng. Khi xảy ra bất ổn, các doanh nghiệp này cần có trách nhiệm đưa lượng vàng đó ra để ổn định thị trường. Hiệp hội Vàng Việt Nam cũng đã từng có ý tưởng đề xuất thành lập Ngân hàng vàng để làm liều thuốc tăng lực mỗi khi thị trường “trở trời”. Một lý do nữa là chúng ta chưa có quy chế kinh doanh vàng trên tài khoản, vì vậy việc giao dịch “vàng vật chất” phải phụ thuộc vào lượng vàng, tiền thực tế. Theo nhiều chuyên gia thì nếu kinh doanh vàng theo tài khoản quy ước thì có thể tăng lợi nhuận gấp 3 và giảm chi phí thực nhiều lần.

Xuất khẩu vàng góp phần ổn định thị trường trong nước?

Theo những nguồn tin từ Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam thì mỗi năm chúng ta nhập khẩu vàng cốm, thoi, hạt, miếng… từ nước ngoài khoảng 70 – 80 tấn. Nhưng trên thực tế lượng vàng xuất đi không đáng kể, chủ yếu là vàng đã chế tác, đồ trang sức. Điều này tạo ra sự mất cân đối trong cán cân xuất-nhập vàng, đồng nghĩa với việc hàng năm chúng ta phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập khẩu vàng.

Lượng vàng nhập khẩu hàng năm sau đó thường được chế tác thành đồ trang sức hoặc tồn đọng trong dân dưới hình thức “của để dành” và có thể lên tới hàng trăm tấn nhưng gần như không sinh lãi đáng kể. Mỗi năm nước ta xuất khẩu vàng có giá trị khoảng hơn 100 triệu USD, con số này năm 2006 ở Thái Lan là hơn 2 tỉ USD, Trung Quốc là khoảng 1 tỉ USD. Có những thời điểm giá vàng trong nước có thể thấp hơn giá thế giới đến 40-50 nghìn đồng/chỉ, việc xuất khẩu hoàn toàn có thể mang lại hiệu quả. Hơn nữa nếu tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp vàng trong nước xuất khẩu vàng đã chế tác như đồ trang sức, mỹ nghệ cũng là một phương án thu lợi ích kinh tế cao. Năm 2007 Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ đã đi tiên phong trong việc ký hợp đồng với hai hãng chế tác kim hoàn hàng đầu của Mỹ là Zalermark và DC & D. Phía công ty Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ về trang thiết bị máy móc, các chuyên gia giàu kinh nghiệm để hướng dẫn thợ kim hoàn Việt Nam chế tác các sản phẩm cao cấp, tinh xảo mà trong nước chưa làm được. Ngược lại PNJ sẽ nhận gia công và xuất khẩu vàng trang sức cho phía bạn. Doanh thu dự kiến có thể đạt 20 triệu USD/năm. Theo nhiều chuyên gia chúng ta sẽ có một nguồn thu ngoại tệ không nhỏ bảo đảm cân đối số tiền nhập vàng về nước, góp phần ổn định thị trường vàng và nâng tầm của các doanh nghiệp vàng, mỹ nghệ trong nước. Hơn nữa xuất khẩu vàng sẽ giúp giải quyết lượng vàng tồn dư trong dân không mấy hiệu quả, tạo nguồn vốn khả dụng cho các ngân hàng khi nhận gửi vàng, bảo đảm cân đối lãi suất tiền gửi, giữ ổn định giá trị đồng nội tệ và điều hòa mối quan hệ giữa giá vàng với thị trường chứng khoán và bất động sản.

Để làm được điều đó Nhà nước cần từng bước tháo gỡ các rào cản thương mại, thủ tục rườm rà cho các doanh nghiệp chủ động phát huy thế mạnh, tìm kiếm cơ hội, tạo dựng tiềm lực cho thị trường vàng trong nước có chỗ đứng vững chắc đối với thế giới.

Bài và ảnh: TRƯỜNG GIANG