QĐND - Vừa qua, tổ chức phi chính phủ có tên là Trung tâm con người và thiên nhiên tại Việt Nam đã khảo sát, lấy ý kiến 1.300 hộ dân tại 9 xã ở 3 tỉnh, thành phố tại các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông La, sông Vu Gia, sông Thu Bồn xung quanh tác động của phát triển đối với sông ngòi, tài nguyên nước, ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Sau khi kết quả được công bố, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi chỉ có 30% những bức xúc của người dân về vấn đề suy thoái sông ngòi được phản hồi. Trong khi, có trên 30% cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi. Đáng ra, những người luôn cận kề và phải phụ thuộc vào nguồn nước để sinh hoạt, tưới tiêu cây trồng phải bày tỏ sự lo lắng, bức xúc thì ở đây họ lại bày tỏ sự thờ ơ.
Thực tế cho thấy, chịu tác động của biến đổi khí hậu sớm và lớn nhất chính là tài nguyên nước. Bởi nước đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra lương thực cho con người. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có tài nguyên nước vào loại trung bình trên thế giới nhưng nguồn nước của chúng ta phân bố không đồng đều. Cùng với đó, sự gia tăng dân số, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước thời gian qua ở Việt Nam cũng chưa hợp lý và thiếu bền vững; tình trạng phá rừng, ô nhiễm môi trường khiến nguồn nước trở nên cạn kiệt xảy ra tại nhiều nơi, đặc biệt là trong mùa khô. Không có nước, đất đai trở nên khô cằn, cây cối héo úa, không thể sản sinh ra lương thực dẫn đến việc ảnh hưởng nặng nề tới ngành nông nghiệp.
Ngày 21-6-2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên nước, đánh dấu sự thay đổi cơ bản về thể chế quản lý tài nguyên nước ở nước ta. Lần đầu tiên, tài nguyên nước thực sự được coi là tài sản, là nguồn lực quan trọng, thiết yếu của quốc gia. Theo đó, khai thác tài nguyên nước phải trả tiền, sử dụng nước phải tiết kiệm, hiệu quả. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang bị đe dọa, tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những luật định thì đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân nhận thức được vai trò quan trọng của nguồn nước, đặc biệt là việc trang bị cho người dân những kiến thức về bảo vệ nguồn nước. Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi kết hợp với phòng, chống lũ; tận dụng hiệu quả những công trình thủy lợi vừa và nhỏ đã có nhằm phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, phòng, chống thiên tai cho người dân.
THANH LIÊM