QĐND - Là tỉnh có địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, sau hơn 10 năm phát triển giao thông nông thôn (GTNT), xóa “cầu khỉ”, giờ đây diện mạo nông thôn của Bến Tre đã có sự thay đổi rõ rệt.
Chủ trường đúng
Nói đến phong trào xóa "cầu khỉ", cầu tạm, thì tỉnh Bến Tre là một trong những điểm sáng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Được hình thành từ 3 cù lao lớn: Cù lao Minh, Cù lao Bảo và Cù lao An Hóa, với hệ thống sông rạch chằng chịt, điều kiện đi lại khó khăn, việc "bê tông hóa" cầu đường nông thôn của Bến Tre được xem như... mệnh lệnh. Thực hiện chủ trương xã hội hóa GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm", "nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã thực sự là chìa khóa giải bài toán “khát vốn”.
 |
Vài năm trước, nơi đây là cây "cầu khỉ".
|
Thực tế những năm qua, UBND các cấp đã triển khai cụ thể kế hoạch phát triển GTNT đến cơ sở, đồng thời khuyến khích các địa phương có nhiều hình thức huy động đầu tư linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Để phát huy tính dân chủ, chính quyền đã lấy ý kiến đóng góp của dân về những công trình dự định xây dựng. Nhờ vậy, từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới và sửa chữa 2.715 cây cầu, mở rộng và nâng cấp 3.126km đường GTNT với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 298 tỷ đồng và hơn 1,6 triệu ngày công.
Theo ông Lê Thành Công, Chánh văn phòng Sở Giao thông Vận tải Bến Tre: UBND tỉnh đã chỉ đạo phong trào xã hội hóa GTNT mang tính tập trung. Xuất phát từ tấm lòng xây cầu phục vụ xã hội nên mọi công đoạn phải tiết giảm tối đa. Theo đó, việc khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ… không phải tốn chi phí. Khi xây dựng, người dân góp công, hỗ trợ ăn uống, không để thất thoát vật tư, thiết bị. Còn ông Trịnh Văn Y, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh cho biết: Xã hội hóa GTNT là cần thiết. Do nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương có hạn nên phải vận động sự chung tay của xã hội. Các ngành, các cấp, các tổ chức, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đều hướng về Bến Tre góp kinh phí làm cầu. Tiêu biểu như ông Toni Ruttiman (người Thụy Sĩ) tài trợ xây dựng 40 cây cầu cáp treo trị giá hơn 13 tỷ đồng. Ông còn gửi cho Bến Tre 17 tấn thép ống và một khối lượng lớn thép chữ U, chữ V đủ để làm trụ đóng, trụ néo cho 8 cây cầu khác. Dự án VIE 115/5/12 do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển (thuộc Cộng hòa Liên bang Ðức) và Quỹ W.P.Schmitz tài trợ 191 cầu, bình quân mỗi cây cầu 25 triệu đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam cũng tài trợ hơn 24 tỷ đồng...
Việc thực hiện xã hội hóa làm cầu đường GTNT có nhiều ưu điểm như thủ tục đơn giản, nhanh gọn, trong thực hiện có sự bàn bạc dân chủ trong dân, không mất thời gian lập hồ sơ dự án đầu tư nên việc duy tu, sửa chữa được thực hiện nhanh. Hồ sơ thiết kế để làm cơ sở vận động các nhà tài trợ, tùy theo công trình, sẽ xin từ 50 đến 90% giá trị, còn lại vận động nhân dân góp vốn đối ứng. Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh chủ trương huy động vốn ở đâu thì làm ngay địa phương đó, nghiêm cấm việc ưu tiên làm đường chạy qua nhà "chức sắc" trước, dù đó là vốn ngân sách hay vốn đóng góp của dân.
Huy động sức dân
Với phong trào "bê tông hóa", tỉnh Bến Tre đã xây dựng được hệ thống GTNT thuận lợi, góp phần cho việc thông thương hàng hóa, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trước đây, người dân muốn mua bán nông sản phải chở bằng xuồng hoặc chờ thương lái đến lấy, nhưng bây giờ thì xe tải, xe ba gác đã đến tận nơi để thu mua.
 |
Công trình được xây dựng từ phong trào xã hội hóa ở Bến Tre
|
Ông Nguyễn Khắc Nhu, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mỏ Cày Nam, bày tỏ: Sau mỗi công trình, chúng tôi đều có thư cảm ơn trên báo, đài. Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát vật tư và luôn an toàn trong xây dựng. Chuyện làm cầu nông thôn phải xã hội hóa là rất đúng đắn, phù hợp.
Ông Lê Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, phấn khởi nói: “Để làm nên bộ mặt nông thôn mới, vai trò của người dân là một trong những nhân tố quyết định. Họ hăng hái góp tiền, vật tư, đất đai, công sức lao động. Để có kinh phí thực hiện, lúc đầu các xã, ấp vận động nhân dân góp một nửa, Nhà nước hỗ trợ một nửa. Về sau, người dân và các nhà hảo tâm sẽ tự giác tham gia. Kinh nghiệm rút ra qua việc "bê tông hóa, xóa cầu khỉ" là phải phát huy quyền giám sát, kiểm tra, quyền tham gia đóng góp ý kiến của người dân, đặc biệt phải biết phát huy vai trò, vị trí của các ban vận động khu dân cư”.
Giải quyết được nguồn vốn, triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo sự thống nhất cao, phát huy sức mạnh của nhân dân thì không chỉ lĩnh vực GTNT, mà việc xã hội hóa các lĩnh vực khác cũng sẽ đạt hiệu quả tốt.
Bài và ảnh: Lê Hùng Khoa