Nam Định là tỉnh trung tâm của vùng nam sông Hồng, mang khá đủ những nét đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trong những năm gần đây, kinh tế-xã hội Nam Định đã có bước phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp vẫn còn thấp, đời sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn, nhiều vấn đề bức xúc đã nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn.

Sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp

Nam Định có diện tích tự nhiên 1.678km2, dân số gần 2 triệu người, mật độ dân số bình quân gần 1.200 người/km2, là một trong những tỉnh “đất chật, người đông” của cả nước. Cũng như các địa phương của đồng bằng sông Hồng và cả nước, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Nam Định đang giảm dần. Năm 2007, tỷ trọng này chỉ còn chiếm 29,6% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, còn lại là công nghiệp và dịch vụ. Tuy tỷ trọng thu hẹp, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là vấn đề có tính chiến lược vì toàn tỉnh có 1,66 triệu người sống ở nông thôn.

Nhờ làm thêm nghề cây cảnh, nông dân xã Điền , Nam Trực đã xây được ngôi nhà đẹp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Nam Định, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tuy có bước phát triển trong những năm qua, nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế thấp, khả năng tích lũy hạn chế. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm. Một trong những nguyên nhân chính là do đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực này còn rất yếu.

Qua khảo sát thực tế một số địa phương ở Nam Định, chúng tôi thấy sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, phân tán và mang yếu tố tự phát của kinh tế hộ.

Quy mô canh tác manh mún trước hết là do ruộng đất manh mún, bị xé lẻ. Toàn tỉnh có 41 vạn hộ nông dân. Bình quân một hộ có 4,3 khẩu với 2,3 lao động thì có khoảng 2.700m2 đất nông nghiệp, trong đó 2.500m2 đất canh tác. Việc tích tụ ruộng đất diễn ra không đáng kể. Hiện chỉ có khoảng 1,8% số hộ có chuyển nhượng đất, chủ yếu là ngắn hạn, tạm thời. Sau dồn điền đổi thửa, mỗi hộ vẫn còn 3,7 mảnh.

Theo thống kê của đồng chí Trịnh Xuân Đông, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường thì mỗi sào Bắc Bộ (360 mét vuông) trồng lúa trong vụ chiêm xuân này, người nông dân ở đây đã phải chi tới 900.000 đồng để mua giống, thuốc trừ sâu, phân bón... Với giá thóc hiện nay và năng suất lúa trung bình của xã, mỗi sào trồng lúa, sau khi trừ tất cả các khoản đóng góp, trả tiền công, người nông dân chỉ thu lãi được khoảng 50.000 đồng.

Ngành nghề chậm phát triển, đời sống của một bộ phận nông dân khó khăn

Do đất đai quá ít, đối với nhiều hộ, trồng trọt chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu nhập. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là để tự túc và chủ động về lương thực, chưa tính đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Phần lớn số hộ làm nông nghiệp nhưng thiếu động lực đầu tư thâm canh, tăng vụ, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; thiếu chủ động học hỏi kiến thức nên tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn nặng tính tự phát. Những năm qua, đầu tư của hộ nông dân chủ yếu là đầu tư khai thác nhanh như giống, phân hóa học, thuốc trừ sâu, ít đầu tư vào cải tạo kiến thiết đồng ruộng, tu bổ hệ thống thủy nông và giao thông nội đồng.

Nhiều công trình ở nông thôn xuống cấp nhưng chưa được chú ý đầu tư, sửa chữa. Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Xuân Kiên (xã Xuân Kiên, Xuân Trường) cho biết, Nhà nước đã miễn thủy lợi phí cho nông dân, nhưng mới chỉ cấp kinh phí để tu bổ hệ thống sông cấp 1, còn từ hệ thống sông cấp 2 đến hệ thống vào nội đồng thì hợp tác xã phải lo. Mà hợp tác xã thì không có kinh phí. Nông dân đã phải đóng góp xây dựng các công trình như điện, đường, trường, trạm, nước sạch... Các khoản phí đang đè nặng lên đôi vai họ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Trường cho rằng, do đất chật, người đông, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, ngành nghề chậm phát triển, nên rất thiếu việc làm tại chỗ (tỷ lệ sử dụng thời gian của lao động đạt khoảng 65%). Nhiều nông dân phải đi làm ăn thời vụ xa nhà. Phần lớn là đi ra các thành phố lớn để kiếm công ăn việc làm, chấp nhận cả nghề… nhặt rác. Ấy thế mà thu nhập có khi lại gấp mấy lần làm ruộng.

Những người không có điều kiện đi xa cũng cố gắng xoay đủ thứ nghề để kiếm sống, từ chăn nuôi, đan lát, nghề mộc, cơ khí… nhưng tích lũy cũng không được là bao.

Trải thảm đỏ mời đầu tư nông nghiệp, nông thôn

Nhiều tiếng nói từ cơ sở, từ các chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, đối với nông nghiệp, nông thôn hiện nay thì nhà nước cần có một chiến lược đầu tư, vì với bất cứ một quốc gia nào, ở trình độ phát triển nào, thì nông nghiệp vẫn luôn giữ một vị trí sống còn trong đời sống kinh tế, chính trị, an ninh của đất nước.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xuân Trường cho rằng, rõ ràng nông nghiệp hiện đang là vùng trũng. “Chính phủ và các địa phương trải thảm đỏ để mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, chế xuất, cảng biển…, sao chưa trải thảm đỏ, dành nhiều khoản ưu đãi để hướng các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”. Đại đa số người dân nước ta sống nhờ nông nghiệp, ở nông thôn. Nếu nông nghiệp, nông thôn còn lạc hậu, nghèo nàn, có nghĩa rằng đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng.

Đồng chí Nguyễn Chính, Trưởng phòng Chính sách Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định đề nghị: Có rất nhiều chính sách liên quan đến nông nghiệp cần được sửa đổi. Đó là chính sách ruộng đất (khuyến khích việc chuyển nhượng tích tụ ruộng đất; giá đền bù bảo đảm lợi ích cho nông dân và địa phương…), chính sách đầu tư (cần chú trọng đầu tư trực tiếp đến hộ, trang trại và tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân…), chính sách tài chính, chính sách thương mại, chính sách nguồn nhân lực… Cần phải xác định rõ kinh tế hộ là chủ thể chính của kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động trong nông nghiệp; tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại, sớm khắc phục tình trạng quy mô sản xuất nhỏ bé tự cấp tự túc như hiện nay.

Vấn đề quan trọng là việc “trải thảm đỏ” bằng cách nào? Nếu chỉ có ưu đãi đầu tư bằng đất đai, bằng nhân công giá rẻ thì không ổn bởi lẽ đất sản xuất nông nghiệp có hạn. Theo ý kiến của nhiều nông dân và những người gắn bó với nông dân Nam Định, cần phải xây dựng mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua hợp đồng và tạo điều kiện để cả người nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đều có lợi.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của Viện sĩ Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn, nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam: “Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay, về thực chất, là vấn đề phát triển bền vững. Nếu công cuộc đổi mới của nước ta dẫn đến một sự phân hóa xã hội quá mức, tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thì sự phát triển sẽ không bền vững. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề khác nhau, song, nếu không cùng được giải quyết một cách đồng bộ thì không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách vững chắc được”.

Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ-Hồ Quang Phương

Bài 2: “Lột xác” Hợp tác xã nông nghiệp