QĐND - Không chỉ ngày càng suy sụp bởi các cuộc xung đột vũ trang, an ninh bất ổn, Áp-ga-ni-xtan còn đang phải đối mặt với tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy tràn lan. “Cái chết trắng” đã bao trùm lên phần lớn diện tích của Áp-ga-ni-xtan và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng chẳng kém gì so với các cuộc đấu súng diễn ra đều như cơm bữa tại quốc gia này.
 |
Lực lượng an ninh tỉnh Nangarhar của Áp-ga-ni-xtan tham gia phá hủy một cánh đồng trồng cây thuốc phiện. Ảnh: CNN
|
Tại cuộc hội thảo ngày 3-4 ở Mát-xcơ-va về tình hình ma túy tại Áp-ga-ni-xtan, Giám đốc Cơ quan kiểm soát ma túy Liên bang Nga Vích-to I-va-nốp (Viktor Ivanov) cho biết, "ngành công nghiệp" ma túy tại Áp-ga-ni-xtan, được coi là phát triển mạnh nhất thế giới, chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bất ổn của quốc gia này trong thập kỷ qua.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, ông N. Boóc-điu-gia (N. Bordyuzha) cho biết thêm, Áp-ga-ni-xtan hiện là nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới và những vấn đề nổi cộm tại quốc gia này, trong đó có cả nạn buôn bán, sản xuất ma túy, đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ khu vực Trung Nam Á. Áp-ga-ni-xtan cũng được cho là nơi sản xuất phần lớn lượng thuốc phiện cung cấp ra thế giới
Sản xuất ma túy tại Áp-ga-ni-xtan đã tăng 40 lần trong thập kỷ qua. Cũng trong khoảng thời gian đó, hơn một triệu người trên khắp thế giới đã tử vong vì ma túy có nguồn gốc Áp-ga-ni-xtan.
Năm 2012, Văn phòng Liên hợp quốc về tội phạm và ma túy (UNODC) cảnh báo, diện tích trồng cây thuốc phiện ở quốc gia này đã tăng tới 18% so với năm trước đó. Theo Tân Hoa xã, phần lớn diện tích trồng thuốc phiện nằm ở những địa phương mà các băng đảng tội phạm hoành hành. Các khu vực trồng cây thuốc phiện cũng gắn liền với cuộc nổi dậy của phiến quân Ta-li-ban và lực lượng này đã dùng chính lợi nhuận thu được từ ma túy để tổ chức các hoạt động chống phá chính phủ Áp-ga-ni-xtan, cũng như lực lượng liên quân quốc tế do NATO đứng đầu tại nước này.
Người phát ngôn Bộ Phòng chống ma túy Áp-ga-ni-xtan cho hay, năm 2012, Áp-ga-ni-xtan đã triệt phá được 10.000ha trồng thuốc phiện, nhưng các khu vực trồng loại cây độc hại này vẫn mọc lên như nấm và Áp-ga-ni-xtan mới xử lý được khoảng 10% tổng diện tích.
Cũng vì lẽ đó mà mới đây, giới chức Áp-ga-ni-xtan đã công bố kế hoạch tăng quy mô triệt phá cây thuốc phiện trong năm 2013 lên 15.000ha, tức là cao hơn 50% so với năm ngoái. Được biết, các lực lượng chức năng tại Áp-ga-ni-xtan sẽ dùng xe ủi để triệt phá các khu vực trồng thuốc phiện và hoạt động này trước hết sẽ được triển khai ở các tỉnh miền Nam và miền Tây Áp-ga-ni-xtan.
Mặc dù vậy, chiến dịch giảm thiểu “cái chết trắng” chẳng phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Từ đầu năm tới nay đã có 24 cảnh sát và 7 binh sĩ Áp-ga-ni-xtan phải bỏ mạng do trúng phải mìn cài hoặc bị các phần tử chống đối nổ súng tấn công khi đang tham gia vào hoạt động triệt phá cây thuốc phiện.
Nạn ma túy tại Áp-ga-ni-xtan cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều quốc gia khác, trong đó có Nga. Cơ quan Liên bang phòng chống ma túy (FSKN) của Nga cho biết, mỗi năm có gần 30 tấn hê-rô-in được vận chuyển từ Áp-ga-ni-xtan sang Nga qua con đường buôn lậu.
Mặc dù thời gian qua cảnh sát chống ma túy Nga và các cơ quan thực thi pháp luật Áp-ga-ni-xtan cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau nhưng xem ra, để chặn đứng các con đường vận chuyển ma túy giữa hai quốc gia này, tới nay vẫn là vấn đề nan giải.
Điều đáng chú ý là tình trạng sản xuất, buôn bán ma túy tại Áp-ga-ni-xtan không chỉ xuất phát từ những nguyên nhân nội tại, bởi kể từ khi binh lính của NATO đặt chân đến Áp-ga-ni-xtan, tình hình sản xuất ma túy nơi đây càng tăng mạnh và đã mang lại nguồn thu cực lớn cho các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
Trong bối cảnh lực lượng an ninh quốc tế chuẩn bị rút phần lớn binh sĩ về nước, nạn ma túy tại Áp-ga-ni-xtan dự kiến sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nhiều. Bởi vậy, thật chẳng quá khi nói rằng, Áp-ga-ni-xtan còn có những nỗi lo tiềm ẩn mà đôi khi vì quá quan tâm đến tình trạng xung đột, người ta vô tình không để ý tới.
ANH VŨ