Ngày 20-11-2023, tàu buôn Galaxy Leader bị lực lượng Houthi bắt giữ ở phía Nam Biển Đỏ. Được các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi, cuộc tấn công này là minh chứng về sự hỗ trợ của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen dành cho Hamas phản đối Israel tiến hành các hoạt động quân sự ở dải Gaza.

Trong 6 tháng sau đó, hơn 50 cuộc tấn công nhằm vào tàu hàng xảy ra ở Biển Đỏ, gây thiệt hại nặng nề cho các chủ tàu. Họ buộc phải bổ sung chi phí về bảo hiểm (tăng 100%) nếu tiếp tục cho tàu đi qua kênh đào Suez hoặc tăng thời gian vận chuyển (tăng 38% trên tuyến Shanghai-Rotterdam). Những chi phí bổ sung này góp phần gây ra lạm phát, đè nặng lên nền kinh tế và người tiêu dùng châu Âu.

leftcenterrightdel

Tàu khu trục Languedoc của Pháp có mặt ở Biển Đỏ từ nhiều tháng nay. Ảnh: lemarin.ouest-france.fr 

Không chỉ vậy, bất ổn ở Biển Đỏ cũng gửi đi một thông điệp rõ ràng: Ngay khi một huyết mạch toàn cầu hóa bị tắc nghẽn, nền kinh tế châu Âu-vốn phụ thuộc vào dầu mỏ vùng Vịnh và tận dụng chi phí sản xuất thấp ở châu Á-phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Để đối phó với những cuộc tấn công ở Biển Đỏ, các quốc gia có năng lực hải quân và không quân trong khu vực đã huy động tàu chiến đến khu vực này, trong đó Mỹ huy động 3 tàu chiến, Anh và Pháp mỗi nước có 1 tàu chiến... Ngày 18-12-2023, Washington đã thiết lập liên minh an ninh hải quân đa quốc gia, trong đó có Anh, Canada, Đan Mạch, Na Uy và một số quốc gia trong khu vực như Bahrain để tham gia Chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng” chống Houthi trên Biển Đỏ. Các nước trên có thể tham gia ở mức độ khác nhau, từ việc cử tàu khu trục nhỏ đến một nhóm sĩ quan liên lạc.

Ngày 23-2 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố khởi động Chiến dịch “Aspides” (Lá chắn, theo tiếng Hy Lạp), nhằm bảo vệ tàu thuyền quốc tế đi qua khu vực Biển Đỏ. Chiến dịch “Aspides” quy tụ 19 quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có 4 quốc gia gồm Pháp, Đức, Italy và Hy Lạp cử tàu chiến tham gia chiến dịch này.

Vào đầu tháng 4, Chiến dịch “Aspides” đã thành công trong việc tiêu diệt 10 máy bay không người lái (9 chiếc trên không và 1 chiếc trên mặt nước) và đánh chặn 4 tên lửa đạn đạo. Chiến dịch cũng đã hộ tống thành công 79 tàu và đáp ứng thuận lợi mọi yêu cầu hộ tống, ngay cả những yêu cầu đến từ các tàu không có liên kết trực tiếp với EU.

Tuy nhiên, những kết quả đáng khen ngợi này không nên che giấu những điểm yếu của Chiến dịch “Aspides”. Trước hết là nhiệm vụ phòng thủ thuần túy. Như người chỉ huy chiến dịch đã chỉ ra: “Chúng tôi không tấn công Houthi, mặc dù chúng tôi có thể làm như vậy. Chúng tôi có một nhiệm vụ khác. Nếu nhìn từ góc độ quân sự, chúng tôi thấy mình đang ở trong tình thế tồi tệ. Nói cách khác, chúng tôi luôn chờ đợi để trở thành mục tiêu của Houthi”.

Một lý do khác là việc huy động tàu chiến tới Biển Đỏ rất khó khăn. Tàu khu trục Louise Marie của Bỉ khởi hành từ Zeebrugge từ ngày 10-3 vẫn chưa có mặt ở Biển Đỏ. Nguyên nhân là trước đó, tàu Louise Marie tham gia một cuộc tập trận để kiểm tra khả năng ứng phó với mối đe dọa từ máy bay không người lái của Houthi. Tuy nhiên, tên lửa RIM-7 Sea Sparrow-được dùng để đánh chặn máy bay không người lái-bị mắc kẹt trong hầm chứa Mk48, khiến cuộc tập trận thất bại. Do đó, lực lượng Thủy quân lục chiến Bỉ quyết định hoãn triển khai tàu khu trục Louise Marie ở Biển Đỏ.

Theo ước tính của EU, khối này sẽ cần gấp đôi số tàu khu trục để thiết lập lại mức độ an ninh trên biển. Tuy nhiên, đây là thách thức không nhỏ khi trên thực tế số tàu hải quân của EU đã giảm 32% trong 20 năm (từ năm 1999 đến 2018). Mọi nỗ lực bảo đảm an toàn trên biển phần lớn dựa vào hải quân Pháp, chiếm khoảng 20% năng lực hải quân của EU.

BÌNH NGUYÊN (biên dịch)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.