Thời gian gần đây, Facebook liên tục nhận những “lời mời” chất vấn liên quan đến việc chia sẻ thông tin cá nhân người dùng cho bên thứ ba. Đáng lo ngại hơn, mạng xã hội này còn dính líu tới việc cho phép một công ty phân tích thị trường và tư vấn chính trị của Anh sử dụng dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook để phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump hồi năm 2016.

Không riêng Facebook, các tên tuổi nổi tiếng khác như Twitter, Google... cũng nhiều lần bị lên án vì vô tình tiếp tay cho khủng bố, hoặc là trung tâm truyền dẫn nhiều tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu khiến cộng đồng hoang mang, lo lắng.

Song, những gì đang diễn ra đối với các trang mạng xã hội chỉ là một góc nhỏ trong vô số những lỗ hổng an ninh mạng hiện hữu và có thể trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, thậm chí là an ninh của một quốc gia.

Thực tế cho thấy, an ninh mạng đang trở thành một trong những thách thức của thời đại mới khi mọi hoạt động trên các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến chính trị đều phụ thuộc vào sự vận hành của máy tính và các thiết bị có kết nối internet. Trong khi, số vụ tấn công mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô. Các hacker ngày càng tinh vi trong đánh cắp dữ liệu từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý hành chính. Mặt khác, hành vi phát tán mã độc tống tiền, đòi tiền chuộc để mở khóa các tập tin đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các thông tin sai trái, thù địch, gây chia rẽ xã hội được tuyên truyền, tán phát rộng rãi.... Trong khi đó, những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng.

Đây cũng là lý do khiến nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật an ninh mạng. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, có 138 nước (trong đó 95 nước đang phát triển) đã ban hành đạo luật này. Tuy khác nhau về tên gọi, nhưng nội dung chính của luật an ninh mạng tại các nước đều nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên môi trường mạng internet.

Điển hình là tại châu Âu, Đức có luật an ninh mạng từ rất sớm. Tháng 7-2015, Quốc hội Đức đã thông qua luật an ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Luật an ninh mạng của Đức yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu và phải được Văn phòng Bảo mật Thông tin Liên bang (BSI) chứng nhận. Trong luật mới có những điều, khoản cụ thể đối với người sử dụng internet như cấm âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia, cấm xúi giục hành vi phạm tội. Ngoài ra, luật mới buộc các nhà cung cấp viễn thông phải cảnh báo khách hàng khi họ bị tin tặc tấn công, các nhà cung cấp phải lưu trữ dữ liệu về lịch sử truy cập lên đến 6 tháng để phục vụ điều tra.

Hẳn nước Đức hiểu rõ, đứng trước những thách thức trong kỷ nguyên số, điều mà một quốc gia cần làm là xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời chặn đứng các thông tin sai sự thật, gây mất ổn định về an ninh, trật tự… tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng trên không gian mạng. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức của người dân về vấn đề an ninh mạng cũng là điều hết sức cần thiết. Những gì nước Đức đã thực hiện cho thấy sự chủ động đối phó với những mối đe dọa đến từ không gian mạng của quốc gia tiên tiến đứng đầu châu Âu, và đó cũng là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ thực hiện để bảo đảm sự an toàn của người dân và an ninh chung trong kỷ nguyên số.

NGỌC THƯ