Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm ngoái do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhiều giải pháp với mục tiêu chuyển đổi hệ thống điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch. Nhằm cụ thể hóa, Ủy ban châu Âu (EC) đang soạn thảo Dự luật Cải cách thị trường điện, qua đó giúp hạn chế sự biến động của giá điện, miễn là chúng được khử carbon. Theo đó, các quốc gia thành viên được phép trợ cấp sản xuất năng lượng trên lãnh thổ của họ, cho dù từ các nguồn năng lượng tái tạo hay hạt nhân, mà không vi phạm luật viện trợ, đồng thời có thể tăng thuế đột xuất đối với các nhà sản xuất điện khi giá tăng cao.

Tuy nhiên, Le Monde cho hay, dự luật trên trở thành thách thức lớn cho nhu cầu hiện đại hóa các nhà máy điện hạt nhân của Pháp-nhà sản xuất khoảng 70% điện năng từ hạt nhân. Khi công bố chính sách công nghiệp mới vào cuối năm 2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi công nghệ hạt nhân dân sự là một trong những ưu tiên lớn nhất, với tham vọng chi 50 tỷ euro hiện đại hóa một số nhà máy điện hạt nhân từ năm 2035, xây thêm ít nhất 6 lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ thế hệ mới, kèm theo lựa chọn bổ sung tiếp 8 lò sau đó. Với Pháp, điện hạt nhân không chỉ là giải pháp khả dĩ nhất để đạt được các tham vọng cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính mà còn là tiền đề để sản xuất các loại năng lượng khác thân thiện với môi trường, như khí hydro “xanh”.

leftcenterrightdel

Nhà máy Điện hạt nhân Bugey ở Saint - Vulbas, miền Đông nước Pháp. Ảnh: Pérouges Bugey Tourisme 

Gần đây, Pháp còn tích cực vận động trong nội bộ EU để đưa năng lượng hạt nhân vào vị trí trọng tâm trong Kế hoạch công nghiệp Thỏa thuận Xanh của khối. Từ đó, nước này sẽ có lợi thế vượt trội từ việc cung cấp công nghệ điện hạt nhân cho đến việc bán điện cho các đối tác khác trong liên minh. Việc Pháp thuyết phục được EC coi khí hydro sản xuất từ hỗn hợp điện bao gồm cả hạt nhân trong những điều kiện nhất định như một nguồn năng lượng xanh cũng như mời gọi 10 nước EU tham gia “Liên minh điện hạt nhân” được xem là những thắng lợi nhỏ đầu tiên trong nỗ lực này của Paris.

Ngược lại, một số nước EU khác, nhất là Đức, ủng hộ loại bỏ dần điện hạt nhân trong nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh mà không cần năng lượng nguyên tử. Họ cho rằng, để xây dựng một dự án điện hạt nhân mới có thể mất nhiều năm, song cuộc chiến bảo vệ hành tinh xanh đòi hỏi các nước cần nhanh chóng hành động. Đức đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này và đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch tiến tới sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2035.

Trong bối cảnh đó, Đức cũng cho rằng, Pháp không được tận dụng dự luật mới trên để tài trợ cho chương trình nâng cấp nhằm kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân. Pháp vẫn là cường quốc điện hạt nhân lớn nhất châu Âu với 57 nhà máy điện hạt nhân, mặc dù gần một nửa trong số đó luôn trong tình trạng cần bảo dưỡng thường xuyên hay đối mặt với các vấn đề kỹ thuật phải tạm dừng hoạt động.

Thậm chí, Đức muốn gạt ngành hạt nhân của Pháp ra khỏi bảng phân loại năng lượng xanh. Hiện Berlin chỉ công nhận khí hydro ra đời từ điện gió và mặt trời là năng lượng xanh, trong khi Paris muốn tính cả nguồn sản xuất bằng hạt nhân. Không muốn Pháp tận dụng dự luật mới, Đức đồng thời cũng muốn được trợ cấp nhiều hơn chi phí điện cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của nước này, với việc dự định tung ra gói 30 tỷ euro từ nay đến năm 2030, nhưng cần có sự cho phép của EC để thực hiện.

Cải cách thị trường điện được kỳ vọng giúp các nước châu Âu phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh có tính cạnh tranh. Tác động của nó đối với điện hạt nhân sẽ mang tính quyết định. Tuy nhiên, bất đồng giữa Đức và Pháp đang khiến EU khó tìm được một hướng đi thống nhất cho vấn đề đó. “Chúng ta phải thoát khỏi điều này, nếu không sẽ làm suy yếu Thỏa thuận Xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng của toàn khối”, Le Monde dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu (EP) Pascal Canfin khuyến nghị.

VĂN HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.