Ảnh: Internet

11.613 tỷ đồng sai phạm, thất thu, lãng phí... Kết quả kiểm toán mới nhất vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố lại gây một cú “sốc”. Giá trị của các sai phạm tài chính được phát hiện qua các cuộc kiểm toán năm sau luôn cao hơn năm trước hàng nghìn tỷ đồng.

Một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng việc xử lý sai phạm chưa đủ tính răn đe?

Càng biết càng xót ruột

Điều đầu tiên, cần hoan nghênh hoạt động tích cực của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Xưa nay, vẫn biết việc sử dụng ngân sách luôn có “vấn đề”, thậm chí sai phạm là rất lớn, nhưng chỉ là biết từng vụ việc, còn lại chủ yếu là phỏng đoán. Chỉ đến khi kiểm toán công khai kết quả các cuộc kiểm tra tài chính quy mô lớn thì những con số mới được đưa ra ánh sáng. Và đến khi ấy xã hội mới giật mình trước cách người ta ứng xử với ngân sách Nhà nước (NSNN), với tiền của nhân dân.

Tính đến ngày 15-2-2008, tổng hợp từ 105/108 cuộc kiểm toán (còn 3 cuộc đang triển khai), Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện 11.613 tỷ đồng tiền sai phạm, lãng phí, thất thu trong niên độ tài chính 2006 của các đối tượng được kiểm tra. Đối tượng kiểm toán này bao gồm 17 bộ, cơ quan trung ương; 29 tỉnh, thành phố; 15 dự án, công trình quan trọng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; 15 tổng công ty Nhà nước, 6 tổ chức tài chính, ngân hàng; 5 đơn vị dự toán, 7 đơn vị thuộc khối học viện, nhà trường, 4 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng và 14 đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Công an; kiểm toán việc quản lý và sử dụng lệ phí đường bộ hai năm (2005-2006).

Trong đó, đáng chú ý là kiểm toán đã đề nghị tăng thu NSNN và tăng thu khác ngân sách là 2.789 tỷ đồng; giảm chi Ngân sách nhà nước 1.240 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là các khoản chi sai chế độ, các khoản đề nghị quyết toán sai chế độ, đề nghị quyết toán không đúng thủ tục, không đúng nguồn kinh phí… mà phần nhiều là thuộc các công trình xây dựng, chương trình, dự án); các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN là 6.084,7 tỷ đồng…

Răn đe không chỉ bằng các khung hình sự

Một điều dễ dàng nhận ra là số tiền trong các sai phạm về tài chính của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị luôn năm sau cao hơn năm trước, đợt kiểm tra sau lớn hơn đợt kiểm tra trước. Một phần có thể là do nhiều đối tượng được đưa vào diện được kiểm tra hơn. Nhưng qua đó có thể thấy, dường như các chế tài xử lý hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Kiểm toán Nhà nước cho biết đã gửi hai hồ sơ vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra là: Đề án 112 và Dự án Phát triển Hạ tầng Đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì. Đồng thời, 2 hồ sơ của Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng và Tổng công ty Công nghiệp bao bì Liksin cũng đã được chuyển cho cơ quan thuế để kiểm tra xử lý vi phạm. KTNN cũng đã cung cấp một số báo cáo kiểm toán cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng… Trong cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán, một số phóng viên cho rằng phát hiện nhiều sai phạm như vậy mà chỉ có hai hồ sơ được gửi sang cho cơ quan cảnh sát điều tra, liệu có quá ít? Ông Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước cho rằng, không phải cứ phát hiện sai phạm là gửi hồ sơ cho cảnh sát điều tra, mà còn phải tùy vào tính chất vụ việc, nếu phát hiện sai phạm với “những biểu hiện bất thường” (tham nhũng, vì các động cơ cá nhân) thì mới chuyển cho cơ quan điều tra. “Không nên hình sự hóa tất cả các sai phạm tài chính”-Ông Vương Đình Huệ khẳng định.

Có thể ông Huệ đúng. Bởi có những sai phạm là do cơ chế, rồi có thể cả do trình độ… Tuy nhiên, không hình sự hóa tất cả các sai phạm, không có nghĩa là bất lực trước sai phạm, để nó diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị với những hình thức ngày càng đa dạng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điều cần thiết là phải tạo ra được những chế tài xử lý có thể “dưới mức hình sự” nhưng đủ mạnh, đủ để răn đe, ngăn chặn.

Kết quả kiểm toán 6 chương trình, dự án mà KTNN cung cấp trong buổi họp báo đều có những sai phạm tài chính lên tới hàng chục tỷ đồng. Đương nhiên, số tiền sai phạm phải được thu hồi, điều chỉnh. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ. Trách nhiệm, động cơ của những người liên quan đến sai phạm phải được làm rõ, để rồi từ đó có các cách xử lý thích hợp. Nếu chưa đến mức phải xử lý hình sự thì các hình phạt như bắt đền bù, cách chức, cho thôi việc… cũng là hướng để xử lý. Các cơ quan, đơn vị để xảy ra những sai phạm lớn thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị ấy cũng phải chịu xử lý trách nhiệm. Những sai phạm lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì người đứng đầu không thể chỉ bị cắt khen thưởng, rồi khiển trách, cảnh cáo là xong. Chúng ta cần có chế tài, quy định rõ những mức hình phạt mà các cá nhân liên quan phải chịu, tùy theo mức độ sai phạm, thất thoát, lãng phí về tài chính của đơn vị. Tất cả các hình thức xử lý cần được công khai để răn đe. Cùng với việc xử lý sai phạm, thì qua các cuộc kiểm toán, chúng ta có thể phát hiện những cơ chế, chính sách đã lỗi thời để kịp thời điều chỉnh.

Mỗi lần cần kinh phí để thực hiện những dự án lớn về xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng lương cho công chức…, Chính phủ đều gặp khó khăn. Giá mà những nguồn tiền lớn nêu trên không bị thất thoát, lãng phí thì Ngân sách Nhà nước sẽ có dư sức để thực hiện nhiều mục tiêu lớn.

HỒ QUANG PHƯƠNG