Các cuộc đột kích của cảnh sát Israel vào ngôi đền nhằm xua đuổi các tín đồ Hồi giáo Palestine cùng các chiến dịch quân sự tấn công xuyên biên giới trả đũa các tay súng Hồi giáo cực đoan ở Bờ Tây, Nam Lebanon và Syria của Israel... đang thổi bùng ngọn lửa căng thẳng vốn âm ỉ bấy lâu ở khu vực chảo lửa Trung Đông.

Xung đột leo thang giữa Palestine và Israel vào tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đã trở thành một tiền lệ xấu trong những năm qua. Nhưng vào tháng lễ Ramadan năm nay (bắt đầu vào ngày 22-3 và kết thúc vào ngày 21-4) được các giới chức Israel cảnh báo, tình hình an ninh có thể khó kiểm soát nhất trong nhiều năm, bởi căng thẳng vẫn ở mức cao, nhất là sau các cuộc đụng độ tại Jerusalem và Bờ Tây gần đây khiến nhiều người thiệt mạng. 

leftcenterrightdel

Cảnh sát Israel bắt giữ một người đàn ông Palestine sau các cuộc đụng độ tại khu vực đền Al-Aqsa ở Jerusalem ngày 5-4. Ảnh: TTXVN

Bất chấp tiến trình bình thường hóa quan hệ với một số nước Arab của Israel thông qua ký kết Hiệp định Abraham lịch sử, Tel Aviv vẫn phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ từ các nước Arab láng giềng vì gây xung đột với người Palestine, kéo theo những nguy cơ bất ổn an ninh khó lường cho toàn khu vực.

Động thái này cũng cản trở các nỗ lực tiếp theo nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa với các nước Arab láng giềng khác ở Trung Đông dưới sự hậu thuẫn của đồng minh Washington. Thủ tướng Netanyahu khó lòng đạt được mục tiêu thiết lập quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia do Vương quốc này đã không còn nhiệt tình sau những động thái gia tăng căng thẳng với Palestine của Nhà nước Do Thái. Cuộc khủng hoảng cải cách tư pháp gây tranh cãi cũng đang làm nản lòng mọi nỗ lực trung gian hòa giải giữa Israel và Saudi Arabia. Ngay cả Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), dù đã ký Hiệp định Abraham nhưng cũng cho thấy họ không thể đồng tình với các hành động của chính phủ mới ở Israel. Mối quan hệ chớm nở đã nhanh chóng bị thử thách sau khi UAE cử một phái viên hàng đầu tới Israel để gửi lời cảnh báo riêng tới ông Netanyahu, rằng các hành động của ông đang gây ra những căng thẳng mới cho quan hệ đôi bên. 

Các quốc gia Arab láng giềng của Israel đều hiểu rằng Tel Aviv rõ ràng đang “đùa với lửa” khi động chạm tới niềm tin tôn giáo của người Hồi giáo, có thể kích động không chỉ người Hồi giáo ở khu vực mà toàn bộ thế giới Hồi giáo. Khó có một quốc gia Hồi giáo nào có thể tránh khỏi bị tác động một khi nguy cơ xung đột tôn giáo bùng phát ở khu vực biến thành sự thực. Các nhà phân tích đã nhiều lần cảnh báo bế tắc trong tìm giải pháp cho những tranh cãi ở khu vực thánh địa Jerusalem, có thể biến cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Palestine và Israel thành cuộc xung đột tôn giáo, thậm chí châm ngòi cho cuộc chiến tôn giáo nếu tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. 

Hơn nữa, liên quan tới tiến trình hòa bình Palestine-Israel, cho dù xuất hiện những động thái xích lại gần Israel của một số nước ở khu vực, lập trường lâu dài của các nước Arab vẫn là ủng hộ hòa bình trên cơ sở giải pháp hai nhà nước, theo đó nhà nước Palestine sẽ được thành lập trên cơ sở các đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Không chỉ Saudi Arabia, UAE mà một số quốc gia Arab khác cũng đang thận trọng hơn trong mối quan hệ với Nhà nước Do Thái trong bối cảnh hiện nay. Việc hãm lại tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel được các nước này trông đợi sẽ gây sức ép lên chính quyền của Thủ tướng Netanyahu, buộc ông phải cân nhắc các hành động của mình. Thắt chặt quan hệ với các nước ở khu vực thông qua Hiệp định Abahram vẫn được cho là ưu tiên hàng đầu của chính phủ do Thủ tướng Netanyahu đứng đầu. Việc này được cho là nằm trong nỗ lực của Israel nhằm thành lập liên minh các nước khu vực chống lại Iran, quốc gia không đội trời chung với Israel. Thủ tướng Netanyahu luôn coi đối phó với mối đe dọa từ Iran là ưu tiên trong chính sách ngoại giao và sứ mệnh cá nhân. 

Nhưng tham vọng tìm kiếm liên minh đối phó với Iran của Israel bị “giội gáo nước lạnh” khi UAE và Saudi Arabia lần lượt chính thức khôi phục quan hệ với Nhà nước Hồi giáo. Iran hiện đang chuẩn bị mở lại Đại sứ quán ở thủ đô Riyadh. Việc hai quốc gia thù địch Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ là một diễn biến tích cực cho thấy các bất đồng dù phức tạp cỡ nào cũng có thể giải quyết được bằng thương lượng hòa bình.

Giữa cục diện có nhiều biến chuyển mang tính bước ngoặt ở khu vực, Israel được hy vọng sẽ lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để thoát khỏi những bế tắc hiện nay cũng như tình thế bị cô lập giữa thế giới Arab như trước, góp phần củng cố xu thế hòa bình và hợp tác đang diễn ra ở khu vực nóng bỏng nhất thế giới. 

Cho dù con đường nào được Israel cũng như các bên liên quan lựa chọn cũng phải là con đường hòa bình và tránh xa bạo lực. Nếu không, những hành động tiếp tục "đùa với lửa" như hiện nay khó tránh khỏi làm bùng phát một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông mang màu sắc tôn giáo và như thế chẳng khác nào các bên đang đi tới chỗ tự "đốt" mình.

MỸ HẠNH