QĐND - Điều 113, Dự thảo Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Viện kiểm sát nhân dân (VKS) thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc ghi nhận chức năng của VKS như vậy là hoàn toàn đúng đắn, khoa học, phù hợp với nguyên tắc “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”; đồng thời nó cũng phù hợp với thực tiễn lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển của VKS. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cần phải bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi về vị trí cụ thể của VKS trong hệ thống cơ quan Nhà nước.

Đó là ghi nhận VKS là cơ quan tư pháp. Bởi vì, với chức năng được xác định như trong Dự thảo, thì VKS sẽ thực hiện kiểm sát hoạt động điều tra, trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình xét xử; đảm bảo cho Tòa án đưa ra quyết định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, chống bỏ lọt tội phạm và kiểm sát thi hành án.

Trong thực tế, VKS cũng đang thực hiện chức năng “Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp cũng xác định hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động điều tra, truy tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đặc biệt, tính chất tư pháp của VKS còn được thể hiện ở chỗ, VKS khi thực hiện chức năng công tố không chỉ với vai trò là bên buộc tội như pháp luật các nước khác, mà còn được giao trách nhiệm ban hành các quyết định liên quan đến việc hạn chế quyền tự do của công dân (bắt, tạm giữ, tạm giam) và phải chịu trách nhiệm về những quyết định thuộc quyền phê chuẩn của mình.

Có ý kiến cho rằng, nên bỏ chức năng kiểm sát xét xử của VKS đối với hoạt động xét xử của Tòa án, vì VKS đã thực hành quyền công tố (buộc tội), lại còn kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Theo chúng tôi, nhận thức như vậy là chưa đúng.

Nguyên tắc độc lập của Tòa án đảm bảo cho Tòa án độc lập khi xét xử nhưng phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên trong thực tế hoạt động này không phải khi nào cũng đúng, cũng tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Quyền kháng nghị của cơ quan công tố đối với bản án của Tòa án đã được các Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành từ năm 1946 và được ghi nhận trong hệ thống pháp luật liên tục cho đến nay. Thực tế ở nước ta những năm qua, khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án, VKS đã phát hiện rất nhiều vi phạm của Tòa án và đã kháng nghị để xét xử theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, được các cấp Tòa án chấp nhận. Đặc biệt các kháng nghị của VKS tối cao được đã Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận với tỷ lệ rất cao.

Như vậy, chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng là cần thiết nhằm “chế ước” hoạt động của các cơ quan này và đã phát huy vai trò tích cực trong thực thực thi pháp luật. Do đó, cần nhận thức đúng về vấn đề này, không thể xem đây là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vì quyền độc lập chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án không hề mất đi, mà chỉ được VKS chế ước “kiềm chế, đối trọng, kiểm soát lẫn nhau” theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta.

Với tất cả những lý do nêu trên, theo chúng tôi, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định về chức năng của VKS như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, để Dự thảo toàn diện hơn, chúng tôi cho rằng cần có quy định cụ thể vị trí của VKS phải là cơ quan tư pháp.

NGUYỄN HIỂN KHANH - (Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 9)