QĐND Online – Ngày 26-11, trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao những quy định mới trong dự thảo. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần xem xét toàn diện các khía cạnh để những quy định hợp lý, điều chỉnh và xử lý tốt những quan hệ và hệ quả trong hôn nhân, gia đình…
Quy định hợp lý việc sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Nhiều ý kiến bày tỏ sự nhất trí việc bổ sung quy định điều chỉnh hệ này, nhưng để quy định phù hợp cần điều chỉnh lại. Theo đại biểu Trương Thị Thu Trang (đoàn Tiền Giang), quy định như dự án luật là chưa chặt chẽ. Vì trong thực tế nhiều trường hợp, nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng một bên hoặc cả hai bên đã kết hôn với người khác và quan hệ hôn nhân này vẫn đang có giá trị pháp lý thì việc giải quyết hệ quả của các cặp đôi này theo các quy định của dự án luật là chưa hợp lý. Nhất là đối với quy định suy đoán con chung của vợ chồng như quy định tại Khoản 1, Điều 92.
Từ đó đại biểu Trang đề nghị việc giải quyết hệ quả của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn chỉ áp dụng đối với nam, nữ còn độc thân, không tồn tại quan hệ hôn nhân đang có giá trị pháp lý với người thứ ba.
 |
Đại biểu Lê Văn Hoàng (đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu ý kiến |
Đại biểu Lê Văn Hoàng (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến hậu quả là vô hiệu hóa các quy định và pháp luật về đăng ký kết hôn. Làm cho một bộ phận không nhỏ nhân dân không thấy hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn và coi đó không phải là việc thiết thân có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân mình. Do đó, đại biểu đề nghị không quy định cụ thể về quyền nhân thân, về tài sản phát sinh giữa các bên trong quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.
Tuy nhiên, khi góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) lại cho rằng: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35 quy định việc đăng ký kết hôn đối với các trường hợp hôn nhân không đăng ký trước khi Luật Hôn nhân gia đình có hiệu lực. Tuy nhiên, sau gần 13 năm thi hành luật vẫn còn 32% trường hợp chưa đăng ký kết hôn. Từ thực tế đó để điều chỉnh quan hệ xã hội này một cách đầy đủ, chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, nhất là phụ nữ và trẻ em, dự thảo luật cần có quy định rõ ràng quan hệ về tài sản, quyền và nghĩa vụ giữa các bên và con cái trên cơ sở các quyền sở hữu của pháp luật liên quan.
Cần quy định chặt chẽ việc mang thai hộ
Nhiều ý kiến tại hội trường cho rằng, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, kể cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình là chính đáng. Việc đưa nội dung mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào dự án Luật lần này là cần thiết, để tránh những hậu quả phức tạp xảy ra mà không có pháp luật điều chỉnh, nhất là việc đảm bảo số phận pháp lý của những đứa trẻ sinh ra.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự án luật, đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) chỉ ra một loạt vấn đề cần phải được quan tâm, quy định. Đó là việc cần có quy định cụ thể về quyền của người mang thai hộ, như: Quyền được đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc khám sức khỏe định kỳ cho người mẹ và thai nhi; các điều kiện chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai và sau sinh. Trường hợp người mẹ khi sinh bị tai biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi, chế độ thai sản, bảo hiểm xã hội của người mang thai hộ như thế nào? Cần quy định cam kết đối với người mang thai hộ về thời điểm giao con, quan tâm, chăm sóc sức khỏe thai nhi trong thời kỳ mang thai, đồng thời, quy định về nghĩa vụ của người nhờ mang thai hộ, như: Đảm bảo các điều kiện cần thiết để chăm sóc sức khỏe người mang thai hộ trong quá trình mang thai và sinh con, nhất là những rủi ro không may xảy ra với cả người mang thai và đứa trẻ sinh ra. Trường hợp hai vợ chồng ly hôn trong thời kỳ nhờ mang thai hộ thì giải quyết như thế nào về các nghĩa vụ đối với người mang thai hộ và khi đứa trẻ sinh ra…
Đồng tình với quan điểm phải cẩn thận trong quy khi định về mang thại hộ, đại biểu Khúc Thị Duyền (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh: Nếu lần này luật đưa việc mang thai hộ vào thì quy định điều kiện mang thai hộ phải rất chặt chẽ và phải nêu lên các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) chỉ ra, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ có nhiều hệ lụy phát sinh sau này về đạo đức và kinh tế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đi sâu vào phân tích Điều 94. Theo điều này, nếu vi phạm hợp đồng thì con sinh ra thuộc về người mang thai hộ. Như vậy, vô tình người mẹ không có ý định sinh con (trứng không phải là trứng của vợ chồng mình), nhưng khi sinh ra thì lại phải nuôi đứa con này. Chưa nói đến hậu quả của đứa con này khi sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi mà bản thân không có tội tình gì!
XUÂN DŨNG