QĐND Online – Việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong Quốc hội…

Dự thảo Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời, khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con...

Đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi)

Có nhiều ý kiến đồng ý với quy định như dự thảo Luật, vì hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề trên đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này và là cơ sở pháp lý giải quyết hậu quả trên thực tế đối với tình trạng chung sống của một bộ phận người cùng giới tính. 

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính và thấy rằng: Đến thời điểm này trong xã hội vẫn đang còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này, cơ quan soạn thảo cần đánh giá đầy đủ việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong Luật hiện hành; nghiên cứu thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam; đồng thời, đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với việc sửa đổi quy định này phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Chiều 14-11, trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định này là chưa phù hợp. Đại biểu Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) góp ý, việc chấp nhận đồng tính là chưa phù hợp. Theo đại biểu Lai, kết hôn là xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ, việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, cũng như không đảm bảo chức năng của gia đình về duy trì nòi giống, không nên khuyến khích để mối quan hệ này phát triển.

Đại biểu Lai cho rằng, đây chưa phải là thời điểm phù hợp đưa ra quy định về hôn nhân đồng giới, vì trong xã hội Việt Nam thực trạng này chưa phổ biến đến mức phải có điều luật quy định.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) đề nghị, không cho kết hôn đồng tính, chứ không thể quy định “lửng lơ” như trong dự thảo luật. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, “cấm hay không cấm phải nói rõ”. Điều quan trọng là cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài để có giải pháp hợp lý. Đại biểu Dũng đề nghị, nên có thống kê về thực trạng này để xem đã đến lúc bỏ điều cấm chưa.

Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với quy định của dự thảo Luật về điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải “đủ mười tám tuổi trở lên”. Vì theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) và đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) quy định như vậy là phù hợp và đảm bảo sự bình đẳng giới.

XUÂN DŨNG