Trong đó, ý kiến cử tri cho rằng cơ chế để huy động các thành phần kinh tế tham gia sản xuất quốc phòng là rất quan trọng, giúp hiện đại hóa quá trình sản xuất, sản phẩm công nghiệp quốc phòng bám sát các tiến bộ về khoa học-công nghệ.

Thượng tá PHẠM TUẤN ĐANG, Chủ nhiệm Kho 690, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần:

Thu hút các thành phần kinh tế tham gia sản xuất quốc phòng 

Việc xây dựng, ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng, góp phần điều chỉnh trực tiếp các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Điều đó cũng phù hợp với yêu cầu hiện nay xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

leftcenterrightdel
Thượng tá Phạm Tuấn Đang. 

Khi có luật, chúng ta sẽ thu hút, tạo động lực để huy động và tận dụng năng lực sẵn có của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang, các thành phần kinh tế dân sinh tham gia sản xuất quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp tốt hơn; đồng thời thúc đẩy khoa học-công nghệ trở thành một trong những động lực nâng cao tiềm lực, sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong giai đoạn bùng nổ phát triển công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo như hiện nay, luật hóa về công nghiệp quốc phòng, an ninh giúp chúng ta xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhà khoa học kỹ thuật đầu ngành, cùng đội ngũ người lao động lành nghề, có trình độ, tay nghề cao. Cùng với đó, hệ thống sản xuất và các sản phẩm công nghiệp quốc phòng cũng cần bám sát sự phát triển của công nghệ, tích hợp nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật theo hướng thông minh, tự động hóa nhiều hơn. 

HỒNG GIANG (ghi)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.