 |
Con hổ đang nuôi tại nhà ông Ngô Duy Tân. Ảnh: Lao động |
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về: Ở Bình Dương có 3 hộ nuôi hổ trái phép. Việc này đã tạo nên những ý kiến khác nhau trong dư luận. Chiều hôm qua (19-3), phóng viên báo Quân đội nhân dân đã có cuộc gặp với lãnh đạo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tìm hiểu thực chất vấn đề.
41 con hổ có bị nuôi trái phép?
Theo thông tin mà chúng tôi có được, số hổ này tổng cộng là 41 con (trước đây là 37 nhưng có thêm 4 con vừa mới đẻ), nuôi tại huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Số hổ này của 4 hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, gồm 23 con của ông Ngô Duy Tân (giám đốc công ty Bia Thái Bình Dương), 9 concủa con ông Huỳnh Văn Phùng (chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh, trụ sở tại xã Thuận An, Dĩ An), 2 con của Công ty cổ phần Sóng Thần và 7 con của ông Huỳnh Phi Ngọc (phó giám đốc Công ty cổ phần Sóng Thần).
Tại thời điểm đoàn công tác liên ngành kiểm tra hoạt động nuôi hổ tại công ty Bia Thái Bình Dương của Ngô Duy Tân (có số hổ nhiều nhất) , số hổ này gồm 19 con, cả hổ trưởng thành và hổ con, được nuôi trên 6.000 mét vuông trong 9 ô chuồng kiên cố bằng thép và lưới B40. Ngoài ra còn có 14 con gấu, 6 con báo hoa, 5 con chồn mướp, 2 con vượn và khoảng 1.000 con cá sấu. Theo biên bản kiểm tra vào ngày 18-10-2006 (có chữ ký xác nhận của ông Lương Thiện Dân, phó giám đốc công ty Bia Thái Bình Dương), công ty không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc của số hổ đang nuôi nhốt (như giấy phép nhập khẩu, giấy cho, tặng, mua, bán). Căn cứ vào kết quả làm việc, Đoàn kiểm tra đã kết luận công ty Bia Thái Bình Dương đã vi phạm Nghị định số 32/2006NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; Nghị định 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm..
Đoàn kiểm tra đã đề nghị công ty tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng số hổ này cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời yêu cầu công ty không tiếp tục mua bán trái phép hổ và các loài dộng vật rừng hoang dã khác.
Chưa có quyết định tịch thu
Trước đây, trả lời báo chí xung quanh việc nuôi hổ ở Bình Dương, lãnh đạo Cục Kiểm lâm từng khẳng định: Loại hổ được nuôi ở Bình Dương thuộc loài hổ Đông Dương đặc biệt quý hiếm (nhóm 1B), do vậy cần bảo tồn nghiêm ngặt. Ở Việt Nam chưa nhân được giống hổ nên chắc chắn hổ nuôi trong dân có nguồn gốc hoang dã, nuôi là bất hợp pháp. Người nuôi hổ là vi phạm pháp luật.
Sau khi sự việc xảy ra, ngày 15-12-2006, Cục Kiểm lâm đã tổ chức cuộc họp tư vấn với các cơ quan liên quan như Thanh tra Bộ NN-PTNT, Vụ Pháp chế, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Quản lý thị trường, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên - môi trường… và thống nhất khẳng định: Việc mua, bán, nuôi nhốt hổ của các chủ trại tại Bình Dương là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là tại điều 20 và 50 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991 và một số văn bản khác. Tại cuộc họp này Cục Kiểm lâm đề xuất xử lý một trong các phương án: Thứ nhất, tịch thu toàn bộ số hổ trên, đưa về nuôi tập trung tại các tổ chức có chức năng, và đủ điều kiện gây nuôi, phát triển đàn hổ. Thứ hai, tiếp tục giao cho các chủ trang trại nuôi, nhưng phải tổ chức gắn chíp điện tử để quản lý (như đối với gấu), chủ trang trại phải chịu chi phí và Nhà nước có thể thu hồi khi cần thiết. Thứ ba, tiến hành tịch thu tiêu huỷ toàn bộ. Tuy nhiên, sau khi phân tích bàn bạc, các thành viên cuộc họp thống nhất đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến cho phép được tịch thu toàn bộ số hổ đang nuôi nhốt trái phép tại Bình Dương, và giao cho những tổ chức có chức năng nuôi nhằm mục đích bảo tồn và phục vụ lợi ích văn hoá cộng đồng.
Ngày 22-12-2006, Bộ đã gửi công văn xin ý kiến thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết vấn đề này. Ngày 9-3-2007 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1258/VPCP-NN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, theo đó, giao cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNN chủ trì họp với thủ trưởng các cơ quan liên quan để bàn biện pháp xử lý việc nuôi nhốt hổ trái phép tại Bình Dương theo đúng quy định của pháp luật.
Tại cuộc gặp chiều 19-3, với một số cơ quan báo chí, ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm khẳng định: Cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc tịch thu 41 con hổ tại Bình Dương như có thông tin báo chí đã nêu.
Giải quyết theo hướng nào?
Mặc dù Nhà nước có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân được phép nuôi động vật rừng hoang dã quý hiếm, trong đó có hổ, tuy nhiên phải hợp pháp theo quy định. Có thể khẳng định, việc nuôi nhốt hổ của các hộ tại Bình Dương là trái phép vì không có nguồn gốc, xuất xứ, giấy tờ hợp lệ. Vẫn theo ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, có thể sau khi tịch thu, số hổ này sẽ tiếp tục được nuôi nhốt. Nhưng giao lại cho các hộ tại Bình Dương nuôi, hay chuyển tới một địa điểm khác thì còn phải tiếp tục xem xét. Tuy nhiên, dù nuôi ở đâu thì phải đáp ứng điều kiện tốt nhất việc chăm nuôi, đồng thời phải làm thủ tục rõ ràng để số hổ này từ bất hợp pháp sang hợp pháp! Ông Tuấn cũng khẳng định: sẽ không truy cứu trách nhiệm hay hỗ trợ cho các cơ sở, hộ nuôi hổ nếu tịch thu; đồng thời thừa nhận, quá trình giải quyết “vấn đề hổ” tại Bình Dương của cơ quan chức năng, trong đó có Cục Kiểm lâm, là quá chậm và máy móc, gây ý kiến trái chiều trong dư luận.
Theo chúng tôi, phương án “hợp thức hoá” số hổ trên rồi giao lại cho các hộ đang nuôi cũng cần phải xem xét kỹ. Bởi vì, cho dù số hổ này được “chuyển hoá” thành hợp pháp, rồi lại được nuôi tại những chính cơ sở, gia đình trước đây nuôi bất hợp pháp, chẳng khác nào… phạt cho tồn tại! Điều này sẽ thành tiền lệ không tốt đối với những trường hợp khác. Hiện tại, việc thu giữ, chuyển giao số hổ này cho những tổ chức có chức năng, điều kiện nuôi dưỡng bảo tồn, là phương án cần được tính đến, nhằm phục vụ tốt hơn lợi ích kinh tế, văn hoá cộng đồng.
Cuối tuần Bộ sẽ có cuộc họp bàn về vấn đề này.
HÙNG LÊ