Gần đây tại Hà Nội tình trạng đấu máy nước trái phép trước đồng hồ, thậm chí, khoan mặt, khoan thân, mài mòn bánh răng, cắm que kìm hãm đồng hồ đo nước… để ăn cắp nước xảy ra ở nhiều nơi. Ngoài việc gây thất thu cho ngành nước, hành vi trên còn dẫn đến tình trạng có nơi thừa nước, nơi thiếu nước và nguồn nước bị nhiễm bẩn…
Theo báo cáo của Ban thanh tra Công ty Kinh doanh nước sạch (KDNS) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra đã phát hiện 106 vụ sử dụng nước trước đồng hồ; 137 vụ vi phạm đến quản lý và sử dụng đồng hồ như: khoan mặt, khoan thân đồng hồ, cắt gọt bánh răng, tháo đồng hồ, quay ngược đồng hồ, cắm que khống chế tốc độ quay của đồng hồ; 153 vụ đấu, đục trộm vào hệ thống cung cấp. Ông Nguyễn Quốc Huy-Trưởng phòng Thanh tra, Công ty KDNS Hà Nội cho biết: “Việc người dân tự ý đục, đấu trộm vào hệ thống cấp nước sạch diễn ra phổ biến, tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Hậu quả, ngoài việc gây thất thoát nước, thất thu cho ngành nước còn làm ảnh hưởng tới áp lực trong mạng lưới cấp nước. Khi áp lực trong mạng lưới không ổn định, các hộ dân dùng nước cuối nguồn sẽ thiếu nước sử dụng. Đồng thời, các điểm đấu trái phép phần lớn không đúng kỹ thuật, do đó vô tình đã làm nước bẩn bên ngoài thâm nhập vào hệ thống cấp nước khiến nguồn nước bị nhiễm bẩn”.
Để xử lý những vi phạm trong lĩnh vực cấp thoát nước, từ năm 2003, TP Hà Nội đã thành lập Đội thanh tra chuyên về cấp-thoát nước và môi trường thuộc Ban thanh tra GTCC. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, việc xử lý của lực lượng chuyên trách chưa thường xuyên, dẫn tới tình trạng thất thoát nước sạch khá lớn. Theo Ban thanh tra GTCC, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra mới xử lý 94 vụ (làm sai lệch đồng hồ 32 vụ; đấu nối đường ống cấp nước trái phép 47 vụ; sử dụng nước trước đồng hồ 11 vụ và hư hỏng khác 4 vụ, phạt tiền 39.800.000 đồng), trong khi số vụ phát hiện, lập biên bản của các ban ngành liên quan thuộc Công ty KDNS và Sở GTCC Hà Nội có sự chứng kiến của cán bộ đô thị phường sở tại, tổ trưởng tổ dân phố… lên tới 396 vụ. Một trong những lý do cơ bản khiến công tác phát hiện, xử lý các hành vi ăn cắp nước sạch gặp nhiều khó khăn là do người dân tìm nhiều cách để chây ì, chống đối, cản trở, thậm chí có những lời lẽ khiếm nhã, không chấp hành biên bản kiểm tra. Mặt khác, lực lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý còn quá mỏng mà địa bàn lại quá rộng; hệ thống nước đều đi ngầm, nằm sâu trong các ngõ ngách, mất rất nhiều thời gian, có vụ phải đào kéo dài hàng trăm mét hoặc đào toàn bộ nền nhà lên mới phát hiện được. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm của ngành nước hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính với mức 400.000 đồng một lỗi. Mức phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe khiến tình trạng trộm nước vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng theo kiểu tập thể. Ví dụ, tháng 11-2006, qua kiểm tra tại ngõ 307 phố Bạch Mai gồm 29 khách hàng, Công ty đã tiến hành đào kiểm tra, phát hiện hai trường hợp hủy hoại đồng hồ, bốn trường hợp lấy cắp nước trước đồng hồ, trong đó có một hộ lấy cắp nước không chỉ phục vụ cho nhà mình mà còn cho vào bể để ba nhà bên cạnh dùng chung. Hay quán Cafe Sinh ở số 32 Hàng Bè, đã lấy cắp nước trước đồng hồ, không thanh toán tiền nước. Sau khi bị phát hiện đã tự ý đấu lại để tiếp tục sử dụng. Tại ngõ 897 Giáp Bát, có 8 hộ, sau khi đoàn công tác tiến hành đào kiểm tra đã phát hiện tới 5 hộ cắt gọt bánh xe đồng đồ, làm đồng hồ quay chậm lại để gian lận nước. Nhìn chung, các hộ trộm nước đều rất tinh vi, ngoài đường nước qua đồng hồ, một số hộ còn sử dụng một đường nước không qua đồng hồ và nằm trong tường khiến lực lượng thanh tra phải rất vất vả mới phát hiện được. Hành vi gian lận của các hộ gia đình đã vi phạm vào Điều 29 Nghị định 126/CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị, quản lý sử dụng nhà và Điều 2, chương II Quyết định 6032 QĐUB ngày 11-11-1993 của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội về việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông-công chính.
Tỉ lệ thất thoát nước được tính vào giá nước mà khách hàng sử dụng phải trả mỗi tháng. Vì vậy, nếu việc gian dối này không được xử lý đến nơi đến chốn thì người dân sử dụng nước chính đáng sẽ phải tiếp tục bỏ tiền ra đóng cho khoản nước bị các hộ dân “xài của chùa”. Để hạn chế được các hành vi trộm nước sinh hoạt dưới mọi hình thức, ngoài công tác tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn quản lý và xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm thì công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân sử dụng nước tiết kiệm, không lấy nước, dùng nước trái phép là vấn đề rất quan trọng. Đồng thời, các cơ quan chức năng đề nghị sự hợp tác, phát hiện của nhân dân đối với các hành vi vi phạm đến số điện thoại của công ty và các xí nghiệp quản lý cấp nước trên địa bàn Hà Nội.
Khi phát hiện các hành vi ăn cắp nước, người dân có thể điện báo trực tiếp đến:
Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, 44 Yên Phụ, ĐT: 8293166, 7160071
Hoặc các xí nghiệp:
Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình: 1 Cửa Bắc, ĐT: 8293155
Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa: 1 Quốc Tử Giám, ĐT: 7474035
Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hai Bà Trưng: 1 Trần Khát Chân, ĐT: 8211638
Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm: 8C Đinh Công Tráng, ĐT: 8257670
Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy: 5 Doãn Kế Thiện, ĐT: 7643694
Bài và ảnh: KIM DUNG