Không phân biệt đối xử là nguyên tắc quan trọng nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thể hiện qua hai chế độ là đối xử tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT). Đối xử MFN quy định một thành viên phải đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên khác. Đối xử NT quy định phải dành cho hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp nước ngoài sự đối xử bình đẳng như dành cho hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp trong nước. WTO cho phép có ngoại lệ về đối xử MFN và NT nhưng phải theo đúng quy định của WTO.
Một nguyên tắc quan trọng của WTO là thúc đẩy thương mại quốc tế đối với hàng hóa và dịch vụ thông qua đàm phán dỡ bỏ rào cản giữa các quốc gia bao gồm cắt giảm thuế nhập khẩu, loại bỏ các biện pháp phi thuế, xử lý các hành vi gây lệch lạc thương mại như trợ cấp, phá giá v.v..
Minh bạch hóa cũng là nguyên tắc của WTO, bao gồm minh bạch về chính sách và minh bạch về tiếp cận thị trường. Minh bạch về chính sách yêu cầu mọi quy định có liên quan đến thương mại của một thành viên phải được công bố công khai, dễ tiếp cận, phù hợp với luật lệ của WTO và áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ. Đồng thời, phải dành cơ hội thỏa đáng cho các bên có liên quan được góp ý trong quá trình lập quy. Minh bạch về tiếp cận thị trường yêu cầu các thành viên nỗ lực ràng buộc mức trần cho thuế nhập khẩu và đưa ra các cam kết rõ ràng về mở cửa thị trường dịch vụ, giúp cho các doanh nghiệp có thể dự báo và hoạch định chiến lược kinh doanh.
Hệ thống văn kiện pháp lý của WTO bao gồm:
1. Hiệp định thành lập WTO, thường gọi tắt là Hiệp định WTO;
2. Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), chuyên điều chỉnh thương mại hàng hóa;
3. Các hiệp định phụ trợ cho GATT (như Hiệp định Nông nghiệp, Hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, Hiệp định về xác định trị giá hải quan v.v..);
4. Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), chuyên điều chỉnh thương mại dịch vụ;
5. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs);
6. Thỏa thuận về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp;
7. Cơ chế rà soát chính sách thương mại;
8. Các hiệp định thương mại nhiều bên (Hiệp định về mua bán máy bay dân dụng, Hiệp định về mua sắm chính phủ).
Các văn kiện từ 1 đến 7 được gọi là các văn kiện đa phương, mang tính bắt buộc, các thành viên phải cam kết tuân thủ theo nguyên tắc “chấp nhận cả gói”. Với các hiệp định nhiều bên không mang tính bắt buộc, các thành viên được khuyến khích tham gia trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, các thành viên mới gia nhập từ năm 1995, trong đó có Việt Nam đều phải tham gia các hiệp định này, chí ít là cũng phải đàm phán và đưa ra cam kết nào đó.
HÀ THÚY