QĐND - Thời gian qua, vấn đề tác động đối với môi trường của hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là của các nhà khoa học, do được xây dựng trong khu vực gần Vườn Quốc gia Cát Tiên - một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai - chủ đầu tư của hai dự án đã tổ chức họp báo công bố các vấn đề liên quan tới hai dự án này, trong đó có trình bày tóm tắt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Rừng trong khu vực dự án chủ yếu là "rừng nghèo"

Theo chủ đầu tư, hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nằm trên sông Đồng Nai, được chia thành hai bậc thang với tổng công suất là 241MW, tổng sản lượng điện hằng năm là 929,16 triệu kWh. Tổng diện tích chiếm đất của hai dự án là 372,23ha. Trong đó, diện tích chiếm đất khu Cát Lộc thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên là 136,98ha; diện tích chiếm đất rừng phòng hộ là 235,25ha. Hai dự án này ở vị trí trung lưu dòng chính sông Đồng Nai và là rìa phía Bắc của khu Cát Lộc.

Hai dự án nằm kẹp giữa các bậc thang thủy điện của dòng chính sông Đồng Nai gồm các thủy điện phía thượng lưu là: Đơn Dương (Đa Nhim), Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5; phía hạ lưu là Đồng Nai 8 mà theo quy hoạch hiệu chỉnh do Bộ Công Thương phê duyệt năm 2009 được thay thế bằng 5 bậc thang thủy điện nhỏ hơn (Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn, Ngọc Định) và cuối cùng là Thủy điện Trị An.

Hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A do Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lập và đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt bao gồm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Chuyên đề đa dạng sinh học; Chuyên đề tính toán thủy văn; Chuyên đề khảo sát, đánh giá kinh tế-xã hội.

Theo kết quả kiểm kê rừng giữa chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và một số cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, hiện trạng rừng khu vực các dự án này có: 4,32ha (1,16%) là rừng giàu; 24,55ha (6,6%) rừng trung bình; 299,71ha (80,52%) là rừng nghèo, rừng hỗn giao, lồ ô, tre nứa; 23,68ha (6,36%) đất có gỗ và không có gỗ tái sinh, cây rừng phân tán; 14,31ha (3,84%) là đất trống cây bụi; 5,66ha (1,52%) là ruộng rẫy, đường mòn, khe suối.

Chủ đầu tư cho rằng, với diện tích sử dụng đất 372,23ha, trong đó diện tích chiếm đất lâu dài là 323,53ha tương đương tỷ lệ 1,34ha/MW là thấp nhất so với bình quân các dự án thủy điện khác trên lãnh thổ Việt Nam (trung bình từ 10 đến 20ha/MW).

Cũng theo chủ đầu tư, trong phạm vi chiếm đất của các dự án nói trên không có dân cư và đất nông nghiệp nên không phải đền bù đối với đất nông nghiệp (chỉ hỗ trợ đền bù hoa màu cho 2,9ha do người dân xâm canh) và không phải thực hiện công tác di dân, tái định cư.

Một chuyến đi thực địa đến khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 6. Ảnh: Định Hùng

Bàu Sấu ít bị ảnh hưởng

Những tác động của hai dự án thủy điện đến khu vực Bàu Sấu, nơi có cá sấu sống tự nhiên cũng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Các nhà khoa học lo ngại rằng việc xây dựng thủy điện sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp nước cho khu vực Bàu Sấu vốn đang dần cạn nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo ĐTM thì: Khu vực Bàu Sấu ở hạ lưu suối Đắk Lua có diện tích lưu vực khoảng 290km2 - là một nhánh suối của sông Đồng Nai- nằm ở phía hạ lưu và cách các thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A lần lượt là 50km và 60km theo đường sông. Nguồn nước Bàu Sấu được cung cấp bởi nước mưa tại chỗ và lượng nước từ thượng nguồn suối Đắk Lua đổ về. Nước từ lưu vực suối Đắk Lua và Bàu Sấu chủ yếu chảy ra sông Đồng Nai. Những năm nước lớn, số ngày có nước từ sông Đồng Nai chảy vào suối Đắk Lua khoảng từ 5 đến 10 ngày và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, sau đó nước từ suối Đăk Lua với lưu lượng lớn chảy lại ra sông Đồng Nai.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án nhận định rằng, các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A không ảnh hưởng đến chế độ thủy văn suối Đắk Lua, Bàu Sấu và cũng hầu như không ảnh hưởng đến chế độ thủy văn dòng chảy hạ du.

Khó có khả năng xảy ra động đất kích thích   

Báo cáo ĐTM cho rằng, cho đến nay ở Việt Nam và ngay cả trên thế giới chưa có được những nghiên cứu thấu đáo về vấn đề động đất kích thích. Tổ chức UNESCO đã có thống kê về động đất kích thích xảy ra trên nhiều hồ chứa lớn trên thế giới đã đi đến khuyến nghị về điều kiện có thể phát sinh động đất kích thích là: Cấu trúc địa chất vùng hồ chứa không ổn định, có các đứt gãy địa chất kiến tạo sinh chấn; chiều cao cột nước chứa trên 90m; dung tích hồ chứa lớn hơn 1 tỷ mét khối nước.

Các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A có dung tích hồ chứa là 64 triệu mét khối ở Đồng Nai 6 và 31 triệu mét khối ở Đồng Nai 6A nhỏ hơn nhiều lần trị số dung tích 1 tỷ mét khối. Đồng Nai 6 có chiều cao cột nước là 48m và ở Đồng Nai 6A là 36m, chỉ bằng 1/2 và nhỏ hơn 1/2 cột nước 90m theo trị số thống kê của UNESCO nêu trên. Theo kết quả khảo sát địa chất, khu vực phạm vi lòng hồ và tuyến đập các dự án thủy điện này không có các đứt gãy địa chất sinh chấn cắt qua. Từ đó cho thấy, hai dự án thủy điện này không có khả năng gây ra động đất kích thích. Ngoài ra, tại khu vực này đã có các hồ chứa thủy điện lớn đã tích nước và đi vào vận hành như Đồng Nai 3 (dung tích hơn 1,4 tỷ mét khối, cột nước 115m), Đồng Nai 4 (dung tích 337 triệu mét khối, cột nước 120m), Trị An (dung tích hơn 2,7 tỷ mét khối, cột nước 40m) nhưng cho đến nay chưa xuất hiện hiện tượng động đất kích thích. 

Cùng với đó, PGS, TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) - đơn vị được thuê nghiên cứu, thực hiện báo cáo ĐTM còn cho biết, qua khảo sát ít ghi nhận được sự xuất hiện của các loài động vật quý hiếm trong khu vực dự án.

Từ đó, PGS, TS Nguyễn Văn Phước đánh giá, môi trường, động vật, thực vật, cảnh quan của khu vực xây dựng hai dự án sẽ bị ảnh hưởng nhất định, tuy nhiên ở mức chấp nhận được.

Theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội, dự án, công trình có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên thì phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết nói trên và sẽ phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. 

Về vấn đề này, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho rằng, công ty sẽ chấp hành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và tuân thủ pháp luật. Công ty luôn đặt mục tiêu lợi ích của quốc gia và quốc kế dân sinh lên hàng đầu, lợi ích của doanh nghiệp gắn liền và đi sau lợi ích của cộng đồng, xã hội và đặc biệt phải quan tâm bảo vệ môi trường.

Báo cáo ĐTM cho rằng, những tác động của hai dự án đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về các khái niệm liên quan tới "rừng giàu", "rừng nghèo"; cân đối giữa lợi ích hữu hạn về kinh tế của dự án với tác hại vô hạn nếu các loại gen quý trong khu vực nhạy cảm này bị xâm hại và biến mất; trách nhiệm của Việt Nam đối với việc bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận...

Dư luận mong mỏi việc tính toán giữa lợi ích kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra từ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A cần được nghiên cứu một cách hết sức nghiêm túc và khoa học, tìm ra những phương án khả thi, bền vững, có lợi nhất cho đất nước và nhân dân.

QUỲNH DƯƠNG