QĐND - Công cuộc xây dựng nông thôn mới với rất nhiều tiêu chí, mục tiêu, lộ trình… đang được triển khai ở tầm vĩ mô. Thế nhưng, nhiều người vẫn lơ mơ về một mô hình cụ thể, rằng bức tranh nông thôn mới thực sự được vẽ nên từ những chất liệu nào? Những nét “chấm phá” về thành công bước đầu ở tỉnh Thái Bình trong xây dựng nông thôn mới đáng để nhiều địa phương tham khảo, học tập.
Cận cảnh Thanh Tân
Thú thực, nếu không nhìn thấy những biển hiệu, cửa hàng kinh doanh đề tên xóm, tên làng thì tôi vẫn ngỡ trung tâm xã Thanh Tân, thuộc huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) là một khu phố: Ven đường trồng rất nhiều cây xanh, trong đó nhiều dáng phượng vĩ đang kỳ rực đỏ sắc hoa; nhà văn hóa; trường mầm non; sân vận động; đường làng, ngõ xóm, khu dân cư… đều được quy hoạch đẹp đẽ, khang trang.
 |
Giờ ra chơi của các cháu Trường Mầm non xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương). Ảnh: Đình Huệ
|
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bùi Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Thanh Tân tỏ rõ sự phấn khởi: “Thời gian qua, xã đã vinh dự đón 120 đoàn về tham quan, học tập mô hình xây dựng nông thôn mới, trong đó có đoàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đến nay, trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Tân đã đạt được 11 tiêu chí, bao gồm: Quy hoạch, điện, trường học, bưu điện, nhà dân cư, chợ, hình thức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Dẫu mới chỉ là những thành công bước đầu, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Tân rất phấn khởi. Chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành 8 tiêu chí còn lại".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Thanh Tân không nằm trong 11 xã được Trung ương chọn làm điểm về xây dựng mô hình nông thôn mới. Tuy nhiên, Thanh Tân lại là 1 trong 8 xã được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Bình chọn làm điểm. Trong bộn bề những việc “cần làm ngay”, việc chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch là khó khăn trước hết, bởi nó liên quan tới nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, xây dựng, kiến trúc... Trong đó, quy hoạch về sản xuất được coi là “đột phá khẩu”. Đảng ủy, UBND xã xác định, muốn thực hiện thành công mô hình nông thôn mới trước hết phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ vấn đề; phải thống nhất được chủ trương và hành động; mỗi người dân là một chủ thể, trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc nhiều thách thức này. “Có thực mới vực được đạo. Là một xã thuần nông thì phải coi trọng yếu tố phát triển sản xuất, nâng cao mức sống người dân. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai thực hiện đề án sản xuất trên cả 4 vùng, cấy lúa chất lượng cao BC15, lúa Nhật, đồng thời thực hiện luân canh trồng cây màu, cây vụ đông như đỗ tương, khoai tây, dưa chuột xuất khẩu. Xã đã ký hợp đồng sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Thái Bình trên diện dích sản xuất 52ha, bắt đầu triển khai từ vụ chiêm xuân 2011”, ông Bùi Mạnh Hà bày tỏ.
Việc xây dựng, cải tạo hạ tầng nông thôn cũng là việc khó, bởi nó “vừa tốn tiền, vừa tốn sức, vừa mất công”. Thế nhưng, nhờ kinh phí hỗ trợ của tỉnh, trích từ ngân sách xã, và đặc biệt là sự tham gia đóng góp của nhân dân, của con em địa phương đi xa, đến nay nhiều công trình phúc lợi đã hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn. Trong đó, kinh phí đóng góp của nhân dân (thông qua các hình thức hiến đất, góp ruộng, góp tiền…) lên tới hơn 12,8 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã Thanh Tân đã thực hiện mỗi thôn làm điểm một mô hình. Đó là điểm về tự quản vệ sinh môi trường; về xây dựng nếp sống văn hóa trong đám cưới, đám tang; về phóng tuyến, giải tỏa phát quang lộ giới, đào đắp nắn đường thôn; về chỉnh trang khu dân cư; về xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp; về mô hình ăn ở vệ sinh, ngăn nắp; về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… Tất cả các mô hình này đều được triển khai đồng bộ, toàn diện và nhịp nhàng.
Bắt đầu triển khai làm điểm mô hình nông thôn mới từ tháng 3-2009, đến nay cơ cấu kinh tế của Thanh Tân đang chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 45,41%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 33,11%; dịch vụ chiếm 21,48%. Năm 2010 vừa qua, kinh tế của xã tăng trưởng tới hơn 15% so với năm 2009, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng/người/năm.
Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình
Mới đây, hơn 300 đại biểu của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc đã quy tụ về Thái Bình để học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của “quê hương 5 tấn” này. Rất nhiều câu hỏi mà nhiều nơi đang loay hoay đã được giải đáp ngay tại xã Thanh Tân. Chẳng hạn, việc giải quyết bài toán quy hoạch nghĩa trang vừa đúng với tiêu chí quốc gia (về diện tích, đường đi, khuôn viên, kiểu mộ, cây xanh…), vừa không làm ảnh hưởng tới yếu tố tâm linh. Một đại biểu đến từ thành phố Hà Nội băn khoăn: “Khó lắm! Để làm được nghĩa trang đẹp thì ai cũng thích, nhưng nếu yêu cầu các gia đình phải di dời mồ mả tổ tiên ra chỗ khác thì họ sẽ phản đối ngay”!
 |
Hệ thống kênh mương, trạm bơm nội đồng ở xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng). Ảnh: Đình Huệ
|
Vậy ở xã Thanh Tân đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Bùi Mạnh Hà chia sẻ:
- Lúc đầu, Ban chỉ đạo xã cũng rất băn khoăn. Sau khi lấy ý kiến nhân dân thì đi đến thống nhất: 9 nghĩa địa cũ có diện tích 1,22ha sẽ không quy tập, di dời mồ mả, cũng không được tiếp tục an táng, mà sẽ tiến hành khoanh lại, xây tường bao, trồng cây xanh, tạo môi trường sinh thái... Đồng thời, xã dành 5,65ha đất để xây dựng 3 nghĩa trang mới, mỗi nghĩa trang gồm có hai khu hung táng và cát táng, có đường đi, cổng vào, hàng lối, khu vực mộ… theo đúng tiêu chí mới. Riêng khu cát táng sẽ thống nhất kích thước, chiều rộng, chiều cao, kiểu mộ, bia mộ… tạo vẻ đẹp thống nhất, tôn nghiêm.
Dĩ nhiên, quy hoạch và xây dựng nghĩa trang chỉ là một trong 19 tiêu chí, và cũng chỉ là “chuyện nhỏ” so với nhiều việc lớn khác. Xét tổng thể, Thái Bình còn làm được nhiều hơn thế. Theo ông Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình: Toàn tỉnh có tổng số 167 xã, thuộc 8 huyện. Mặc dù việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa lâu, nhưng đến nay đã có 204/267 xã hoàn thành quy hoạch chung (đạt 76,4%), số xã còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7-2011. Để công tác quy hoạch đạt yêu cầu đề ra, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng thẩm định và mời 27 đơn vị tư vấn có đủ điều kiện tham gia lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho các xã.
Việc quy hoạch vùng và tổ chức sản xuất theo hướng “mỗi làng một sản phẩm” được triển khai đồng bộ tại 8 xã làm điểm của tỉnh. Đến nay, cả 8 xã đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bố trí cây trồng có chất lượng, hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế sẵn có trên địa bàn. Điển hình như xã Trọng Quan (thuộc huyện Đông Hưng) bố trí vùng sản xuất khoai tây tập trung là 100ha; xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) bố trí 100ha trồng cây đậu tương, cây màu đông; xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư) bố trí 100ha trồng lúa chất lượng cao như Bắc Thơm, T10; xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ) bố trí 52ha để trồng ớt… Tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thu nhập của nông dân cao hơn so với những năm trước, trong đó vùng trồng ớt và trồng khoai tây có thu nhập cao hơn từ 2 đến 3 lần.
Hiện, Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình đang nỗ lực chỉ đạo các địa phương làm điểm sớm hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở nhân rộng trên toàn địa bàn. Với những nét vẽ ấn tượng ban đầu, có thể hy vọng vào một “bức họa” đẹp về nông thôn mới trên vùng quê lúa Thái Bình trong tương lai gần.
Lê Thiết Hùng